← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 02/10/2022
Kalama tri ân cô Hồ thị Vui ghi chép


  • Vô Úy Thí
  • Người nữ đắc thiền
  • Làm người nam tam nhân
  • Sống khô khan
  • Chủ ý gian dối
  • Bồi dưỡng chống đau
  • Sống chánh niệm
  • 6 căn 5 uẩn
  • Ngoại Đế
  • Tam tịnh nhục
  • Nhận tội
  • Cúng dường tiền bạc


  • Vô Úy Thí
    Hỏi: Quả của việc bố thí sự Vô Úy là gì?
    Đáp:
    Trong kinh dạy, Bố thí là sự cho ra, sự san sẻ, từ danh từ là dāna, động từ là deti, là cho.
    Trong Pāli có 2 chữ: dāna = giving, còn cāga = giving up. Biết 2 chữ này khác nhau, đúng không ta? Đúng không?
    Có nghĩa, một cái trao tặng (dāna – giving), còn cāga = xả bỏ, buông bỏ (giving up). Cả hai chữ trong kinh đều có dùng. Ở đây mình thấy, trong kinh Tăng chi phần 3 pháp, đức Phật Ngài dạy có 3 pháp chia sẻ:
    1. Chia sẻ vật chất (Amisadāna): Từ thức ăn, vật dụng, chỗ ở,… nhớ nha, cái gì mình sờ đụng được, cái gì mình nhìn thấy, mình biết bằng mũi bằng lưỡi bằng thân được đó gọi là Amisadāna, chia sẻ vật chất, hễ mình chia sẻ vật chất thì mai mốt vật chất mình được thoải mái.
    Tui tiếc, tui tiếc là thời lượng có hạn, bố thí mà giảng cho tới đã lắm. Ví dụ như, bố thí ảnh hưởng gì đến chuyện tu học của mình? Chính bố thí làm cơ thể mình khỏe mạnh. Thường người ta nhớ bố thí làm cho giàu thôi nhưng mà không, do chủ ý lúc mình lúc mình bố thí làm mình giàu, mạnh, khỏe, đẹp, thông minh. Do bố thí tác ý của mình. Cho nên, bố thí một bữa ăn, bố thí một cây kem đánh răng, bố thí một cục xà bông, bố thí một đôi dép đều đem lại công đức lớn. Không phải bố thí dép là mai mốt được dép, không phải, mà nó còn hơn vậy nữa. Tùy chủ ý mình lúc mình cho, Thí dụ, mình cho người ta đôi dép mà mình mong cho người ta được thoải mái đi lại để làm việc, để đi học, đi chùa, đi tu thiền, với đôi dép này người ta không bị khó khăn như trước đây. Với suy nghĩ như vậy thì công đức bố thí đôi dép nó lớn không tưởng nổi. Rồi.
    2. Pháp thí (Dhammadāna) = Chia sẻ kiến thức trí tuệ cho người khác, mình biết và mình cũng muốn người khác biết giống như mình. Cái kia là tài thí, cái này là pháp thí.
    3. Vô úy thí (Abhayadāna) = Mình có nếp sống, có một kiểu hành động, kiểu nói năng mà nó đem lại cho người ta sự an lòng, an tâm. Mình tránh nếp sống làm người ta bị sợ hãi, bị khó chịu, bị ray rứt.
    Thí dụ mình hay sát sinh, hay cắp vặt, hoặc mình có tật nói xấu người khác,… Nó có 1 tỷ cách làm người khác họ khổ tâm, sợ hãi, ray rứt, áy náy, bận lòng, nặng lòng, bất an, bất ổn, không yên, bây giờ mình tránh hết, mình tránh hết bất cứ một kiểu sống, một kiểu nói năng, hành động nào có thể tạo ra những cái đó ở người khác, thì cái đó gọi là vô úy thí. Nếu định nghĩa như vậy thì công đức nó chẳng thể nghĩ bàn. Ví dụ, mình tránh khẩu nghiệp, mình tránh không sát sinh, không trộm cắp cũng là vô úy thí.
    Tôi nói tới Vô Úy thì tôi nhớ một chuyện nhiều người tưởng lầm là chuyện cười mà đối với tôi chuyện đó rất là sâu sắc để giải thích cái Vô úy thí.
    Có bà chủ trọ bà cho một đám sinh viên thuê phòng trọ, trong đó có một anh cuối tuần hay đi nhậu, biết đi nhậu không? Mà ảnh đi nhậu về là ảnh về khuya, mỗi lần nhậu về là ảnh xỉn quá ảnh đâu tháo giày được, ảnh lấy cái chân ảnh đá văng đôi giày ra. Các vị biết, sức thanh niên, mà đôi giày nó nặng, mỗi lần ảnh đá nó um sùm, ồn, bà chủ bả phiền lắm. Bữa, bà lên bả nói:
    - Tui cho mấy cậu thuê với giá rẻ là tui thương sinh viên nghèo, tui biết nghĩ tới mấy cậu thì mấy cậu phải biết nghĩ tới tui, mình đi đâu về, mình chịu khó cúi xuống tháo đôi giày chứ mình đá vậy làng xóm sao ngủ.
    Anh sinh viên ảnh xin lỗi rối rít và hứa không tái phạm. Nhưng một đêm kia ảnh đi về ảnh quên, ảnh xỉn quá, ảnh tiếp tục đá giày nữa. Lúc đó là 12h đêm. Tới 4h giờ sáng có người kêu cửa, mở cửa ra ảnh gặp bà chủ. Bà chủ mặt sân si lắm, ảnh vừa gặp mặt bả ảnh nói liền, ảnh nói :
    - Hồi tối cháu quên, cháu đá một chiếc nhưng cháu ngưng cháu không đá lại nữa.
    Bả nói: - Vấn đề là chiếc còn lại, cậu đá luôn là tôi ngủ rồi. Còn đằng này, tôi nằm tôi chờ cậu đá luôn chiếc thứ 2 mà tôi chờ từ 12h.
    Mà ta nói mấy thằng xỉn không biết đường nào mà lần, nó còn 1 chiếc thì mình đâu chắc nó tháo, thế là tôi ngồi tôi chờ.
    Ngày mai cậu phải thu dọn cậu đi, cậu không thể sống ở đây mà để tôi phập phồng như thế này được.
    Nhiều người tưởng lầm là câu chuyện cười, nhưng mà có nghĩa là, họ hiểu cũng không lầm, nhưng gần như lầm. Họ hiểu câu chuyện tới đó thôi. Nhưng không, trong Phật pháp mình nó sâu lắm. Có nghĩa là, kiểu sống sao mình làm người ta khổ tâm thì không được.
    Vô úy thí = từng động tác đóng cửa, đi đứng, kéo rèm, xê dịch đồ đạc, dọn dẹp lục lạo trong đêm cũng phải nghĩ người bên cạnh mình, mình không làm người ta khó chịu, đó cũng là vô úy thí. Nếu nói như vậy đó, thì công đức vô lượng. Đã nói vô lượng thì tả không hết. Có nghĩa là, mình chỉ nói vắn tắt thôi. Anh đem lại cho người ta sự an lòng, yên tâm, thoải mái, không lo âu, không sợ hãi, không ray rứt, không áy này thì đời sau sanh ra anh cũng ở hoàn cảnh như vậy đó, và anh cũng sẽ được gặp gỡ những người biết điều như vậy đó.
    Cho tôi nói cái này, hơi khó nghe. Đó là Thụy Sỹ.
    Năm nay tôi 53 tuổi, thời gian tôi sống bên ngoài mấy chục năm, tôi nhận ra một chuyện, mấy xứ tiên tiến có cái hay mình có thể mắng họ ích kỷ, họ ích kỷ lắm, nhà ai biết nhà nấy, đúng, nhưng bên cạnh đó mình được cái vô úy thí. Bên đây, người Âu Mỹ đặc biệt người Thụy Sỹ, họ không muốn ai phiền họ và họ cũng không phiền ai. Mình ở với họ mình yên tâm lắm. Thí dụ, buổi chiều mình bỏ quên cái gì ngoài sân: Máy móc, đồng hồ, bóp tiền, thí dụ mình quên ngoài sân thì cứ ngủ thẳng cẳng, sáng mai ra nó còn đó, trừ mèo nó tha thôi.
    Và, rất nhiều người quen của tôi, bỏ quên ví tiền ở siêu thị, vài giờ sau họ quay trở lại thì nhân viên thu ngân họ cất dùm cho mình. Hoặc là có những người hợp khách họ thấy họ lụm tới thu ngân họ giao, vì sớm muộn cũng có người tới tìm. Hoặc trên xe lửa. Tôi từng bỏ quên một cái ba lô, thường tôi không xài ba-lô. Bữa đó tôi cắc cớ tôi dùng, có một chiếc xe kéo, một cái ba-lô, lúc xuống, tôi ngủ quên, lúc tàu tới ga, tôi chụp cái xe kéo tôi dzọt thôi, bỏ quên balo. Thì tôi gọi phone cho người quen tôi, tôi hỏi giờ sao? Thì họ nói để họ giúp, họ gọi ngay nhà ga đó, nhà ga đó hỏi chuyến tàu nào thì sau đó tôi lấy lại được. Mà Ba-lô các vị biết linh hồn trong đó, vì sao? Vì passport tùm lum hết. tiền mất thì có thể ok nhưng giấy tờ mất phiền lắm.
    Vô úy thí là vậy đó. Tùy các quý vị, các vị muốn tưởng tượng công đức ra sao tôi không biết tôi chỉ nói: MÌNH SỐNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ MỌI NGƯỜI Ở BÊN CẠNH MÌNH HỌ ĐƯỢC THOẢI MÁI ĐƯỢC YÊN TÂM, YÊN LÒNG, NHẸ LÒNG, THANH THẢN thì mai mốt quý vị tưởng tưởng quý vị được sống chỗ như vậy đó. Rồi, xong.

    Tư thế ngồi của nữ nhân
    Hỏi: Người nữ có nên ngồi thiền trong tư thế bán già hay kiết già hay không?
    Đáp:
    Mình tu là tu tâm không tu tướng. Tu tâm có nghĩa là Chánh niệm, Định tâm, Trí tuệ, Tinh tấn. Mình tu là tu cái đó. Chứ còn tu tướng là mình mặc cái gì, ngồi tư thế gì không quan trọng. Cái quan trọng là TƯ THẾ ĐÓ NÓ CÓ LÀM CHO MÌNH THOẢI MÁI HAY KHÔNG?
    Trong văn hóa Việt Nam thì người nữ nên khép nép một tí, đúng không? Thì trong trường hợp, dựa trên quan điểm xã hội thì mình nên ý tứ chút. Nhưng giả định như, mình chỉ có thể thoải mái trong tư thế đó thôi, thì cái khăn, mùa lạnh thì có khăn len, khăn kashmire, mùa nóng thì mình có khăn coton, khăn silk, mỏng mỏng mình phủ nhẹ lên muốn ngồi kiểu gì thì ngồi, vô tư. Quan trọng là tu cái tâm

    Người nữ đắc thiền
    Hỏi: Người nữ có thể chứng đắc thiền được không?
    Đáp: Tuyệt đối được, với điều kiện người nữ đó phải: (1) Đầu thai bằng tâm tam nhân. (2) Nếu có đủ huệ căn tự chứng thiền thì quá tốt, nếu tự mình thì phải tu đúng cách. Chỉ vậy thôi.
    Bữa hổm tôi giải thích rồi, tam nhân là tâm thiện có trí. Tại vì, mình có 2 trường hợp tạo thiện: (1) Tạo thiện bằng tâm có trí & (2) Tạo thiện bằng tâm ly trí.
    Hồi nãy tôi có nói phần bố thí đó. Tạo thiện bằng tâm có trí là mình bố thí có chủ ý sâu rộng. Thí dụ như, mình bố thí mà mình mong đôi dép này người ta đi đứng thoải mái, đi nhanh hơn, không bị trượt, không bị té. Nội mình mong người ta không bị trượt, không bị té là kiếp sau mình khỏe mạnh, không bị tai nạn. Rồi mình mong người ta đi đứng thoải mái, không có khó chịu là đời sau sanh ra xe cộ tàu bè mênh mông, chỉ đôi dép thôi mà công đức như bố thí chiếc Mercedes vậy đó. Rồi mình mong người ta có đôi dép người ta đi kinh hành tốt hơn. Chỉ vậy thôi, là coi như mình tạo phước trí vô lượng, kiếp sau sanh ra là thông minh bằng trời. Ba cái này cộng lại, khi mình bố thí đôi dép đương nhiên mình giàu rồi. Kiếp sau sanh ra vừa giàu, vừa tu thiền tốt, vừa trí tuệ học giỏi, vừa khỏe mạnh, không có tai nạn… thí dụ như vậy. Cho nên, bố thí với cái chủ ý như vậy được gọi là hợp trí. Nha.
    Tâm thiện đó nó mai mốt, bất định kiếp nào, nó cho ra tâm đầu thai có trí, với tâm đó đắc thiền, đắc đạo, mới được. Cho nên, người nữ hoàn toàn có thể, chẳng những đắc thiền mà người nữ có thể đắc tới A La Hán, Lục thông, tam minh, và Bốn trí vô ngại. Những gì ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên chứng được thì người nữ đều có thể chứng được. Nhớ nha. Những ngài ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên có thể chứng được thì người nữ có thể chứng được. Có điều, kém cạnh tí, trí tuệ thì không thể nào bằng ngài Xá Lợi Phất, thần thông, thiền định thì không cách nào bằng ngài Mục Kiền Liên, thí dụ vậy, nhưng mà đó là độ hơn kém thôi, còn nói về chủng loại thì y chang. Mấy vị chứng A La Hán mình cũng La Hán. Mấy vị kia chứng được Phi tưởng Phi phi tưởng mình cũng chứng được Phi tưởng Phi phi tưởng. Ok. Xong.

    Làm người nam tam nhân
    Hỏi: Nếu người nữ tu chứng thiền về cõi Phạm thiên, khi hết tuổi thọ, sanh làm người thì người đó có cơ hội làm người nam và là người tam nhân không?
    Đáp: Tuyệt đối được và hoàn toàn có thể được, có thể nói không có gì trở ngại hết. Có nghĩa là từ trên Phạm thiên sanh xuống mình mang thân nam y chang một người đàn ông vậy đó. Bởi vì sao? Vì ngay lúc trên Phạm thiên mình đã không có nam nữ rồi, trên Phạm thiên không có giới tính. Đã lên trên đó thì nam nữ giống nhau. CÁI QUAN TRỌNG LÀ TẬP KHÍ TRƯỚC ĐÂY. Trước kiếp mà mình sanh về Phạm thiên, tập khí nữ mình quá nặng đi. Tập khí nghĩa là khuynh hướng tâm lý. Hai nữa là do TRỌNG NGHIỆP NÀO ĐÓ. Chỉ có 2 cái đó thì thua.
    Chứ còn nếu tập khí mình là tập khí nam và nếu mình không bị trọng nghiệp can thiệp thì từ Phạm thiên sanh xuống chuyện mình mang thân nam hoàn toàn có thể. Và, nói dặm thêm câu nữa là không khác nam giới tí nào hết. Thí dụ, bây giờ cô chứng thiền, tui cũng chứng thiền. Tôi về trời cô cũng về trời. Chuyện trở xuống, cơ hội trở xuống làm nam cô với tui bằng nhau. Trừ trường hợp tập khí, thí dụ, bà Ya-du-đà-là, bà mong làm nữ để giúp Bồ Tát thì vô số lần, bà về Phạm thiên chung với Bồ Tát, và vô số lần từ đó trở xuống bà mang thân nữ nữa. Mang thân nữ là vì một phần tập khí bà yêu mến Bồ Tát, một phần là đại nguyện.
    Còn có những người xuống tiếp tục thân nữ vì khuynh hướng nữ họ vẫn còn đó. Chuyện họ ly dục chứng thiền chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, họ trở về cõi Dục gặp môi trường thích hợp họ thích làm nữ trở lại. Cũng mở ngoặc nói thêm, có mấy cái nó không đáng nhưng nó quang trọng lắm, thí dụ như:
    - Thích làm đẹp, coi chuộng hình thức.
    - Hay chú ý chuyện lặt vặt.
    - Hờn dỗi, ghen tỵ chuyện lắt nhắt.
    Mấy cái đó mà mình không kịp nhận ra để thấy nó là xấu, không chịu để ý để thấy nó là xấu rồi cứ tiếp tục bố thí, nghe pháp, ngồi thiền, … vậy đó thì mai mốt hoàn toàn có thể về Phạm thiên nhưng trở xuống rồi thì tánh nữ nó trở đẩy mình trở lại làm nữ. Mình muốn mang thân nam:
    (1) Tránh nghiệp tà dâm.
    (2) Tránh mấy cái nữ tính, mấy cái lắt nhắt. Chuyện gì cần thì tập trung, chuyện gì không cần thì bỏ quả. Thí dụ, ra khỏi nhà là phải nửa tiếng đồng hồ, bóp đầm, xắc tay, mắt kiếng, áo màu gì “chà, sáng nay đi chợ màu hồng, chiều không được, chiều phải hồng phấn, tím…” mấy cái đó xài không được. Nam tụi tui là chỉ cần đừng có xà lỏn là tụi tui chơi tuốt.


    Hỏi: Có cách nào để không phải sanh làm thân nữ trong kiếp sau. Người mang thân nữ nên tu nguyện như thế nào?
    Đáp:
    Hồi nãy nói rồi.
    1. Ly dục: Đừng có nặng lòng tình cảm nam nữ. Nghe, nhớ kỹ, có cây viết ghi. Không nặng lòng tình cảm nam nữ, lỡ lấy chồng lấy vợ thì coi như tai nạn, nhưng không có màn ăn rồi dùng mực tím chép thơ, TTKH, nghe nhạc Tường Vũ, mắt mơ màng ngó xa xăm,… cái đó là không được.
    2. Ái luyến trẻ con.
    3. Thích làm đẹp.
    4. Bận tâm chuyện lắt nhắt.
    5. Trong đầu không quan tâm đại sự.
    Đây là 5 điều dẫn đến chuyện mang thân nữ. Nhớ cái đó.

    Sống khô khan
    Hỏi: Để muốn cắt đứt những tình cảm trân quý thông thường trong cuộc sống, và mong kiếp sau làm thân nam để tu tập nên gạt bỏ hết những đức tánh vốn dĩ là nữ của mình trong kiếp này, rồi sống khô khan, không thích bất kỳ ai quan tâm xíu nào, sống cứng nhắc, và thường sân khi người khác quan tâm, như vậy có sai pháp không?
    Đáp:
    Sai bét. Cái đó là sai bét.
    Vị A La Hán, vị A Na Hàm hoàn toàn không còn một tí dục ái nào hết. Thấp nhất là A Na Hàm cao hơn là A La Hán, cả 2 vị này đều không còn dục ái, không còn tí ti nào sự thích thú trong 5 dục, và càng không có thích thú trong nam nữ. Nhưng đây là 2 bậc dễ thương nhất đời. Trên đời không ai dễ thương hơn vị A Na Hàm và A La Hán. Không ai khả kính, dễ mến hơn. Người ta không bận tâm chuyện ái luyến nhưng người ta rất là nice, người ta cư xử rất đẹp, rất phải phép, rất biết chuyện, chớ không có phải mình tránh chuyện tình cảm rồi mình sống như khúc gỗ. Cái đó là một cái cực đoan.
    Theo mình, đời sống chỉ có 2 : Một là ướt nhẹp. Hai là khô queo. Cái đó là bậy. Nó còn có cái ẩm ẩm nữa. Nha. Làm ơn khôn dùm cho tôi nhờ.
    1. Khô.
    2. Ướt nhẹp.
    3. Ẩm ẩm : Là dễ thương, mềm mềm, friendly, ngay cả lovable cũng được, mình không yêu bậy cũng không cố tình gà cho ai chết vì mình, nhưng tại vì mặt mũi mình dễ thương, ngôn từ, cách cư xử mình dễ thương đứa nào nó chết là kệ nó, chuyện của nó, nhưng mình phải be nice. Ok?
    Cho nên, một là khô rang, hai là ướt nhẹp, ba là ẩm ẩm, ẩm mềm, ẩm dễ thương. Nó có cái đó nữa. Người này chỉ biết có 2 thôi.

    Chủ ý gian dối
    Hỏi: Người Mỹ thường có câu: Fake it until you make it, nghĩa là mình chưa được thì mình giả đi từ từ mình được. Thí dụ mình chưa dễ thương chưa nhu nhuyễn, người ta có thể cho mình đạo đức giả, thì từ từ thành thật hồi nào không hay. Tinh thần này đúng đạo Phật hay không?
    Đáp:
    Đạo Phật có chữ “cetana” = chủ ý.
    Khi mình có chủ ý gian dối, lừa đảo, lật lòng, dối gạt đội lốt, ngụy trang, cái đó là xấu. Còn nếu mình biết chuyện đó là chuyện cần làm, mình đang thực tập, ráng mình cắn răng thực tập, cho dù trước mắt là vẻ ngoài, vỏ bọc thôi nhưng mình đang cắn răng thực tập, cái đó là tốt.
    Tôi thí dụ, trước đây mình nóng lắm, nói mình cái đó là mình trả đũa. Nhưng bây giờ mình cắn răng, mình ráng mình cười. Cái cười đó không phải là giả dối mà là đang thực tập, chính mình biết, nụ cười đó không phải là nụ cười đểu, không phải là cười khuất lấp, che giấu, tại mình ráng cắn răng “Ok, thôi lỗi của tôi tôi xin lỗi”. Trong bụng mình muốn giết cả họ, nhưng mình ráng mình mềm như vậy. Lâu ngày “tự kỷ ám thị”, lâu ngày nó cũng thành.
    Nhớ lời của tui. Câu này quý vị phải trả tôi mỗi người 10.000 đô-la nè.
    Chừng nào thành thánh chưa biết, nhưng có 2 chuyện bắt buộc phải đọc như bùa vậy đó.
    Một là thái độ trước thị phi. Cứ nhớ câu này “CHUYỆN PHIỀN TRÊN ĐỜI CHỈ TỒN TẠI KHI TA NGHĨ TỚI NÓ, KHI TA KHÔNG NGHĨ TỚI NÓ THÌ NÓ KHÔNG CÓ” . Tôi nói hoài, trừ 4 chuyện mà mình không nghĩ nó vẫn có: (1) Pháp luật (2) Bệnh hoạn (3) Nợ nần (4) Thù oán, nghĩa là mình không nghĩ người ta vẫn thù mình. Đó là bốn chuyện.
    - Pháp luật: Mình đã phạm pháp rồi, bây giờ mình quên đi, thì cảnh sát vẫn tới gõ cửa, tòa vẫn gởi trát tới.
    - Sức khỏe: Bây giờ mình quên nó đi, ung thư nó càng ngày nó phát triển là chuyện có thật.
    - Thứ ba là nợ nần, bây giờ mình cố ý mình quên nhưng chủ nợ vẫn tới gõ cửa.
    - Thứ tư là kẻ thù, mình không nghĩ tới người ta nhưng người ta vẫn nghĩ tới mình.
    Trừ ra bốn cái: pháp luật, bệnh hoạn, nợ nần và kẻ thù, mà trên đời này, vô số chuyện, trừ ra bốn chuyện này, còn tất cả chuyện còn lại, phải nói là : Nó chỉ tồn tại khi mình có nghĩ tới nó. Nhờ nghĩ vậy mình đối với thị phi mình vững.
    Thứ hai, luôn tự kỷ ám thị rằng: CHẾT NÓ KHÔNG PHẢI LÀ KẾT THÚC MÀ BẮT ĐẦU. VỚI NGƯỜI NHƯ MÌNH, Chết là bắt đầu một hành trình khác đẹp hơn. Cứ nhớ như vậy. Câu này nó là một câu mẹo. Đây là một câu mẹo rất là hay.
    CHẾT LÀ ĐỂ BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH KHÁC ĐẸP HƠN BÂY GIỜ. Tại sao đẹp hơn? Là bởi vì BÂY GIỜ MÌNH PHẢI LÀM SAO ĐỂ MAI MỐT NÓ ĐẸP HƠN? Chứ giờ mình như con dòi thì làm sao mốt nó đẹp hơn được. Cho nên, mình cứ niệm câu này “chết là bắt đầu một hành trình khác đẹp hơn” Câu đó nó có 2 nghĩa:
    1. Chết không đáng sợ.
    2. Mình phải làm sao để mai mốt nó đẹp hơn. Chứ cứ nghĩ trong đầu suông là nó được hay sao?
    Cho nên, đây là một câu mẹo rất hay. Mình cứ tự kỷ ám thị như vậy, “Chết chỉ là sự bắt đầu cho một hành trình mới đẹp hơn”. Cứ tự kỷ ám thị hoài như vậy thì mai mốt đắc gì tôi không biết, mai mốt trước thị phi là một, trước cái chết là hai, ngon lành. Nhớ cái đó. Đó tôi gọi là tự kỷ ám thị.

    Bồi dưỡng chống đau
    Hỏi: Khi đau bụng hay đau răng, con thấy khổ vô cùng, vì hoàn toàn bị cơn đau dẫn dắt. Con hàng ngày cần bồi dưỡng công phu nào để có một phần năng lực đủ kham nhẫn?
    Đáp:
    Câu này nó giống như câu hỏi: Làm sao có sức khỏe? Nghe đơn giản mà nó không đơn giản. Nó giống như câu tôi hỏi cô: Làm sao có sức khỏe? Thì nó nhiều chuyện lắm:
    - Ăn uống cẩn thận,
    - Đừng lạm dụng thuốc men,
    - Thường xuyên vận động,
    - Đầu óc lạc quan, hướng thượng, vị tha
    - Ở chỗ thông thoáng,…
    Nói ra nó nhiều lắm. Cho nên, nếu mà nói gọn trong thời lượng tôi chỉ nói 1 câu: HỌC GIÁO LÝ VÀ SỐNG CHÁNH NIỆM.
    Một câu một, nó kết nối với nhau bằng chữ “và”. Mà 2 cái đó chính là pháp học và pháp hành. Phải học giáo lý. Tại sao tôi bắt phải học giáo lý? Bởi vì, không học giáo lý là giảng tới Tết nó cũng không có làm đúng lời mình đâu. Chỉ có người học giáo lý thì tôi mới muốn nói chuyện. Tôi nói thật. Tôi giảng như vậy cho khắp nơi nghe, nhưng trong bụng của tôi, tôi chỉ nhắm tới những người có học giáo lý, chứ người không học giáo lý, có thể bây giờ họ gật đầu nhưng nay mai họ nghe thầy bà khác họ lại chạy theo. Người học giáo lý thì giống như họ học Toán, Lý, Hóa, vậy đó, không phải họ nể ông thầy đó, mà bởi vì những điều ông thầy đó nói họ kiểm chứng được. Còn cái thứ không học giáo lý giống người không học Toán, Lý, Hóa vậy đó. Cứ nghe lang băm, nghe mấy mụ vườn nói là mai mốt nghe thầy bà khác.
    Cách đây mới bấy bữa đám vùng Pháp họ thương tui lắm, muốn ăn thịt rồng họ cũng bắt thịt rồng cho tui ăn nữa. Họ nói “Sư về đây, tụi con chăm sư, rồi sư dạy đạo cho tụi con” Tui nghe cái mùi nó tanh tanh rồi, nhưng mà nó chưa có tanh lắm, cái tanh nó lên tới đỉnh điểm khi họ phang câu này “Trời ơi sư biết, mấy năm nay con không nghe pháp là con chết rồi. Để bữa nào con lục lại mấy băng giảng, mấy bài giảng của hòa thượng Tịnh Không, hòa thượng Tuyên Hóa gởi cho sư nghe”.
    Có nghe nổi không? Tôi không có chê ai hết, nhưng mà họ không có giáo lý cho nên mệt mỏi lắm.
    Các vị hỏi tôi kinh nghiệm làm sao để chịu đựng cơn đau thì, câu đầu tiên:
    1. Các vị làm ơn học giáo lý dùm tôi đã. Phải học giáo lý.
    2. Có học giáo lý rồi bắt đầu mình mới sống chánh niệm.
    Chỉ có 2 cách này thôi. Tại sao tôi không hề nhắc tới trí tuệ ở đây? Các vị để ý đi, tôi không hề nhắc tới chữ kham nhẫn nha, không nha, không nhắc tới chữ Kham nhẫn, không nhắc tới Trí tuệ, không nhắc tới Thiền định, không nhắc tới ba chữ tào lao mà Việt Nam mình khoái xài là “tâm xả, tâm buông,…” Dẹp. Dẹp. Dẹp. Tào lao.
    Tôi chỉ nói 2 chuyện thôi: Học giáo lý & sống chánh niệm. Khi 2 cái này cộng lại tự động nó bung ra vô số phương pháp để đối phó với cơn đau. Người không học giáo lý tôi tuyệt đối tôi không muốn nói, bởi vì, tôi thù nhất nói mấy cái trên trời: Kham nhẫn, Trí tuệ, Quán chiếu, … toàn nói dóc không. Chỉ có học giáo lý và sống chánh niệm thì mới biết phương pháp nào để đối phó cái đó. Ok. Rồi.

    Sống chánh niệm
    Hỏi: Giáo lý cơ bản cần thiết cho một hành giả trước khi sống chánh niệm là gì? Và nếu có thời gian thì học chuyên sâu thêm những gì? Không có thời gian thì trọng tâm những gì?
    Đáp:
    Câu trả lời này của bà Ajahn Naeb không phải của tôi, của bà Ajahn Neab, cái này có trong quyển Kinh nghiệm Tuệ Quán, và các vị đọc được ngoại ngữ các vị vào trong google, đánh chữ “Vipassanas Ajahn Naeb” họ sẽ dẫn cho các vị một lô sách của bà. Nói một lô, sách của bà, theo tôi biết, tôi lục cũng thường lắm, gọi là sách thì họ không đem lên online miễn phí đâu, thường mấy băng giảng có người chép lại, người ta nghe băng giảng người ta chép lại bằng tiếng Thái, rồi có ai siêng dịch ra tiếng Anh, cho nên, mình lên đó mình gặp rất nhiều bài của bà giảng, bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Tôi có thấy trên đó, đầy trển. 5 thứ tiếng.
    Trong đó bà có nói, bà có nói rằng: Chuyện không học giáo lý mà chứng là cực kỳ hiếm hoi, ngoại trừ thời đức Phật, ngoại trừ thời kỳ còn thánh tăng, chứ còn thời nay không học giáo lý mà tự chứng bà nói không có mà bà nói nó cực hiếm. Hiếm hơn cả chuyện mình trúng độc đắc, hiếm hơn. Mà đã nói hiếm hơn độc đắc thì mình không nên lấy mấy người đó làm mẫu. Mình ăn rồi mình cứ ngậm cây tăm lên võng đọc báo đong đưa rồi mình chờ trúng số giống thằng hàng xóm thì chuyện đó là chuyện không được. Nha. Chuyện nó làm biếng như mình là chuyện đó chuyện đặc biệt.
    Cho nên, ở đây, tui theo bà, bà nói, chuyện không học giáo lý không thể nào tu Tuệ Quán được. Còn ai trong room này không tin thì xin tắt máy đi ra. Nhưng mà tui khẳng định, không học giáo lý thì không biết đường.
    Vì tui nói hoài, tui có một ví dụ tôi xài hoài. Đó là nồi canh chua, mình muốn nấu mình phải biết mặt mũi cọng giá, trái me, trái khóm, trái cà, đậu bắp, ngò ôm, ngò gai,… mình phải biết mặt mũi mấy cái đó mình mới nấu được, chứ đằng này mình hoàn toàn mù tịt hỏi làm sao nấu canh chua đây? Làm sao mà nấu đây?
    May là nồi canh chua nó là hữu hình hữu tướng nói gì cái tâm của mình? Mà cứ bắt chước người ta, tu là không học, học là sở tri chướng, học là sẽ thành kiến, định kiến, biên kiến, tùm lum, không thèm học, giữ tâm khơi khơi. Thì ok, tôi phải nói: Tôi vừa chúc mừng vừa chia buồn mấy người đó. Chúc mừng là mấy người đó có cái phép tu quá đã, không mệt. Nhưng tôi cũng chia buồn là mấy người này nay mai chỉ cần có một lúc nào đó tĩnh tâm một chút họ sẽ bị sốc, họ không biết tu là tu cái gì. Tâm mình không thấy, tu cái gì?
    Cho nên, bà mới đề nghị , hành giả cần lưu tâm mấy điều sau:
    1. Học kỹ về 5 uẩn, coi 5 uẩn là cái gì. Đọc cho bằng hết tài liệu nào nói về 5 uẩn. Nói rõ luôn là tài liệu A Tỳ Đàm. Học về 5 uẩn.
    2. 12 xứ = 6 căn, 6 trần. Học cho kỹ.
    3. Học về giáo lý Duyên khởi : Vô minh duyên Hành là sao? ..
    4. Học về Tâm pháp : cái được gọi là Tâm nó cấu tạo ra sao?
    Tâm chỉ là cái biết đơn thuần + 13 trung tính + 14 tiêu cực = tâm ác;
    Rồi bây giờ: Tâm đơn thuần + 13 trung tính + 25 tâm sở tích cực = Tâm thiện.
    Ít nhất dốt như bò cũng phải biết cái đó mới tu Tứ Niệm Xứ được. Mình tu mình phải biết à, cái này là ngã mạn, cái này là ganh tỵ, cái này là bủn xỉn, cái này là hoài nghi, cái này là phóng giật, cái này là hôn trầm, cái này là tà kiến, … mình phải biết. Còn đàng này nói “giữ tâm không không” tôi biết “không không” là sao? Giữ cái “rỗng rang” xài từ thấy ghê lắm .
    Đây là những cái mà hành giả phải học, nếu hành giả muốn. Bà con có quyền nghi ngờ tôi, nhưng tôi đã nói rồi, vào google mà tìm, đánh chữ Ajahn Neab – vipassana đó, thế nào cũng có bài đó.
    Tại sao tui tránh không giới thiệu sách của tui? Là bởi vì bài này tui có dịch rồi, dịch trong quyển Kinh nghiệm Tuệ Quán, bây giờ in thành một cuốn dày, 500-700 trang gì. Đó là một người cư sĩ không có thời gian, trí nhớ kém, trí hiểu chậm cũng phải như vậy, cũng phải học chừng đó, học về 5 uẩn, học về 12 xứ, học về 12 Duyên khởi, học về Tâm pháp, tức là tâm là gì, tâm sở là gì,…. Rồi, xong.


    Hỏi: Qua Tứ niệm xứ và 12 Nhân duyên trong tu tập phải quán chiếu như thế nào để có thể thấy được Vô thường, Khổ, Vô ngã?
    Đáp:
    Đúng ra cái này trong Kinh nghiệm Tuệ Quán có, trong Kinh nghiệm Tuệ Quán có. Tôi nói câu rất khó nghe mà không thể không nói. Đó là, quyển Kinh nghiệm Tuệ Quán là một quyển kinh Phật tiếng Việt, tôi cho rằng, nó nằm trong số những quyển sách tiếng Việt dễ đọc nhất, mà bà con đọc không hiểu thì thôi. Cho nên, trong đó có giải thích rõ.
    Thứ hai, trong giáo lý A Tỳ Đàm của chúng tôi, trong đó có nói rõ 12 Duyên khởi là cái gì, phải biết Bốn Niệm Xứ là cái gì, thân quán là cái gì, thân – thọ - tâm- pháp là cái gì, 12 Duyên khởi là cái gì, còn đây là câu hỏi nghe rất là sang, sang lắm, giống như mình hỏi, làm sao máy bay bay được? nghe nó rất là gọn, đúng là chuyện trên trời, nhưng mà tôi hỏi, học lớp mấy? Mới lớp 3. Thì bà cố, nó không biết vec-tơ, nó không biết sin, nó không biết cos, đại số, hình học, lượng giác,… nó mù tịt mà hỏi làm sao máy bay bay được thì đi chết đi.

    6 căn 5 uẩn
    Hỏi: Thí dụ về 1 căn trong 6 căn có 5 uẩn sinh khởi gần như một lúc?
    Đáp:
    Tôi thù mấy câu hỏi này, dốt mà múa.
    Bây giờ tôi ví dụ, nói theo A Tỳ Đàm thì Căn có 6. 5 căn đầu, đã nói căn chỉ là sắc thôi. Chỉ có ý căn là Danh pháp, là tâm thức. Rồi một trường hợp đặc biệt nữa.
    Nó có trường hợp một, căn chỉ cho sắc pháp, tức là nhãn căn, nhĩ căn.
    Trường hợp thứ hai, khi nói 12 xứ thì nhãn căn mình phải hiểu Nhãn căn gồm tâm nhãn thức và thần kinh thị giác. Trong trường hợp đó căn = thức + thần kinh.
    Còn câu hỏi mà dẫn chứng trong căn có 5 uẩn. Câu này nghe rất kỳ. Tôi chỉ giải thích thế này.
    Trong một khoảnh khắc, con mắt tôi nó nhìn thấy cái gì đó, theo A Tỳ Đàm nói, khi con mắt tôi nhìn thấy, người không học tưởng tôi vừa nhìn thấy cái hoa đẹp. Không. Trật lất. Con mắt mình nó không biết cái hoa. Nó chỉ chụp hình thôi. Lộ tâm đó gọi là lộ tâm nhãn môn, nó chụp hình xong, nó mới đưa vào bên trong, tiếp theo gọi là Lộ tâm ý môn, có nghĩa là process of mind, diễn biến tâm thức, citta vīthi, nó mới biết. Con mắt chụp xong, nó đưa vô trong, thì trong ý thức mình, lúc bấy giờ tưởng mới làm việc.
    Tưởng là gì? Tưởng có nghĩa là hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm.
    Tưởng nó mới làm việc. Trong lộ tâm đầu tiên, lộ tâm nhãn môn nó chụp hình, trong 1 loạt. Các vị hỏi một loạt là bao nhiêu? Ít nhất là 4, hoặc 7, hoặc nhiều hơn, tùy cảnh tùy người. Sau đó, nó có một loạt tâm, tâm nó quay lại cảnh cũ, định hình cảnh cũ. Cảnh cũ là cảnh mà mắt nó chụp. Định danh, định hình, thu tóm cảnh cũ, xong xuôi rồi, lúc đó hoàn toàn qua khỏi con mắt con mắt hết biết gì rồi, thì trong nó mới phân tích đây là hoa hồng, mà hồng vàng hay hồng bạch, hoa này có thơm hay không, đắt tiền hay không, hoa này mình mua hay là mình hái ngoài vườn, hay là do người ta tặng, lúc đó ở trong nó phân tích. Mà nó làm rất nhanh. Nó diễn ra rất nhanh. Nhanh lắm.
    Ngay trong lúc đó con mắt mình là sắc uẩn, chuyện mình nhận biết đây là cái hoa là tưởng uẩn, cảm giác lúc mình nhìn nó là thọ uẩn, tâm thiện tâm ác lúc đó mình có tâm thiện hay tâm ác là hành uẩn, còn bản thân cái biết của con mắt là thức uẩn. Vì thức uẩn nó chỉ cho 6 thức. Đó là câu trả lời của tui. Vị nào, nếu không học A Tỳ Đàm thì nghe cái này không hiểu. Nếu học mà hỏi thì chỉ là khoe của thôi.

    Ngoại Đế
    Hỏi: Tâm siêu thế là pháp hữu vi, sao lại thuộc Ngoại đế chứ không thuộc Khổ đế như những hữu vi khác?
    Đáp: Tôi ớn nhất là học như con vẹt.
    Khi mà người ta tính chi pháp, có chỗ: Tất cả mọi hiện hữu ở đời đều được kể là Khổ.
    Nghe cho kỹ nha.
    Nếu nói rốt ráo, tất cả mọi hiện hữu: Tâm nhân, tâm quả, tâm thiện, tâm ác, tâm phàm, tâm thánh, tâm thiền, tâm dục đều là khổ hết. Cây cỏ, kinh rạch, sông ngòi, chim muông, cầm thú, con người, tất cả đều là khổ hết.
    Chính đức Phật dạy: Saṁkhittena pañcuppādānakkhandhā dukkhā = Nói gọn lại, nói rốt ráo, 5 uẩn là khổ.
    Đó là kinh nói, Kinh Chuyển Pháp luân.
    Nhưng mà sở dĩ có trường hợp tâm Siêu thế bị kể là Ngoại đế, là vì sao?
    Làm gì trên đời có cái gì nằm ngoài Bốn Đế? Làm gì có. Nhưng ở đây, mình phải hiểu, trong trường hợp này, người ta tính:
    - Khổ đế là những gì được tạo bởi Tập đế. Nghe kịp không? Trong trường hợp này. Bốn chữ “Trong- trường – hợp – này” người ta muốn nhấn mạnh, Khổ đế là những gì được tạo ra bởi Tập đế.
    - Diệt đế = Niết Bàn
    - Đạo Đế = 8 Chi đạo trong tâm đạo.
    Đó là kể rốt ráo dành cho mấy người học A Tỳ Đàm, buổi đầu học công thức. Chứ còn, tôi nhắc lại. Nếu mà nói rốt ráo, cả 3 đế, trừ Niết Bàn, đều là Khổ hết. Vì sao? Yadaniccaṁ taṁ dukkhaṁ = Cái gì vô thường cái đó là khổ. Kinh nói như vậy. Yadaniccaṁ taṁ dukkhaṁ - Cái gì vô thường cái đó là khổ, khổ hết. Nhưng sở dĩ ở đây nói Khổ đế tách bỏ Tâm Siêu Thế, bởi vì, ở đây, trong trường hợp này, người ta muốn nhấn mạnh : Khổ đế là những cái gì tạo ra từ Tập. Còn tâm Siêu thế được tạo ra từ Đạo đế. Trong trường hợp này.

    Tam tịnh nhục
    Hỏi: Hôm trước sư có giảng về Tam tịnh nhục, như vậy tụi con đi chợ hàng ngày mua thịt cá đó cũng xem như tìm mua, phải không ? Như vậy, tụi cón có xem như phạm giới sát?
    Đáp: No. Cái này bậy nữa. Thấy chưa.
    Đi chùa mấy chục năm, tốn biết bao nhiêu triệu tiền Việt Nam, cúng bao nhiêu gạo, cúng bao nhiêu hoa, mà tới giờ này một người cư sĩ mù tịt 5 giới thì hỏi cư sĩ cái gì. Hả?
    Bữa nay tui nói thiệt nghe. Tui gặp người cư sĩ uống rượu tôi không ghét bằng gặp người cư sĩ dốt giáo lý. Tôi gặp người cư sĩ đánh bài, uống rượu, nhảy đầm, nhưng họ giỏi giáo lý tôi có cảm tình hơn là người mặc áo trắng, áo đà, áo lam, lim dim, chắp tay “Mô Phật” mà cái đầu đất sét không, không học giáo lý. Thứ này nó bỏ đạo một sớm một chiều. Tôi nói thiệt. Thà là thấy nó nhậu, nó nhảy đầm, nó đánh bài mà giáo lý nó giỏi tại vì nay mai có lúc nó quay đầu nó tu. Nó biết đường nó tu. Còn cái thứ bữa nay nó hiền, nó ngoan, đi đứng,.. bên Mỹ tôi gặp cái thứ đó nhiều lắm, xỏ xâu phơi khô, chiên xào nấu nướng bảy món ăn không hết. Tôi ghét cái đó lắm.
    Trong khi mình cư sĩ, chuyện 5 giới mình không biết.
    Thứ nhứt là giới sát sanh. Thế nào là giới sát sanh? Trong trường hợp nào được xem là phạm giới sát sanh, đứt giới sát sanh? Trộm cắp, tà dâm, uống rượu, cũng vậy. Trong trường hợp nào được xem là trộm cắp, trong trường hợp nào giới trộm cắp đó coi như bị hỏng? Thí dụ, giới sát sanh đi. (1) Chuyện đầu tiên, mình phải biết đối tượng đó là chúng sinh, chớ không phải cây cỏ, mình biết “đây là chúng sinh”.
    (2) Thứ hai, mình có chủ ý sát hại, tước đoạt mạng sống của đối tượng đó. Phải có chủ ý.
    (3) Thứ ba, có ra sức. Có chủ ý và có ra sức.
    (4) Thứ tư, đối tượng đó bị chết, chúng sinh đó bị chết do sự nỗ lực, ra sức của mình, dầu chỉ là đưa tay bóp con muỗi, giết con muỗi thôi, dầu nỗ lực lớn hay nỗ lực nhỏ. Mình lấy cái búa nện đầu con bò, mình chích điện con bò, mình lấy dao chọt vô cổ con heo, chích điện con heo, hoặc là mình lấy tay chà nát con kiến, thì cái đó đều là ra sức hết. Mình lấy búa tạ nện vô trán con bò, mình chích điện con heo, cắt cổ con gà, mình lụi con lợn, hoặc mình giết con kiến, chà con sâu, đều là chủ ý sát.
    Như vậy, (1) mình phải biết rõ đối tượng đó là chúng sinh (2) có chủ ý giết (3) mình có ra sức ít nhiều (4) đối tượng đó bị chết vì sự ra sức của mình.
    Ở đây cũng vậy. Các vị coi, mình đi mua miếng thịt mình có bị mắc vào bốn cái này không? Không? Lúc mình mua nó đã xong rồi, nó không còn là chúng sinh nữa.
    Nhưng có cái này phải kể nè.
    Tuy mình không giết, nhưng mình sắp đi tới nơi, mình mong bữa nay mình sẽ mua thịt, mua cá, nhớ nha, mình không giết nhưng lúc mình chưa mua mình có chủ ý mua thịt, mua cá, chắc chắn là phải mua đồ tươi, bởi vì tươi ăn mới ngon. Khi mình có chủ ý như vậy, mình đã có tội, được xem là có góp phần trong chuyện sát sinh của người ta. Cái đó, tôi chịu trách nhiệm câu nói này. Tức là, chủ ý đi tìm thịt cá tươi ngon để ăn thì cái đó ít nhiều góp phần trong chuyện sát sinh. Tùy duyên thì được. Thí dụ, tính bữa nay ra kiếm gì rẻ về nấu cho gia đình ăn. Trên đường đi thấy tiện đâu mua đó thì được. Nhưng chủ ý lúc trước khi vào chợ “ta sẽ mua cá, mua thịt, mua gà, mua ngỗng, … chắc chắn phải mua tươi ngon” trong trường hợp ta có chủ ý như vậy đó, thì ta đã ít nhiều phạm NGHIỆP SÁT. Nên nhớ, Nghiệp sát với Giới sát, hai cái khác nhau. Giới sát thì mình không có phạm.
    Mình đâu có giết đâu, mình không giết và cũng không kêu ai giết, không có.
    Giới sát khác mà nghiệp sát khác.
    Trong trường hợp mình có chủ ý mua cá, thịt tươi ngon về ăn về mặt giới luật mình không phạm giới sát, nhưng mình mắc nghiệp sát, có nghĩa là mình sanh ra cứ bị bệnh hoạn ngằn ngặt vậy đó, người không khỏe, cứ rêm, cứ đau, mắc bệnh này bệnh kia, nhẹ nhẹ không chết nhưng mà nó làm mình không thoải mái, không khỏe. Những người sống từ tâm, sống mát mẻ, không sát sinh, không hành hạ người khác, sanh ra sống lâu, khỏe, không bị bệnh vặt. Cái phước. Phước thường sống từ tâm. Còn mình thường sân si, thường mong người khác mất ngủ, thường mong người khác khó chịu, thường làm người khác ray rứt, nặng lòng, nhứt là tước đoạt mạng sống người khác thì (1) sanh ra yểu mệnh (2) bị trọng bệnh, nan y, tuyệt chứng (3) nhẹ là người cứ rêm nhức, ê ẩm, không chết cũng sống tới 90 mà nó bèo nhèo.
    Cho nên, nhớ.
    Các vị hỏi tôi vụ sát sanh, tôi nói rồi. Nhớ. Phân biệt. Giới sát khác Nghiệp sát khác. Có trường hợp không phạm giới sát mà phạm Nghiệp sát. Hiểu không?


    Hỏi: Những người Lạc vô nhân, giống như bị Down syndrome lúc nào cũng cười, không tu tập gì nhưng cũng không làm ác thì họ có được sanh về cõi vui không?
    Đáp:
    Thấy chưa, không lẽ giờ tôi mắng nữa. Không học giáo lý. Họ nói không làm ác, chữ “ác” họ hiểu sai. Họ tưởng ác là đâm cha chém chú, đâm heo, thuốc chuột, đốt nhà, cướp của, giết người họ tưởng đó là ác. No. Hiểu tới cái mức đó thì tận số rồi.
    Chữ Ác của đạo Phật = ác qua thân, qua khẩu, qua ý. Nha.
    Tham sân si biểu hiện qua thân – khẩu – ý.
    Tham, sân, si mà biểu hiện qua thân thì thằng khùng, thằng down sydrome không làm. Có thể có mà ít, có thể nó đập muỗi, giết kiến, nó cũng ngắt nhéo người khác, có nhưng mà ít.
    Nghiệp khẩu chắc không, vì down sydrome có nói gì nữa thì tôi nghĩ cái đó không là nghiệp khẩu vì nghiệp khẩu phải do sự tính toán, mà down syndrome đâu biết tính toán. Nó chỉ tạo nghiệp thân thôi.
    Nghiệp ý là vô lượng, nó cười cười, mà toàn bằng tâm tham không. Mà người này họ tưởng ác phải máu và lệ mới là ác. No. No.
    Nhớ ở đâu có tham, sân, si ở đó là ác. Nhớ. Không nhất thiết phải làm đổ máu rơi lệ mới là ác. Ok? Rồi, xong.

    Nhận tội
    Hỏi: Kinh Sa-môn Quả, sau khi vua A Xà Thế bạch với Phật về trọng tội của mình đã sát hại phụ vương để đạt vương quyền, Phật có nói “vì đại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với Chánh pháp, ta nhận tội ấy cho đại vương” . Con chưa rõ ý nghĩa của câu “ta nhận tội ấy cho đại vương” là như thế nào?
    Đáp:
    Trời ơi, nó khổ quá khổ.
    Chữ nhận tội = khamabhemi (nhận tội), khamami (tha thứ), người ta xin sám hối với mình, thì mình nói là cũng cái chữ “khamami” ngài dịch là “Ta chấp nhận lời xin lỗi ấy,” còn ở đây là “ta nhận tội ấy cho đại vương”.
    Cái thứ Việt Nam làm biếng tu mà nghe cái mùi Chúa Trời là mừng, khoái lắm “Ta nhận tội ấy cho các ngươi”. Không phải.
    Ta nhận tội = ta ghi nhận lời xin lỗi này của ngươi.
    Làm ơn biết ngoại ngữ, coi bài kinh Sa-môn Quả, số 2 của Trường Bộ, vào trong google coi bản tiếng Anh tiếng Đức người ta dịch ra sao. Cái nhận tội không phải là chúa Jesus căng trên thập giá chịu tội, không phải.
    Nhận = ta ghi nhận lời sám hối của ông.
    Ở đây mình phải thêm thế này.
    Ai cũng nói vua A Xà Thế giết cha hết, ai cũng nói cái đó, nhưng mình phải ghi nhận thế này:
    1. Vua gián tiếp không trực tiếp xuống tay. Nghe kịp không? Hai cái này nó khác nhau nha. Mình kêu người ta làm và chính mình làm, hai cái này khác nhau. Nhớ cái đó. Các vị còn không hiểu nữa, các vị mở dùm tôi, kinh Tệ túc Trường Bộ, cuối kinh nha. Coi người ta giải thích sao? Tức là, cũng việc đó mà tự mình làm quả báo nó khác, mình sai biểu người ta quả báo nó khác. Kinh nói chứ không phải tôi nói. Nha. Kinh Tệ Túc, Trường Bộ. Ghi xuống. Mình vô lớp mình phải có cái bút ghi xuống, chứ còn vô đực cái mặt đó ngồi. Thứ nhứt, vua không tự tay mình làm, vua chỉ ra lệnh thôi.
    2. Thứ hai nữa, vua đã suốt một cuộc đời phò trì và hộ độ đức Phật và chư Thánh tăng, mà thánh tăng ở đây phải kể là ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Anan, Ca Diếp,…47 vị đại đệ tử thánh tăng và 13 vị đại thánh ni. Vua A Xà Thế đã hộ trì tất cả đức Phật và 60 vị đại đệ tử và VÔ SỐ chư thánh tăng, nghĩa là ngoài 61 vị là đức Phật + 60 vị đại đệ tử là 61 và VÔ SỐ thánh tăng nha, còn phàm đừng có kể, kể chết đó, kể không hết đâu. Trong suốt mấy chục năm, và sau cùng, khi vua nghe Phật Niết Bàn, vua xỉu, vua tỉnh dậy, người ta lấy nước rửa mặt cho vua, vua hỏi “chuyện gì vậy?” nói là Phật mất rồi, vua xỉu tiếp, vua xỉu 3 lần, vua thương Phật lắm. Thương lắm.
    Phải nhớ như vậy.
    Vua không tự tay giết và vua một đời thương quý đức Phật không bờ bến nào tả được. Chính vua là người đã hỗ trợ, hộ trì cho 500 vị La Hán thực hiện kỳ kiết tập lần thứ nhất. Và, cũng chính Vua A Xà Thế là người xây dựng, thực hiện bằng tất cả lòng thương kính vô bờ trong việc xây dựng tháp Xá Lợi cho đức Phật và các vị đại đệ tử. Chính vua làm, và được ngài Ca Diếp bảo ban từng bước một. Để rồi, về sau này vua A Dục dựa vào công trình vua A Xà Thế để mà trùng tu, tái thiết, xây dựng hoặc làm mới, các công trình.
    Nãy giờ tôi đi một vòng để các vị thấy, vua A Xà Thế không có tự ty giết và vua có quãng đời ăn năn hối lỗi cực kỳ. Đối tượng mà vua hộ trì là số 1 trong Vô lượng vũ trụ. Tổng kết lại vua không đi vào A Tỳ Địa ngục mà chỉ vào địa ngục đồng sôi thôi.
    Đồng sôi là sao? Có nghĩa là một chảo đồng lớn như vậy. Trong room này nhiều thành phần trong đây, tôi lỡ nói rồi, tôi nói luôn không lẽ tới đây rồi ngậm miệng lại. Tức là, vua bị sanh trong chảo đồng đó từ trên miệng chảo xuống đáy chảo là 30.000 năm, từ dưới đáy chảo trồi từ từ lên mặt dầu mất 30.000 năm mới lên tới, lúc đó là hết, vua không bị đọa nữa.
    Trong khi ông Đề Bà Đạt Đa bị đọa suốt 1 tiểu kiếp. Một tiểu kiếp là gì? Một tiểu kiếp có nghĩa là thời gian chúng sanh, nhân loại từ 10 tuổi lên vô số năm, rồi từ vô số năm tuột xuống 10 tuổi đó là một tiểu kiếp. Ổng lâu hơn ông kia nhiều lắm, lâu hơn không biết bao nhiêu tỷ lần. Vì chính tay ổng thực hiện chuyện chia rẽ tăng, và mưu sát Thế Tôn.
    Cho nên ở đây, không phải Thế Tôn nhận tội dùm mà chữ đó, khamami là ta chấp nhận sự sám hối ấy của ông. Mà dịch ra “ta nhận tội ấy” nghe đã quá. Nghe là thấy tha hồ muốn làm gì thì làm rồi.
    Bởi, Việt Nam mình, kinh sách không chịu học cứ kiếm mấy cái khe chui vô, kiếm mấy cái khe coi kinh có chỗ nào hở hở khoái lắm. Rồi.

    Cúng dường tiền bạc
    Hỏi: Theo tìm hiểu của con, các vị tu sĩ Phật giáo, tỳ khưu và tỳ khưu ni không được thọ nhận tiền bạc, tuy nhiên trong thời đại hiện nay, các sư vẫn cần tiền để lo cho các hoạt động của chùa như chi phí điện, nước, … trong những trường hợp này người Phật tử nên hoặc không nên cúng dường tiền bạc? Nếu có thể cúng dường tiền bạc thì nên làm thế nào cho đúng với Chánh pháp?
    Đáp:
    Bây giờ nó như thế này. Chủ ý thôi.
    Nếu mình có lòng muốn làm phước thì chuyện đầu tiên, nếu mình thấy vị đó họ nhận tiền, mà mình biết rằng, theo mình đoán là vị này không có chuyện gì thiêng liêng, chỉ chi tiêu cá nhân thì mình tự hỏi : Thí dụ thuốc men, giày dép, chữa bệnh, chăn đệm, mùng mền, … nếu họ có nhu cầu mà mình cúng để họ xài cá nhân, mình có chịu hay không? Nếu mình thấy mình hỗ trợ đời sống vật chất của người ta được thì mình giúp. Còn trường hợp mình cúng mà mình nghĩ rằng ông này vì mê tiền mà đi dự lễ mình không hoan hỷ đừng cúng. Tôi khẳng định như vậy. Bản thân tôi, tôi làm mẫu trước, tôi nè.
    Ở bên Mỹ, có một lúc tôi cũng lái xe, tôi lái xe 10 năm, sau tôi bán xe rồi. Tới chỗ đèn đỏ, mấy ông homeless ổng hay xin tiền, tôi ngừng ổng hay lại ổng xin tiền. Mà nó có 2 cách xin : (1) không cần hỏi ý mình, tự nhiên có cái xô, có giẻ lau, nhúng sẵn xà bông, xe mình vừa ngừng, họ tự động lau lau mình liệng tiền ra cho họ. (2) Họ tới nói thẳng xin tiền, (3) Họ để: homeless, no money, no food, no job mình thấy là mình thò tay mình cho. Nhưng mà tôi biết chính xác mấy ông này toàn dân nghiện không. Trừ ra gặp mấy ông già tui còn cho, gặp mấy ông trẻ khỏe tui không cho. Vì tui tháy không hoan hỷ tui không cho. Hiểu không? Đó là trường hợp của tôi, tôi đem ra tôi nói. Tôi thấy không hoan hỷ tôi không cho, vì cho thêm bực thôi. Mà nếu thêm bực thì chỉ gieo nghiệp bất thiện, khi nào tôi thấy tôi vui tôi cho. Ở đây tôi cũng vậy.
    Tôi nghĩ Phật tử cũng vậy. Nếu xét thấy mình hộ trì được cho đời sống vật chất của người ta được mình hộ trì. Thứ hai, nó thiêng liêng hơn chút, mình nghĩ rằng vị này họ dùng số tài chánh này để họ làm những việc mua sách, mua kinh hoặc những phương tiện, dụng cụ hỗ trợ làm việc cho họ, thí dụ trong room có cô Như Mỹ, phải cô Như Mỹ không ta? Bà này là cổ chịu toàn bộ máy móc của tui, trong mấy năm qua. Có nghĩa là từ iPad, phone, cổ chịu hết, cũ cổ đổi cái khác, chứ còn tiền cho tui tiêu thì không, họ chỉ cho đúng món đó thôi. Tôi thấy nó cũng hay. Có nghĩa là sợ tiền ổng xài tầm bậy thì thôi mình cứ hỏi ổng cái đó cần không mình cho ngay chóc cái đó, không có phiền.
    Hoặc bên Cali có cô Mitchell Võ, phải không, khi tôi về Mỹ là sáng sáng bả từ bên Cali hỏi tôi ăn cái gì, bả order gần đó họ đem tới trước nhà cho tôi, cô này nè. Rồi có bữa cổ order mấy cái public sales siêu thị họ đem tới nào là giấy toa-let, xà bông, nước juice,… Nếu các vị không muốn cúng tiền, các vị cho cái đó cũng được.
    Trường hợp thứ ba, cúng cho chùa, coi như mình đổ nhớt cho cỗ máy của chùa vận hành.
    Trường hợp thứ tư, mình nghĩ mình cho mà vị này ăn tiêu không thanh tịnh khi mình có lòng, mình đừng cho. Cho thêm tiếc, thêm phiền. Theo tôi như vậy.
    Tôi không cực đoan nói rằng không nên cho tiền tăng ni, nhưng tôi cũng không thể im lặng, tôi không nói gì hơn, không nói gì thêm là : Khi thấy lòng không hoan hỷ, hoặc có lòng nghi ngờ thì không cho. Bởi vì mình cho lòng không vui.
    Như tôi, tôi đem trường hợp của tui, tôi thấy mấy ông homeless tôi thấy thương, nhiều ông tôi thấy không thương. Nhiều người họ khỏe mạnh, họ đẹp trai ngon lành râu ria tùm lum, mấy ông đó tôi nghĩ, trời ơi mấy ông này mà cạo đầu, đắp y về Việt Nam Phật tử nó nuôi mập như cưỡng luôn, mắc gì ở Mỹ ngồi xin như vậy. Việt Nam cứ lim dim, mặc cái y màu Pa-Auk là Phật tử nó nuôi đã luôn, nhiều ông đẹp trai lắm, đẹp trai như Trung Đông. Ok. /.


    Mục lục
      1. Pháp đàm 04/09/2022
      2. Pháp đàm 18/09/2022
      3. Pháp đàm 25/09/2022
      4. Pháp đàm 02/10/2022
      5. Pháp đàm 09/10/2022
      6. Pháp đàm 16/10/2022
      7. Pháp đàm 23/10/2022
      8. Pháp đàm 30/10/2022
      9. Pháp đàm 27/11/2022
      10. Pháp đàm 04/12/2022

      ← trở về trang Vấn Đáp

      © www.giacnguyen.com