← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 16/10/2022
Kalama tri ân cô Vui ghi chép.

Vấn đáp zoom chủ nhật – 16/10/2022

  • Bằng cấp giảng dạy
  • Hơi thở và Niệm-Định
  • Quán 12 duyên khởi
  • Tà mạng
  • Triệt sản
  • Sự linh ứng trong tôn giáo
  • Sự khóc ở vị Thánh


    Bằng cấp giảng dạy

    Hỏi: Thế nào là 1 thiền sư? Vị sư chưa chứng Sơ thiền, Sơ Quả có nên dạy về thiền Chỉ, thiền Quán không?
    Đáp: Ngay trong câu hỏi đã có vấn đề. Bây giờ nếu mà nói phải có Sơ Thiền, Sơ Quả thì xin hỏi, ai là người xác nhận vị đó đắc hay chưa đắc? Có nghe kịp không? Thí dụ nói là phải đắc mới dạy, thì hỏi vậy chứ mấy vị, như ngài Pa Auk, ngài Mahasi dựa vào đâu biết họ có đắc? Mình muốn biết là chỉ có cách tự họ nhận thôi. Nếu có chuyện tự nhận dầu họ nhận đúng hay nhận sai đó là một chuyện rất nguy hiểm. Bởi vì bữa nay cho tôi nói thiệt luôn. Ép tôi thì tôi phải nói, tôi không muốn nói nhưng ép quá thì tôi phải nói.
    Tức là, ai tôi không biết chứ dân Việt Nam chuyện đó rất là nguy hiểm. Tôi đã nói rồi, giờ tôi nói lại lần nữa.
    Tiêu chuẩn của hôm nay là chỉ có pháp học thôi. Tức là, nghe vị đó nói cái gì, mình dò lại trong kinh điển. Đó là điểm duy nhất mình tin được. Chứ còn đòi đắc này đắc kia là rất nguy hiểm, vì cái đắc đó là không ai kiểm tra được hết. Tôi nghe nói hiểu không?
    Thí dụ như ngài Pa Auk, ngài Shwe Oo Min ngài giảng mà tôi nghe xong tôi có lòng nghi ngờ thì tôi về tôi dò kinh điển. Ít ra tôi có điểm tựa. Còn bây giờ nói rằng phải đắc mới dạy thì tôi không biết tôi dựa vào đâu để biết vị đó đắc. Chỉ trừ phi vị đó nói.
    Mà Việt Nam mình nếu có tiêu chuẩn Sơ Quả, Sơ Thiền mới dạy được thì rất nguy hiểm cho Việt Nam. Việt Nam mê cái gì đó lạ. Chẳng hạn cách đây mấy hôm, Việt Nam mình tung tin có vị nào đó ăn mặc te tua trời ơi cả đám tung hô. Tôi xin nói thiệt. Tôi nói cái này ra tôi nhục lắm, không thể không nói, tại quý vị ép, ép thì tôi phải nói. Cái đó rất là bậy.
    Bởi vì theo Luật, chuyện đầu tiên, muốn biết vị đó tu chân chánh hay không dựa vào 2 điểm: (1) Tri kiến, chứ không thể nào thấy lim dim mà nói rằng vị đó tu đàng hoàng thì tôi nói thiệt trên đời biết bao nhiêu vị lim dim mà phát hiện ra thấy ghê lắm. Cái lim đó khó nói lắm. Cho nên đành phải dựa vào cái gì mình có nền tảng kiểm chứng. Trong khi chuyện đầu tiên, y áo mặc vậy là sai luật, trong Luật không cho phép vị tỳ-kheo mặc cái y tùm lum màu như vậy. Nha. Nhớ nha. Tôi nhắc lại lần nữa. Chuyện đầu tiên, tôi chưa biết vị đó đắc cái gì, giữ giới như thế nào, chuyện đầu tiên là đã sai luật chỗ ăn mặc tùm lum.
    Thứ hai, một người có lòng thiểu dục, họ trốn chui trốn nhủi không ai đi lòe vậy mà cả đám nó đam mê, nó đắm đuối thì nó kẹt quá. Nhưng mà chưa, một vị chưa đủ, giờ mới dzọng thêm vị nữa. Vị kia y vàng pha tí xanh tí tím. Giờ có vị chơi ghê hơn nữa, mặc nguyên bộ màu trắng, trên đó điểm tùm lum vá víu, theo trong luật cái đó là sai bét, vì hình ảnh một vị sa môn Thích tử không phải như vậy. Không phải như vậy.
    Tôi nhắc lại lần nữa, thiểu dục thực sự người ta trốn chui trốn nhủi chứ không phải đi ngênh ngang như vậy để cho thiên hạ ngắm nhìn thì cái đó tính diễn xuất nhiều hơn nội dung.
    Mà dân mình cái gì chính trị là một tôn giáo là 2 dân Việt Nam là những con cừu, những con chiên khờ lắm. Nó kẹt như vậy đó.
    Có lẽ do một thời gian dài nhìn các vị, mà tôi tạm gọi là phú tăng , sang giàu, chùa to Phật lớn họ bị ớn, rồi họ bị nhàm, họ bị dội rồi, giờ lòi ra cái gì ngược lại thì họ theo cái đó thôi.
    Nếu mà đến với Phật pháp mà đến theo kiểu cảm xúc như vậy thì nó nguy hiểm lắm.
    Ở đây cũng vậy. Chuyện nói rằng đắc Thiền, đắc thiền, đắc Đạo mới dạy được, tôi xin hỏi 2 câu:
    1. Ai là người có thể xác định vị đó đắc? Trừ phi vị đó nói ra. Như vậy thì mình chỉ còn có 1 cách thôi là: Coi vị đó nói gì. Điểm này mình còn dựa được. Chứ còn nói rằng, phải đắc mới dạy được thì tiêu chuẩn đó, tôi nói thiệt, thời này mà tìm được vị đắc đỏ con mắt, nếu mà có thiệt, tôi đang nó nếu mà có thiệt. Còn nếu không đắc mà tự nhận thì nhiều cách lắm: (1) Nói thẳng ra “tôi đắc”; (2) Diễn: lim dim lim dim, đi đứng lừ đừ, chậm chạm, mắt ngó xuống, y áo tả tơi, chỉ cần ăn theo bình bát là đệ tử hốt cả đám luôn. Cái đó thì nguy hiểm.
    Giả định tôi là người tìm đạo học thiền thì cái tôi chú ý là ÔNG ĐÓ ỔNG NÓI CÁI GÌ? Chứ còn chuyện ông có đắc cái gì tôi sợ lắm. Tôi sợ ba cái nhãn hiệu lắm.
    Cho nên, chuyện đầu tiên là: Ai, ai cho mình biết vị đó đắc? Trừ phi vị đó nói. Nếu chuyện tự nói ra được phổ biến thì Việt Nam thánh không. Cho nên, tôi xin quý vị cẩn thận.
    Quý vị hỏi tôi: Ai là người có thẩm quyền để dạy? Tôi xin nói, thời này, tôi chỉ dựa vào vị nào có giáo lý thôi, có pháp học.
    Thí dụ: Ngài Pa Auk, ngài không phải nói không, những điều ngài nói mình không phải mình cắm điều mình nghe, những điều ngài nói, nếu muốn, mình có thể kiểm chứng. Trong room này có nhiều người đi học Thái Lan, Miến Điện có lẽ hiểu tôi muốn nói cái gì. Ngài Pa Auk không phải là vị thiền sư tự phát, tự nhiên ở trên núi 30 năm, nhào xuống mở thiền viện, không phải, ngài có quá trình học thuật rõ ràng lắm. Ngài Pa Auk là người nếu cần phải nói ngài là vị học giả, ngài giỏi lắm. Các vị có đọc công trình của ngài về Mahā patṭhāna mới thấy ngài là một vị học giả uyên thâm về Patthāna, về A Tỳ Đàm, chứ không phải là ngài dở. Ngài là một tay cực giỏi về Pāli, từ hồi trẻ, ngài đã tốt nghiệp trường Pāli. Bản thân ngài là một học giả A Tỳ Đàm, ngài có chiều dài tu tập thiền Định, tu tập thiền Quán với các vị danh tăng tên tuổi, có chỉ rõ ràng. Đó là những cái mình kiểm chứng được.
    Chứ còn nói đắc mới dạy được thì tôi thấy ghê quá. Bởi vì, thứ nhất, biết ai đắc. Thứ hai nữa, cái này nói thiệt, theo trong kinh, có nhiều trường hợp họ đắc thiệt nhưng người ta không có khả năng dạy. Còn có nhiều vị họ có khả năng dạy nhưng họ không có đắc. Nó có trường hợp đó. Chớ nếu mình chỉ biết khư khư anh có đắc anh mới dạy thì cái đó tôi xin nói:
    (1) Thứ nhất, vị đó có đắc hay không?
    (2) Thứ hai, nếu vị đó đắc thiệt mà vị đó không có kiến thức giáo lý cũng kẹt.
    Chẳng thà, ông phàm tăng, mà ổng có kiến thức giáo lý, mặc dù ổng chưa thực chứng nhưng ít ra ổng dắt mình đi đúng. Chuyện ổng chưa từng ăn canh chua lần nào hết, ổng chưa từng uống café lần nào hết nhưng ít ra ổng biết cách pha chế café, biết cách nấu canh chua. Ít ra mình cũng còn hi vọng. Còn đằng này mình nói rằng ông này ổng từng ăn, mà dựa vào đâu biết ông này từng ăn, từng ăn canh chua, từng uống café, là một. Thứ hai nữa, coi chừng họ ăn canh chua, uống café rồi nhưng họ là người vụng về trong diễn đạt thì coi chừng cuối café ổng dạy mình pha, canh chua ổng dạy mình nấu có vấn đề. Nha.
    Cho nên, đến lúc này tôi vẫn lặp lại, đối với tôi: Tiêu chuẩn đánh giá một vị sư như thế nào, hoặc là một vị thiền sư như thế nào, một người có thẩm quyền dạy đạo hay không, thì theo tôi, chốt lại một câu: Những gì vị đó nói, những gì vị đó viết mình có khả năng kiểm chứng được. Còn nếu nói “Tôi không kiểm chứng được” thì tôi xin chia buồn bởi vì, đi học đạo mà nói “tôi không có khả năng”. Nếu “không có khả năng” thì không còn gì để nói. Không còn chuyện gì để nói với người như vậy. Người mà nói “tôi không có khả năng kiểm chứng lời của sư phụ” thì thôi, hết ý.
    Tôi cho là đã trả lời xong rồi đó.

    Hơi thở và Niệm-Định
    Hỏi: Khi Niệm và Định yếu, đề mục Tâm quán khiến mình phóng dật, thất niệm, vậy mình trở về hơi thở để Niệm & Định mạnh lên phải không?
    Đáp: Ở đây có chuyện thế này. Nói mà nghe nhột. Tôi xác đinh. Tôi chưa có đắc Sơ thiền, Sơ Đạo nha. Tôi chưa đắc cái khỉ gì hết. Tôi chỉ dựa vào kinh sách tôi biết, và trong room này, có người hoàn toàn có thể kiểm chứng lời tôi nói.
    Thứ nhứt, trong Tăng Chi phần 2 Pháp đức Phật có dạy thế này: Nhữdayjai người thấy mình Định còn yếu thì nên tìm đến người mạnh về Định mà hỏi. Những ai thấy mình yếu về Tuệ nên tìm đến người mình thấy hoặc mình tin là Tuệ họ mạnh, hoặc họ chuyên tu Tuệ mình hỏi. Đó là một bài kinh. Bài đó có trong Kālāma, có trong bộ Nhật tụng Kālāma.
    Bài kinh thứ 2, Ngài dạy rằng: Có 4 loại hành giả:
    1. Chỉ trước Quán sau = Tu thiền Định trước, Tuệ sau.
    2. Tuệ trước Định sau = Tu Tuệ trước, Định sau.
    3. Chỉ- Quán song tu (yuganadha)
    4. chỉ tu thiền Quán.
    Tổng cộng là 4 hạng. Các vị hỏi sao biết mà tùy thì (1) Giáo lý bản thân; (2) phải kiếm thầy, bạn; Nhưng trong kinh có cho mình biết 4 hạng như vậy.
    Tài liệu thứ 3, Chú giải Kinh Mahā satipaṭṭhāna - Trường Bộ, tiếng Pāli gọi là Sumaṇgala vilasini Trong đó Chú giải kinh Niệm Xứ, trong đó nói thế này:
    (a) Người tham Ái nhiều, trí chậm – tu Thân quán.
    (b) Người Ái nhiều, trí nhanh – tu Thọ quán.
    (c) Tà kiến nhiều mà trí chậm – tu Tâm quán.
    (d) Tà kiến nhiều, trí nhanh – tu Pháp quán.
    Trong đó chỉ nói đến Tham Ái và Tà Kiến thôi. Tôi thấy ở đâu tôi nói cái đó.
    Có nghĩa là nãy giờ tôi cung cấp các vị 3 tài liệu:
    - Tài liệu 1: Ngài khuyên thấy mình yếu cái gì thì nên tìm đến thầy bạn mình tin để mình hỏi. Thấy mình yếu niệm hay yếu định thì mình tìm đến người đó mình hỏi.
    - Bài kinh 2: Ngài xác nhận có 4 hạng hành giả như vậy đó : Chỉ trước Quán sau – Quán trước Chỉ sau – Chỉ Quán cùng lúc – Tu thiền Quán mà thôi.
    - Tài liệu thứ 3: Chú giải kinh Đại niệm xứ (Trường Bộ Kinh).
    Bây giờ câu hỏi các vị là muốn trau đồi Định, Niệm bằng đề mục nào? Thì tôi xin ôn lại một chút.
    Các vị vào ở trong Thanh Tịnh Đạo, phần Định, phần giảng về Đề mục Đất. Đã cho địa chỉ như vậy rồi mà Sư ơi con không biết tìm ở đâu thì tôi cũng chia buồn luôn. Người ta đã cho tới đó rồi. Thanh tịnh Đạo, phần Định, mục giảng về Đề mục đất, người ta nói rất là kỹ, tức là, căn tánh , khuynh hướng như thế nào thì nên tìm đến đề mục nào. Trong đó cho biết, có nhiều người mình may mắn mình gặp được những vị mà chân sư, minh sư, họ kiềm cặp cho mình thì quá tuyệt, còn không tự mình học giáo lý mình dò. Trong đó ghi rõ, người Tham nhiều, biểu hiện như thế nào; từ sở thích cho đến sinh hoạt; Sân nhiều, Si nhiều, tánh Tham, tánh Sân, tánh Si, tánh Tầm, Tín, Giác, tất cả là 6 tánh. Trong bản dịch chúng tôi dịch lại là: Dục tánh, Nộ Tánh, Độn tánh, Đãng tánh, Mộ tánh, Ngộ tánh. Tất lả 6 khuynh hướng tâm lý.
    Trong đó ghi rõ là: Tự xét hoặc hỏi sư phụ. Nếu không có sư phụ thì tự mình học giáo lý mình xét. Tức là, những đặc điểm về tánh ý, sở thích, sinh hoạt, hành trạng của người tánh Tham thì nó có những đặc điểm gì. Sân, Si có đặc điểm gì. Tánh Tầm, tánh Tín, tánh Giác có đặc điểm gì. Chứ còn mình không thể nào nói chung chung, là con tánh con vậy con hợp đề mục nào. Nên nhớ, phải có tài liệu, phải có kinh điển thôi. Lỡ có trật, mà mình dựa theo kinh điển nó không có tức. Còn đằng này, cắm đầu thờ 1 sư phụ nào đó, mà sở học ổng có vấn đề và không có căn cứ thì cũng kẹt.
    Tôi xin chia buồn lần nữa. Tôi là người Việt Nam mà tôi ớn người mình quá đi. Sao dễ tin quá. Người mình cứ mê hình thức. Hỏi thì nói, chứ còn tôi thấy kinh điển không chịu học.
    Tôi nhắc lại: Thanh tịnh Đạo, phần Định. Đọc cho kỹ. Phần Định.
    Tiếp theo đó, coi trong kinh Tạng bài nào nhắc nhiều về thiền Chỉ, thiền Quán thì mình dò ngược trong Chú giải. Mình đọc Chánh tạng nhưng mình dò trong Chú giải, mình coi Chú giải chỗ đó giải thích sao. Thí dụ như: Như tôi vừa nói thấy mình thuộc khuynh hướng tâm lý nào thì mình theo đuổi khuynh hướng tâm lý đó.
    Trong đó, thí dụ, quý vị hỏi tôi sư trả lời lung tung, mông lung bây giờ sư chốt lại câu trả lời được hay không thì tôi nói thế này:
    Đề mục gọn nhất để bắt đầu cho người sơ cơ tự mình coi coi mình là người đức tin nhiều hay tham nhiều; hay sân nhiều; Thí dụ, tánh mình Tham nhiều thì mình coi mình tham cái gì? Tham trong vấn đề nam nữ, tham trong vấn đề ăn uống, tham trong vấn đề chỗ ở, tham trong vấn đề vật dụng, tham trong quan hệ xã hội. Mình coi mình nặng cái gì. Thí dụ, có nhiều người họ tham, họ nặng về thân xác, họ thích điểm tô, trang sức, hương liệu, mỹ phẩm thì lúc đó họ phải quán cái gì? Quán thể trược, quán tử thi. Chẳng hạn bản thân tôi có 2 đề mục tôi tâm đắc nhất đó là tôi dựa kinh Girimananda (DLPP - Bai 120 Girimananda Sutta (budsas.net) khi ngài Girimananda bị bệnh, đức Phật dạy cho ngài Anan Mười pháp quán niệm, trong đó có 2 pháp quán niệm mà tôi đặc biệt chú ý: Pháp quán niệm về Vô Ngã “Thân này do Duyên mà có, lắp ráp mà thành, có rồi phải mất”; Pháp quán niệm thứ hai mà tôi tâm đắc, ngay lúc này là Quán niệm về bệnh tật. Ở trong Mười pháp quán niệm của kinh Girimananda, trong đó có pháp quán niệm bệnh tật, tức là: Mình cứ nhớ rằng, mình có thích cái gì, mình có đầu tư cái gì, mình có hi vọng, mong mỏi cái gì thì cuối cùng, mọi thứ kết thúc bằng một cơn bệnh, trừ ra trường hợp mình bị tai nạn: rớt máy bay, hay bị đụng xe, cây đổ, đá đè, đất lở,… chừ còn trừ mấy tai nạn đó thì ai cũng phải kết thúc bằng một cơn bệnh hết. Dầu đó là chết già, cũng phải kết thúc bằng một cơn bệnh. Ngay lúc này, cái ám ảnh tôi nhất trong lúc này, mấy ngày nay tôi nghe đau dữ lắm, đau nhiều bao tử, mà đây chính là lúc thiên sứ báo cho mình biết. 53 tuổi như vậy, ráng lắm thì chắc 20 năm nữa, bởi vì nó rệu rã rồi.
    Tôi quay lại với câu hỏi của cô, đó là: Muốn trau dồi Định thì mình cũng gồm mấy đề mục theo căn tánh của mình, khuynh hướng tâm lý. Còn muốn tu Tuệ thì nãy nói rồi, cũng dựa vào mấy đề mục hợp căn tánh của mình. Nhưng mà nói cho nghe, là dầu thiền sư, dầu bản thân mình cố ý dò ra được thì cái dò đó cũng tương đối thôi.
    Bởi vì Thích hợp có 2:
    1. Thích hợp vì mình thheo đề mục đó mình có niệm, định tốt hơn, tuệ tốt hơn. Thì đề mục đó được gọi là đề mục thích hợp. Nhưng nó có trường hợp thứ hai nữa.
    2. Đề mục thích hợp chính là đề mục sau này mình đắc đạo với nó.
    Thí dụ như: Tôi rất thích đề mục bất tịnh, thí dụ như vậy, nhưng sau một thời gian, có một lúc nào đó, tôi đổi qua đề mục hơi thở, tôi đắc Đạo. Thì lúc bấy giờ, trong mấy mươi năm qua tôi mê đề mục bất tịnh, thí dụ như vậy, nhưng giờ cuối khi tôi chuyển qua đề mục hơi thở tôi chứng đạo. Thì như vậy, mấy mươi năm qua đề mục Bất tịnh cũng là một đề mục thích hợp. Thích hợp là vì tôi tu tập nó tôi được nhiều thành tựu; nhưng bây giờ tôi lại đắc đạo nhờ đề mục Hơi thở, đề mục này xưa giờ tôi không thích lắm, nhưng bây giờ khi bước vào đề mục này, tôi thử 1-2 ngày tôi đắc Đạo thì trong trường hợp đó, đề mục Hơi thở lại cũng là đề mục thích hợp.
    Như vậy, đề mục thích hợp có 2:
    1. Nó cho tôi nhận ra sự tiền bộ thấy rõ của mình.
    2. Chính đề mục đó đưa tôi vào sự chứng đắc, thành tựu thắng trí.
    Nãy giờ tôi nghĩ tôi nói cũng nhiều rồi đó.

    Quán 12 duyên khởi
    Hỏi: Xin chỉ dẫn cách thiền quán 12 Nhân duyên.
    Đáp: Cái đề tài này, chỉ riêng câu này không tôi giảng 18 ngày. Cho nên, tôi chỉ gợi ý thôi.
    Chuyện đầu tiên, bà con vào trong quyển Kinh nghiệm Tuệ Quán bài ngài Mogok, trong đó có bài của ngài Mogok giảng về Quan hệ 12 Duyên khởi và pháp môn Tứ niệm xứ.
    Còn chuyện quán niệm 12 duyên khởi trong pháp môn Tứ Niệm Xứ thì các vị dò dùm tôi.
    Chuyện đầu tiên, các vị thuộc lòng chi pháp của 12 Duyên khởi chưa?
    Vô Minh là cái gì? Vô Minh là tâm sở Si, gồm 4 hoặc là 8 bất tri, mình nói 4 là Vô Minh trong Tứ Đế:
    1. Không biết mọi thứ là Khổ.
    2. Không biết mọi đam mê trong Khổ là Nguyên nhân sanh Khổ.
    3. Không biết rằng cứu cánh thoát khổ là hết đam mê trong Khổ.
    4. Không biết rằng Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến chấm dứt sự đam mê ấy.
    Không biết cái đó. Từ nền tảng không biết cái này, nó mới dẫn đến chuyện, mình đầu tư các nghiệp thiện ác, cái đó gọi là Vô Minh duyên Hành. Do không biết Mọi thứ là Khổ cho nên mới còn trốn khổ tìm vui. Trốn khổ tìm vui có 2 cách : (1) Làm ác (2) Làm thiện. Làm ác đưa mình đi xuống; còn làm thiện đưa mình đi lên; Từ chỗ có nghiệp thiện ác, mới dẫn đến chỗ có tâm đầu thai - Tâm tái sinh vào các cõi. Từ chỗ có tâm đầu thai về các cõi mình có đủ 6 căn hay không. Bởi vì, tùy thuộc vào nghiệp thiện ác mà mình tạo mà mình có tâm đầu thai cõi nào. Có những tâm đầu thai nó dẫn về cõi có đủ 5 uẩn, đủ 6 căn; có cõi nó không đủ 5 uẩn, không đủ 6 căn, có cõi thì nhứt uẩn (ekavohāra bhūmi), có cõi thì 4 uẩn (catuvohāra bhūmi), có cõi thì đủ 5 uẩn (pañcavohāra bhūmi). Từ chuyện mình đầu thai trong đó, mình có đủ 6 căn hay không. Và, hễ có 6 căn thì có đủ 6 Xúc (sự gặp gỡ giữa Căn – Cảnh – Thức); 6 Thọ (Cái bất khả ly, hễ có Xúc thì có Thọ). Và trong hành trình sanh tử, kế sau cái Thọ luôn luôn là Ái. Hễ gặp thọ Ưu thọ Khổ thì mong trốn được nó. Hoặc là đang khổ như vậy hướng tới cái ngọt ngào, hướng tới cái Hỷ lạc. Còn nều gặp thọ Lạc, thọ Hỷ thì khỏi nói rồi, đam mê trong đó; Còn nếu gặp thọ Khổ thọ Ưu thì lại mong hướng tìm cái ngọt ngào, tìm đến lối thoát. Như vậy Thọ duyên Ái là chỗ đó.
    Ái cấp độ mạnh là Thủ. Nói theo A Tỳ Đàm là Tâm tham hợp Tà (Diṭṭhigata…) , Tâm Tham hợp Tà lúc bấy giờ nó trở thành Thủ. Thủ chính là Tham Ái với Tà kiến thôi chớ không có gì hết. Mà hễ do có Ái và thủ thì nó lại vô tình quay lại vòng tròn cũ = trở lại với nghiệp thiện ác. Do thích thú trong cảnh trần nó mới có chuyện đầu tư thiện ác, lúc bấy giờ mình đầu tư Nghiệp hữu. Hễ đầu tư thiện ác, Nghiệp hữu có nghĩa là mình đang kín đáo tạo Sanh hữu = tạo ra Tâm đầu thai. Có nghĩa là mình quay ngược trở lại vòng tròn Duyên khởi. Mà hễ có tâm đầu thai thì phải có tái sinh đầu đời, có tái sinh thì có già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Khi có sầu, bi, khổ, ưu, não nói gọn là có Khổ thân, khổ tâm thì bắt đầu sao ta? Ở tên còn Vô Minh khi nó gặp sầu, bi, khổ, ưu, não, phản ứng của nó là sao? Là Trốn khổ tìm vui, vì nó Vô minh trong Bốn đế mà. Cho nên, nó không biết rằng, mọi hiện hữu đều là Khổ. Chính vì vậy cho nên nó trốn cái khổ này bằng cách đầu tư khổ khác. Tìm đến khổ khác. Như vậy thì vòng tròn Sanh tử nó cứ lặp đi lặp lại hoài.
    Do không biết mọi thứ là khổ lên đút đầu vô vào Khổ. Do đút đầu vào Khổ nên tiếp tục tái sanh trong các cảnh. Do tiếp tục tái sanh trong các cảnh lại tiếp tục tạo nghiệp thiện, ác. Do tạo nghiệp thiện, ác mới quẩn quanh các cõi. Nó cứ cà vòng, cà vòng : Kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà. Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô. Vân Tiên cõng mẹ chạy vô đụng phải cái bồ cõng mẹ chạy ra. Mà mình cứ đi hoài đi hoài như vậy. Thì tu tập Tuệ Quán là sao?
    Tùy căn cơ mỗi người, thí dụ, bây giờ tôi đang tham, tôi đang Thích cái gì đó, tôi biết đây là Ái. Đây là một mắt xích trong duyên khởi. Khi tôi giận, tôi biết đây là sầu, bi, khổ, ưu, não, lại là một mắt xích trong duyên khởi. Khi tôi có tâm tham Ái, tôi vừa biết đây là Ái, mà tôi còn biết đây là thọ Lạc hay thọ Hỷ, tôi cũng biết rõ rằng đây là Thủ, tôi cũng biết rõ đây là Nghiệp hữu, tôi cũng biết rõ đây là Phi phúc hành. Tôi biết rõ. Thì đó là Quán Duyên khởi, quán vậy đó. Nó có nhiều cách, tôi nhắc lại lần nữa. Các vị có thể thấy có nhiều cách nữa, nhưng mà đó là một cách mà tôi biết.
    Khi tôi khởi tâm tôi thích, tôi đang ngồi nghe mùi ai chiên xào nó thơm, nó thoáng qua, tôi vừa nghe thích cái tôi biết liền, tôi biết đây là bất động hành, tôi biết đây là vô minh. Yeah. Do vô minh tôi mới thích chứ, đây là Vô minh, đây là phi phúc hành, đây là lục nhập – bởi vì nó là tỷ nhập mà, Đây là tỷ xúc – cũng là 6 xúc, Đây là 6 thọ, 6 Ái cũng nằm trong đây, Tứ thủ, 2 Hữu cũng nằm trong đây. Và đây là cội nguồn Sanh, Lão, Tử, Sầu, bi, khổ, ưu, não. Ngay trong khoảnh khắc tham thích cái gì đó là tôi biết ngay. Đây là điểm bắt đầu của vòng Sanh tử đây.
    Và khi tôi giận cũng vậy. Khi tôi giận cái gì đó, tôi bất mãn cái gì cũng vậy, tôi biết đây chính là Khổ, chính là Sâu, bi, khổ, ưu, não. Các vị coi kỹ coi có phải không? Chi pháp của dukkha-domanassasa -upāyāsa tức là khổ thân và khổ tâm thì Dukkha là khổ thân mà Domanassa là khổ tâm. Cái Sân nó cũng là một cái khổ.
    Ngay lúc tham, hoặc giận tôi biết đây là một mắt xích trong vòng Duyên khởi. Rồi tôi tiếp tục. Thí dụ tôi đang đi chánh niệm thì tôi vẫn biết đang đi chánh niệm. Mà tôi đang ngồi tôi biết tôi đang ngồi, đang thở ra, thở vào,… nói chung, mỗi lúc tôi chỉ biết một cảnh thôi. Nhưng nếu tôi có ý quán Duyên khởi thì tôi phải học giáo lý, để mỗi mắt xích như vậy tôi biết đây là một mắt xích trong Duyên khởi.
    Mà tôi nhắc lại lần nữa. Đừng có tham nghe, cái đó cao siêu. Bây giờ, cứ học giáo lý, khi giáo lý mình cứng, mình sẽ dò mình coi trong bà Ajahn Naeb bà giảng trong Nội dung Tuệ quán nó có 6 paññabhūmi, gồm có Uẩn, Xứ, Giới, Đế, Duyên Khởi, .. Bà đề nghị học giáo lý, học A Tỳ Đàm căn bản.
    Trong lúc đó, lúc tu tập bắt đầu bắt tay tu tập Tuệ Quán, cái gì nổi bật thì ghi nhận cái đó. Hễ kiến thức mình mà vững thì mình có lúc mình quán niệm về Bốn Đế, có lúc mình quán niệm 12 Duyên khởi, có lúc mình quán niệm 5 Uẩn, có lúc mình ghi nhận nó như 12 Xứ, 18 Giới, tùy.
    Nhưng mà mình phải vững, kiến thức mình phải vững. Để bất cứ lúc nào mình cũng có thể ghi nhận cảnh danh sắc theo hướng mà mình muốn.
    Trong Tuệ Quán xài chữ muốn thì nó rất là bậy, nhưng trong ngôn ngữ bắt buộc xài chữ đó thôi. Có nghĩa, lúc đó tùy duyên mình trực nhận nó. Thí dụ, cái này mình biết đây là má mình cũng được, đây là vợ của ba mình, đây là con gái của ông ngoại mình, đây là con dâu của ông nội mình đều được hết. Nha. Tôi nhắc lại lần nữa. Đây là má mình, thì cũng bà này; Mà đây là con gái của ông ngoại mình thì cũng được, mà đây là con dâu của ông nội mình cũng được, đây là vợ của ba mình cũng được, miễn sao mình biết hết. Tùy duyên. Miễn sao mình ghi nhận được. Bà này bả bước qua mặt mình biết bả là ai. Còn chuyện hỏi giờ lựa ai sư ? Giờ cho bả làm má hay làm vợ hay làm con hay làm dâu? Tùy. Up to you. Tùy duyên thôi. Nhưng you phải biết rõ: Dâu là sao, con gái là sao, má là sao, vợ là sao. You phải biết rõ. Biết bà đi ngang. Lúc đó tùy mình, tùy duyên. Bởi do cái Ba La Mật của nhiều đời, cái tâm mình sẽ chốt lại ở một cái kiểu quan sát nào đó.
    Không biết nghe có hiểu không. Tôi rầu quá, tôi giảng tôi sợ ma, nó cứ rùng mình hoài, nghe sự hoang vắng nghĩa trang, không biết ai hiểu.

    Tà mạng
    Hỏi: Tà mạng với tăng ni : bói toán, phong thủy, tử vi, chiêm tinh,… nếu cư sĩ kiếm sống bằng những nghề này có được xem là thiếu chân chính không? Tự xem để chiêm nghiệm về nhân quả, nghiệp lý không xem theo lối tìm cầu, mê tín, không kinh doanh thì có tội không?
    Đáp: Câu hỏi này câu hỏi ăn gian. Câu hỏi này giống như mình hỏi vậy chứ: Tui ăn kiêng, tui không ăn mặn, tui không ăn ngọt, tui không ăn dầu mỡ, không ăn đồ chiên rán, đồ nướng, lâu lâu 6 tháng tôi ăn miếng chuối chiên có sao không?
    Ngay trong câu hỏi là đã thấy xạo rồi.
    Tôi là người ăn kiêng, mà 6 tháng tôi ăn có một miếng. Vậy còn khỉ gì nữa để hỏi? Ăn kiêng mà 6 tháng mới ăn 1 miếng chuối chiên thì đâu có bịnh gì mình cữ?
    Khi mình đã nói rằng, tôi coi để tôi chiêm nghiệm nghiệp báo thì ngay trong câu hỏi quý vị đã ăn gian rồi. Nếu quý vị coi chỉ tay, coi tướng mà để chiêm nghiệm nghiệp báo thì quý vị cao siêu quá, cho tôi xin địa chỉ, cho tôi xin email, cho tôi xin Facebook để tôi tới tôi học. Nha.
    Như vậy thì, ở đây chốt lại: Tăng ni là không được đụng tới cái vụ đó rồi, ba cái vụ chiêm mộng, tướng số, phong thủy, bùa phép,… là không được rồi.
    Giờ nói cư sĩ.
    Trong kinh nói rất rõ: Nghề nào mà mang những nội dung sau đây thì bị xem là tà mạng. Thì tự mình xét, chứ làm sao kinh nào kể cho hết được 850 ngàn nghề, sao kể cho hết. Mình cứ dựa nội dung trong Kinh cái đã.
    Nghề nào xâm hại: (1) Sức khỏe, (2) Tánh mạng, (3) Niềm vui, (4) Sự an toàn của người khác, nghề đó được xem là tà mạng.
    Thí dụ: Buôn bán chất say, buôn người, buôn chất nghiện, buôn vũ khí, buôn chất độc, buôn thịt sống. Thì mình dò mấy cái này, tại sao. Thấy rõ ràng: Mình buôn bán, mình làm nghề gì mà xâm hại đến : Sức khỏe – Tánh mạng – Niềm vui – Sự An toàn của người khác, thí dụ mình thấy mình bói. Các vị biết bói làm sao mình nói tốt được. Bói lâu lâu phải hù nó cái chứ. Bói phải hù. Còn nếu mình bói mà mình nói toàn chuyện vui không vậy là nói dóc. Xin lỗi nha. Có đời đứa nào mà vui không? Đời là buồn, Đời là nước mắt không. Cho nên, hễ bói là tự mình nghĩ đi. Giờ quyết định bói nói chuyện vui hay chuyện buồn? Nếu nói chuyện vui là mình nói dóc, còn nếu nói chuyện buồn là mình dọa cho người ta sợ. Có nên hay không? Tự nhiên ngày đầu năm, đầu tháng đang vui thế này, tự nhiên mình phán nó câu “Năm nay coi chừng gia đạo trục trặc, tài chánh khủng hoảng” vậy mình nghĩ mình có nên nói hay không? Nói làm cho người ta teo, cũng không nên. Còn mình nói “năm nay là thôi, tha hồ ngồi yên phát tài” thì cũng không nên, vậy thì đâm ra nói dóc.
    Vậy thì tốt nhất theo tôi, người Phật tử, theo tôi dựa vào nội dung trong Kinh thì cái gì mà mang tính :
    1. Xâm hại quyền lợi người khác.
    2. Mang nội dung lừa đảo người khác dầu để trấn an cũng không nên. Trấn an, an ủi mà nó không thật.
    Bởi nên nhớ, trong Trung Bộ Kinh, đức Phật Ngài có dạy thế này, nghe kỹ nha “Đức Như Lai khi Như Lai phát biểu điều gì đó:
    1. Điều đó không có lợi ích, nói ra người ta thích, Như Lai không nói.
    2. Điều gì không đúng sự thật, nói ra người ta thích, Như Lai không nói.
    3. Điều nào đúng sự thật, hữu ích, người ta nghe người ta cũng thích, thì dứt khoát phải nói.
    4. Điều nào đúng sự thật, lợi ích, người ta nghe không thích thì tùy thời mà nói, chọn lúc mà nói.
    Như vậy, chốt lại, Đức Như Lai chỉ nói điều nào nó hội đủ 2 điều kiện : Đúng sự thật & Hữu ích. Hữu ích là nó giúp được cho đời sống tâm linh, cho con đường giải thoát. Như vậy, Bốn tiêu chuẩn phát ngôn của đức Như Lai, của chư Phật ba đời, mười phương gồm có:
    1. Điều nào không đúng sự thật, không nói.
    2. Điều nào vô ích, không nói.
    3. Điều nào vừa lợi ích, vừa đúng sự thật, thì mới nói, nhưng nếu người ta không thích thì tùy lúc mà nói.
    Thí dụ, chuyện phong thủy, trong kinh không bác nha. Có nhiều người hiểu lầm, dốt dốt không chịu học giáo lý tưởng đạo Phật bác. Không đúng. Phong thủy nó có cái đúng của nó, tướng số có cái đúng của nó, mặc dù thầy bói mù bói tầm bậy tầm bạ thì nó tới một tỷ lận lâu lâu mới gặp người giỏi thứ thiệt. Chấm tử vi có nhiều tay chấm phải nói là siêu quần; Nhưng mà, xét về mặt lợi ích giải thoát nó không có. Nó đúng sự thật đó chứ. Bùa chú thứ thiệt nó đúng, nó ếm bụng phình ra đó, nhưng xét về mặt lợi ích giải thoát thì không có, thì trong trường hợp đó người Phật tử không rớ tới. Nghe. Nhắc lại lần nữa.
    1. Đúng sự thật - vô ích: Không nói.
    2. Điều đó vừa vô ích vừa sai sự thật: không nói.
    Người Phật tử chỉ dựa vào 2 tiêu chuẩn : (1) Hữu ích, và (2) đúng sự thật. Có nhiều cái nó đúng sự thật mà vô ích không nói. Hoặc là hữu ích trước mắt nhưng nó lại sai sự thật, thí dụ ba cái vụ bói toán, phù phép có nhiều cái cũng sai nhưng ít ra nó cũng giúp ích người ta, thì người Phật tử cũng tránh luôn.
    Như vậy, tôi nhắc lại lần nữa. Các vị hỏi tôi: Có tin ba cái đó không? Tôi trả lời thế này: Chẳng hạn chỉ tay, nó là biểu hiện của tiền nghiệp, thí dụ đường mạng đạo, đường tâm đạo, mấy cung kim tinh, thủy tinh, mộc tinh,… tôi tin chứ. Nhưng mà tôi tin nghĩa là gì? Tôi tin đó là biểu hiện tiền nghiệp, nhưng chính ngành palmistry họ cũng cho biết một chuyện : Chỉ tay mình thay đổi liên tục. Họ chỉ cho biết vậy thôi, vì tâm tư, tình cảm, thể xác, sinh lực, của mình nó thay đổi theo mỗi quý, mỗi 3 tháng, mỗi 6 tháng. Nói theo Phật pháp mình, tiền nghiệp và tâm lý hiện tại nó có tương quan lẫn nhau. Kiểu sống hiện tại của mình nó có ảnh hưởng cái tướng của mình, ảnh hưởng cái chỉ tay của mình. Cho nên, mình coi cho vui vậy thôi, chứ còn nó không có giá trị tuyệt đối.
    Nếu có thể coi chỉ tay, coi ngày sinh mà biết được mọi sự thì thế giới này nó đã khác rồi. Tôi nhắc lại, nếu độ chính xác của nó trên 70% thế giới này người ta đã có chuyên ngành chính thức cho các trường đại học rồi. Nhưng mà không. Cho nên, đến bây giờ nó vẫn là một bộ môn xé lẻ, trong bóng tối chứ nó chưa được chính thức công khai.
    Cho nên, tôi nhắc lại. Người Phật tử, một trong những tiêu chuẩn của người Phật tử, trong Tăng chi bộ kinh, phần 5 pháp, đức Phật Ngài dạy, trong đó có một điều là: kotuhamaṇgalika có nghĩa là người Phật tử tránh xa chuyện mê tín dị đoan. Mặc dù trong đó có nhiều cái nó có giá trị 40%, 60%, 70% nhưng vẫn bị xem là mê tín dị đoan. Là vì sao? Là bởi vì đa phần nó phải dựa vào thứ niềm tin vớ vẩn: Niềm tin nằm ngoài Tam Bảo, nằm ngoài nghiệp lý, nằm ngoài lý tưởng giải thoát gọi là niềm tin vớ vẩn.
    Nếu mình tin nghiệp lý thì mình cứ cắm đầu hành thiện, không màng tướng tốt tướng xấu, không màng sanh ngày giờ nào, không màng ba chuyện điềm này điềm nọ, chiêm bao chiêm biếc, dẹp. Cứ cắm đầu hành thiện. Cắm đầu giữ thân nghiệp thiện, ý nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện. Còn ngoài ra bỏ hết. Dạ rồi. Xong.

    Triệt sản
    Hỏi: Từ góc nhìn kinh điển, sư nghĩ sao về Triệt sản ở người nam, nữ?
    Đáp: Nó như thế này. Nếu chỉ đơn giản triệt sản từ phía vợ / chồng với mục đích đề phòng tai nạn ngoài ý muốn, nếu làm chuyện đó với mục đích đề phòng tai nạn ngoài ý muốn thì ok. Còn có trường hợp triệt sản để tha hồ tung tăng không sợ để lại hậu quả thì cái này là bậy.
    Có hiểu tôi nói cái gì không? Có hiểu không?
    Nó có 2 trường hợp đó:
    Trường hợp 1, triệt sản chỉ vì đề phòng tai nạn ngoài ý muốn.
    Trường hợp 2, triệt sản để tha hồ tung tăng, hưởng dục. Trường hợp thứ hai, là bậy.
    Còn chuyện nói nghiệp báo thì không, vì triệt sản nó giống như có nhiều người họ muốn ăn kiêng, họ phải làm bao tử nhỏ lại cho nó ốm. Hoặc có nhiều trường hợp khác, trong cơ thể mình cái gì dư người ta cắt bớt. Có, theo tôi có biết có trường hợp đó, làm cho nó nhỏ lại. Chuyện triệt sản đối với tôi thì bình thường. Nhưng Phá thai thì không được.
    Phá thai thì trong Pāli, trong tạng Luật có một thuật ngữ nói rõ chuyện đó luôn : Gabbhapātana, pātana = làm rơi, là phá thai là không được.
    Chứ còn vụ triệt sản mình chặn từ đầu thì không sao hết. Chặn từ đầu thì không có gì hết.
    Giống như thuốc trừ kiến, dán, chuột nó có 2 loại, một loại là nó ăn vào nó chết; thế nhưng nó có một loại thuốc trừ kiến mình rắc lúc chưa có kiến. Mình quét sạch xong, mình rắc thì nó nghe mùi nó không vô, trường hợp đó người Phật tử xài được. Còn trường hợp người ta đang bò lổm ngổm mình rắc lên đầu cho nó co rúm, nó quấn qíu thi không được. Chứ còn mình quét sạch hết, mình lấy đồ thổi, thổi cho nó hết rồi, trống trải không còn con nào hết, mình mới rắc cái thuốc đó lên. Nó nghe cái mùi nó tránh từ xa.
    Thí dụ như con rắn thì nó kỵ mùi tỏi, kỵ mùi lưu huỳnh; thì hoặc là nó có cách nữa, giấy bạc giấy aluminium người ta quấn đồ người ta nướng, mình bóp thành nó hơi tròn tròn giống trái cầu, mình cột sợi dây quanh nhà, cứ xa xa có một trái cầu bằng giấy alu đó, mình canh sao mà trái đó nó chạm đất chút, đặng gió thổi nó quét “rẹt rẹt” thì con rắn nó nghe nó sợ, trường hợp mình không có lưu huỳnh, mình không có long não, không có tỏi tươi để rắc xung quanh mình có thể làm biện pháp đó. Mình lấy giấy bạc mình bóp nó lại thành trái cầu, xong mình treo sao cho nó chạm đất chút thôi, đặng gió thổi nó kêu “rẹt rẹt” thì cái “rẹt rẹt” đó đuổi rắn đi. Thí dụ vậy.
    Ngừa là không có tội. Thì ở đây, chuyện triệt sản cũng như vậy mà hiểu. Có nghĩa là khi chuyện chưa xảy ra thì mình triệt. Nhưng tự mình hiểu, triệt sản không có tội gì hết, nhưng nó có điều nó có 2 trường hợp như vậy. Ok.

    Sự linh ứng trong tôn giáo
    Hỏi: Xin sư giải thích tại sao có người theo Nam tông, Bắc tông, Mật tông, theo Chúa, họ cầu xin, có được sự linh ứng, vì vậy họ tin rồi theo. Như vậy những tôn giáo đó tốt như thế nào đến nỗi linh ứng?
    Đáp: Cái đêm cuối cùng, trước khi đức Phật Ngài tịch. Có một ông du sĩ đến gặp Ngài, ổng hỏi Ngài “Con có tiếp xúc nhiều vị giáo sĩ, đạo sư nghe đồn vị nào cũng là Thánh hết trơn, con xin hỏi có đúng không?”
    Đức Phật Ngài trả lời thế này: Ở đây, ta không có trả lời chuyện ai là Thánh, ai không phải là Thánh. Đạo nào ra sao, ta không nói. Ta chỉ nói cho người Bốn con số không thôi :
    (1) Trên trời không hề có dấu chân. Đó là chuyện dứt khoát đúng. Mình nghe hơi huề vốn nhưng nó là tiền đề cho 3 cái sau. Giống như trên bầu trời không có dấu chân thì 3 điều sau không có:
    (2) Không có cái gì đã hiện hữu mà vĩnh cữu.
    (3) Không bao giờ ngoài Bát chánh đạo có thánh nhân.
    (4) Chư Phật không bao giờ còn phiền não.
    Tổng cộng là 4 không. Ở đây cũng vậy. Các vị hỏi tôi mấy đạo kia nó cũng hơi “tầm xàm” đi. Mình xài chữ hơi nặng là “tầm xàm” cho nên mình tin cái Nam tông, nhưng tuy nhiên, đứng trong nhà Nam tông mà cũng he hé cửa sổ dòm qua sao tụi nó xàm mà tụi nó có cái hơi linh linh, đúng không? Như thế này.
    Ở đây không bàn cái đó, mà tự hỏi lòng quý vị: Lý do nào tôi tìm đến với Phật pháp? Tôi đến tôi cầu giải thoát hay tôi tìm mấy cái linh linh đó? Ba cái vụ chữa bệnh, ba vụ cầu hồn, lên đồng, lên cốt. Thì tự mình hỏi lòng mình, nhu cầu mình là cái gì? Nếu nhu cầu mình là để:
    (1) Thân lạc tâm an.
    (2) Tiêu trừ phiền não
    (3) Chấm dứt sanh tử.
    Thì 3 cái này Phật pháp giúp mình được. Còn ba cái vụ linh hiển, vía cô xác cậu thì nếu các vị thấy nó linh thì ok. Nhưng mà tự mình hỏi lòng mình, có nhu cầu hay không? Nếu mà mình không có nhu cầu thì thôi mình đừng có nghĩ cái đó chi. Thí dụ, tôi vừa là đàn ông mà tôi vừa là ông sư, thì vật dụng tôi thường ngày xài là cái gì, thì tôi chỉ chú ý mấy cái đó thôi. Chứ còn tôi không nhất thiết tôi phải đi ngang mấy cửa hàng mỹ phẩm tôi nói : Cái đó tôi không có xài, cái đó của phụ nữ, mà sao tôi dòm tôi thấy, chai đó hay quá, chai đó đẹp quá, còn cái nón kìa, cái nón thắt cái nơ đẹp quá, cái trâm, cái lược, trời đẹp quá. Kệ nó. Cái nón, cái trâm, cái lược, hũ phấn, chai son không mắc mớ gì tôi hết. Cái nhu cầu của tôi không phải cái đó. Nha. Tự nhiên mắc chứng gì đi vòng vòng, Mỹ nó kêu là windows shopping, đi dạo cửa còn tiếng Đức nó kêu là “liếm cửa sổ”, tức là đi dòm dòm, áp cái mặt vô coi nó bán gì trỏng. Mà nhiều món nó không mắc mớ gì đến mình hết.
    Như có lần đó, bên Đức, Phật tử họ đưa tôi đi bác sĩ, tôi chờ họ lâu quá, tôi mới đi rảo rảo bên vỉa hè, cho đỡ chán, xong tôi dòm thấy cửa hiệu gì bán đồ lạ quá. Tôi áp mặt vô tôi nhìn. Cái tiệm đó bữa đó đóng cửa. Tôi thấy nó bán mấy đôi giày coi bộ nó hợp với mình, tới hồi tôi nhìn sâu vô trong, trời ơi, chỗ đó bán đồ cho người Handhicap. Các vị biết không? Mấy cái tay vịn trong nhà tắm mà mình mua gắn cho mấy cụ đứng không được, ba đôi dép xài cho người bị vấn đề ở chân, mấy cái ghế dành cho người ta tắm người già trong bồn tắm, tắm nó cứ xối nước đi hết. Lúc tôi bật tôi cười, trời ơi, nãy giờ mình coi cho đã, coi chỗ trớt quớt. Bữa đó giày tôi nó hư mà mang nó đau quá đi. Tại mình liếc thấy đôi đó hợp với mình, mà coi kỹ nó bán cho mấy người có vấn đề.
    Ở đây cũng vậy. Bà con xét coi bà con có nhu cầu gì. Nếu nhu cầu: (1) Thân lạc tâm an, (2) Tiêu trừ phiền não, (3) chấm dứt sanh tử nó là nhu cầu chánh thì cứ ở đây học giáo lý và sống đạo. Còn ngoài ra ba cái vụ linh hiển, linh ứng gì đó là không nhìn tới.
    Mình chỉ giải quyết nhu cầu của mình thôi. Còn nếu quý vị thấy đạo này không đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu các vị thì các vị có thể lên đường tìm đến đạo khác. Nhưng mà mình thấy ở đây dừng chân được thì đừng có nhìn cái khác, nhìn hồi nó khùng.

    Khóc ở vị Thánh
    Hỏi: Vì sao bà Visakha Sơ Quả đoạn từ Thân kiến, nhưng khi cháu mất bà vẫn khóc? Làm sao đối diện với việc chia ly cách biệt người mình thương quý nhất?
    Đáp: Trên hình thức thì vị Sơ Quả khi khóc cũng khóc như mình vậy đó, có nghĩa là cũng nước mắt chảy. Nhưng theo cái tôi hiểu trong kinh, vị đó không còn Thân kiến. Vị đó khóc, chuyện vị đó đột ngột mất đi một người thân, vị đó khóc chỉ là biểu lộ mang tính phản ứng mà nó huân tập nhiều đời như vậy. Chứ còn chiều sâu, nếu cho vị đó ngồi xuống một chút, có người nhắc một câu thôi “Các hành là vô thường” là các vị nín liền. Cái đó tôi dám bảo đảm.
    Như bà Visakha, thấy bà khóc vậy đó mà khi đức Phật Ngài hỏi bà câu hai câu là nín liền. Thí dụ, Ngài hỏi : Visakha con có muốn tất cả dân chúng trong thành phố này thành này bà con của con không? Bả đang khóc, bả ngưng lại : Dạ muốn. Ngài nói: Nếu mà tất cả người ở thành phố này đều là bà con của con thì chắc chắn con ngày nào cũng khóc, vì thành phố này ngày nào cũng có người chết, con hiểu ta nói cái gì hay không? Hễ có Ái là có khổ. Bả nghe, giống như đang ôn bài, bà nghe bà nín liền. Câu rất là gọn.
    Cho nên, người có trí, một câu một:
    - Con có muốn không? Muốn ai cũng là bà con.
    - Dạ muốn.
    - Nếu vậy con khóc đã luôn tại vì ngày nào cũng có người chết hết.
    Vấn đề của mình là sao? Mình gắn chặt vào đó ý niệm “Tôi là” hoặc là “Của tôi”. Ý niệm đó làm cho mình khổ. Vị Tu Đà Hườn họ không còn ý niệm “tôi là” nữa. Họ khóc như một biểu hiện mang tính phản ứng. Chỉ vậy thôi. Nhưng chút xíu là họ khô. Như ngài Anan, nghe bà Gotami mất, bà khóc, ngài Xá Lợi Phất mất ngài khóc, nghe bà Yadu khóc ngài khóc, nhưng khóc là chảy nước mắt vậy thôi, chứ còn không phải giãy dụa quằn quại, đập ngực, bứt tóc thì không có. Nhớ cái đó. Đừng có nghe khóc rồi tưởng giống mình.
    Tôi cũng có dự một vài đám ma tôi có thấy. Có nhiều người họ khóc rất đàn ông, cắn chặt quai hàm lại, mắt đỏ, rớt 2 hột, rồi xong. Đau lắm. Như bản thân tôi lâu lắm tôi không có khóc, mà khi đau quá, cái kìm nó rớt chân tôi, tôi thấy nước mắt tôi nó muốn ra rõ ràng, tuyến lệ nó làm việc. Nó đau quá mà nhưng mà xong rồi thôi. Chứ con nít kiểu đó là khóc đã luôn.
    Thì ở đây cũng vậy. Đừng có nói chuyện khóc. Vị Tu Đà Hườn cư sĩ còn có thể có chồng, có vợ, sinh cọn bình thường, nhưng đừng có thấy vậy rồi tưởng họ giống mình. Không có đâu. Vì sống trong đời sống cư sĩ, vì trách nhiệm gia đình, trách nhiệm xã hội họ phải như vậy thôi, chứ còn họ đúng là người “cư trần bất nhiễm”. Tôi thấy cái đó có. Tôi có biết được nhiều người Phật tử, họ không ly gì không phải vì họ mê đắm hôn nhân mà tại vì nó không cần thiết. Vì ly dị chi?Ly không ly thì tối ai ngủ phòng nấy. Con cái lớn rồi, ly chi cho nó buồn, nó mất cha mất mẹ tội nghiệp. Cứ để vậy sống. Lấy mắt thường mình nhìn, trời ơi, sao ông này chính miệng ổng nói ổng không thiết tha mà sao ổng sống hay. Không có. Chuyện đó bình thường lắm. Trên hình thức thì rõ ràng họ có vợ, có chồng, có đôi có cặp, nhưng lòng họ nguội ngắt.
    Trong tu sĩ cũng vậy, có nhiều vị trên người có lá y nhưng lý tưởng tu học nó nguội ngắt rồi. Có. Đạo cũng vậy, đời cũng vậy. Đắp y trên người nhưng lý tưởng Phật pháp coi như là phôi pha, nhạt nhòa. Và ở ngoài đời thì cũng có những người mang áo cư sĩ nhưng tục niệm cũng phôi pha nhạt nhòa. Cho nên, trong kinh mới dạy, có những người:
    (1) Có những người Đạo ngoài vỏ, Đời trong ruột.
    (2) Có những người Đời ngoài vỏ, Đạo trong ruột.
    (3) Có người trong ngoài, vỏ ruột đều là Đạo.
    (4) Có những người trong ngoài, vỏ ruột đều là Đời.
    Có, trong kinh nói có 4 hạng đó. Thì có những người hình thức xuất gia nhưng ruột cư sĩ. Có nhiều người ruột xuất gia mà vỏ cư sĩ. Có những người vỏ ruột đều cư sĩ. Có những người vỏ ruột đều là xuất gia. Nhớ cái đó.
    Tôi nghĩ tôi đã nói cạn lời vụ Tu Đà Hườn rồi đó./.


    Mục lục
    1. 1. Pháp đàm 04/09/2022
      2. Pháp đàm 18/09/2022
      3. Pháp đàm 25/09/2022
      4. Pháp đàm 02/10/2022
      5. Pháp đàm 09/10/2022
      6. Pháp đàm 16/10/2022
      7. Pháp đàm 23/10/2022
      8. Pháp đàm 30/10/2022
      9. Pháp đàm 27/11/2022
      10. Pháp đàm 04/12/2022

      ← trở về trang Vấn Đáp

      © www.giacnguyen.com