← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 23/10/2022
Kalama tri ân cô Vui ghi chép

  • Quán Thân Quán Tâm
  • Tâm Sở Hối
  • Bất cộng trụ
  • Hồi hướng và gửi tâm từ
  • Giữ giới
  • Tứ Vô ngại giải
  • Nguyện thành Thinh văn
  • Mưu sinh hàng ngày
  • Thực phẩm thích hợp
  • Truyền thống Thiền


  • Vấn đáp Zoom Chủ nhật – 23/10/2022
    Quán Thân Quán Tâm
    Hỏi: Có lần ngồi chú tâm hơi thở cơ thể yên thấy tâm sanh diệt, những lần sau không thấy lại. Xin sư chỉ dạy cách thực hành quan sát thân, tâm đúng.
    Đáp:
    Có mấy điều mà hành giả cần phải nhớ. Chuyện đầu tiên, tôi xác nhận tôi không là thiền sư, không phải là hành giả. Tôi chỉ nói theo cái tôi biết trong kinh điển.
    Chuyện đầu tiên, 3 điều hành giả làm ơn nhớ dùm. 3 chuyện quan trọng. Tôi nói theo bà Ajahn Naeb cho chắc ăn.
    1. Học giáo lý căn bản = Biết cấu trúc, cấu tạo của Thân, Tâm gồm 2 phần Danh – Sắc.
    Danh gồm có cái gì? Tâm và Tâm sở. Danh có nhiều cách phân tích: Thí dụ, nó là Tứ Danh Uẩn (Thọ, Tưởng, Hành, Thức), hoặc nó là 6 Thức (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, và Ý), hoặc là 12 xứ, 18 giới. Thí dụ như vậy. Là Danh. Phải biết cái đó. Phải học sơ sơ cái đó, đó là sơ sơ đó. Biết tâm này có Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Mạng quyền, Tác ý,… hoặc là nói gồm Thọ, Tưởng, Hành, Thức, hoặc là nói gồm 6 Thức. Nhớ. Biết 12 Duyên khởi, Vô minh là gì. Đại khái. Phải học giáo lý trước. Có học giáo lý theo dõi mới biết cái gì nó xuất hiện. Có giáo lý mới có thể nhận diện cái gì đang xảy ra.
    Chứ còn tôi sợ nhất là nói chung chung: Nay thầy này, mai thầy kia, kêu giữ chánh niệm rồi rỗng rang, rồi buông xả, rồi tri vọng tùm lum hết mà trong khi mình hoàn toàn không biết, mình hoàn toàn mù tịt về cấu trúc thân và tâm. Thì tôi nói thiệt, tôi chịu thua không biết đắc cái gì. Còn mấy người ngày xưa gặp đức Phật hoặc gặp ngài Xá Lợi Phất ngài Ca Diếp mà họ nghe câu hai câu mà họ đắc thì tôi xin miễn bàn, tại vì họ đã học quá nhiều kiếp rồi. Các vị này nhìn vào bản tâm của họ, các vị khai thị chỉ có câu là vốn liếng xưa bừng sống dậy, tràn ngập dạt dào, thể nhập biển pháp giới. Chứ còn, mình giờ thầy không bằng xưa, trò cũng không bằng xưa. Thầy trò không bằng xưa mà cứ chê giáo lý. Tôi nghe cách hỏi tôi nghi rồi, không biết giáo lý. Người có học giáo lý họ không thắc mắc cái đó. Họ không thắc mắc kỳ cục vậy. Nhớ. Chuyện thứ nhất, phải học căn bản, biết mình là gồm cái gì.
    2. Chuyện thứ hai, nhớ cái này: Tu niệm xứ không nên có ý trốn chạy, hay xây dựng, hay kiếm tìm, hay là theo đuổi, tống khứ bất cứ cái gì. Nói chung là không có ý trốn chạy cái gì, phủ nhận cái gì, mà cũng không có ý theo đuổi, mong đợi cái gì. Nhớ. Cái đó là linh hồn của Tứ niệm xứ.
    Có nghĩa là: Thuần túy sống chánh niệm buổi đầu là cộng với kiến thức giáo lý, và sống chánh niệm. Cứ theo dõi hơi thở hoặc theo dõi trong sinh hoạt lớn bé, ăn biết ăn, uống, nuốt biết nuốt, cầm lên để xuống, bước đi, vặn nắm cửa, xối nước, súc miệng, đánh răng, biết, làm gì biết. Trong lúc đang chánh niệm vậy có cái gì đó, có tâm thiện, tâm bất thiện hay cảm giác khổ/ lạc/ ưu/ hỷ/xả xuất hiện, cái gì nổi bật biết cái đó, chỉ vậy thôi.
    Không có ý cầu giải thoát, cầu đắc đạo, hay là chạy trốn phiền não, mong cho tôi đừng bị cái này, mong cho tôi đừng bị cái kia. Một là chạy trốn tham – sân – si, chạy trốn phiền não; còn chạy trốn quả xấu là mong đừng có nực nữa, đừng có đau nữa. Cái đó không được. Tứ niệm xứ là chỉ có chánh niệm ghi nhận cái gì đang xảy đến, chứ không có ý mong đợi gì hết. Nhớ.
    Có những lúc mình quên. Có những lúc mình quên niệm. Thì cứ bỏ qua. Quên thì thôi. Thí dụ, lần cuối cùng mà tôi còn chánh niệm là 6h12 phút tôi ngồi tôi nghĩ chuyện tầm bậy tầm bạ cho tới 7h5 phút tôi mới chực nhớ ra “chết cha nãy giờ nghĩ tầm bậy” . Quay trở lại chánh niệm như cũ. Không nuối tiếc, không hồi tưởng quá khứ để nuối tiếc, để ray rứt “nãy giờ thất niệm”. No. No. No. Coi như chuyện cũ bỏ qua. Tiếp tục. Còn chuyện bây giờ nó không được như trước đây, chuyện đó không quan trọng. Chuyện thân và tâm bây giờ nó không được như trước đây nó không quan trọng. Cái quan trọng nhất là nhận diện cái gì đang xảy ra. Cái đó mới quan trọng.
    Chứ còn anh tu mà cái lòng mong đợi thân tâm anh phả iđược như hồi nãy, được như hồi sáng, được như hồi khuya, được như hôm qua, ..là anh đã tu sai rồi. Nhớ cái đó.
    Cái này tôi nghe là tôi đã nghi rồi. 99.9% người này không học giáo lý. Vì học giáo lý không có làm bậy. Chuyện đã qua là qua luôn, cứ tiếp tục chuyện mới. Vì mình ray rứt chuyện cũ, mình mong đợi, mình trông ngóng, mong chờ chuyện cũ nó không có lợi ích gì hết. Nó chỉ có bậy thôi. Vì cái đó là phiền não. Nhớ cái đó.
    Một là phải học giáo lý.
    Hai là không mong đợi, không trốn chạy.
    Ba là chỉ biết có chánh niệm thôi.
    3. Chỉ biết có chánh niệm thôi.
    Mặc dù lý tưởng của mình là tu giải thoát. Đó là lý tưởng, chứ còn trong lúc đang tu tập. Nghe cho kỹ nha. Lý tưởng cao nhất của mình là hướng đến cứu cánh giải thoát, đúng. Nhưng trong lúc đang tu tập thì quên hết, chỉ có chánh niệm cảnh Danh Sắc trước mắt. Giống như người sinh viên giỏi, tôi nói rõ, sinh viên giỏi, một thằng sinh viên thông minh, lúc nó học nó chỉ tập trung học thôi chứ không có nghĩ chuyện mai này nó ra trường dược, nó làm bác sĩ, nó có tiền, nó mua du thuyền loại gì loại gì, nhà nó bao nhiêu cửa sổ, gara bao nhiêu mét vuông, vào được bao nhiêu xe, nhà đó phòng khách sao, phòng ngủ sao, phòng tắm sao. Sinh viên mà giỏi, thông minh, đầu óc bình thường, không ba trợn thì nó không bận tâm chuyện đó. Đúng, lý tưởng của nó thật ra là học trường y ra làm bác sĩ, lý tưởng cao nhất. Nhưng trong lúc nó đang học, trong lúc nó đang ôn tập bài vở thì chỉ có bài vở thôi. Chứ nó không có chuyện xen xen, nó mong nhà nó nhiêu, vườn, hồ bơi,… cái đó là tào lao. Mà rất nhiều hành giả bị cái bệnh này.
    Đồng ý, mình tu là nhắm đến cứu cánh nhưng mà đó là lý tưởng cao nhất, nhưng trong lúc đang tu tập mình không làm chuyện đó.
    Ở đây ai có con thì biết. Một đứa học sinh giỏi là nó chỉ tập trung bài vở thôi. Mặc dù ba má nó nhắc chừng: “ Con muốn được như chú Ba, con muốn được như cậu Tư, con phải ráng học giỏi làm luật sư, làm bác sĩ, có văn phòng, có phòng mạch, có tiền muôn bạc vạn” Đó là một lúc nào đó mình nói với nó. Chứ còn căn bản, một đứa bé ngoan giỏi nó chỉ tập trung học thôi.
    Chuyện cũ bỏ qua, không có ray rứt, không áy náy.
    Đó là câu trả lời của tui.

    Tâm Sở Hối
    Hỏi: Trong A Tỳ Đàm, tâm sở hối thuộc về bất thiện, nhưng khi hối về điều không tốt đã làm rồi cố gắng không tái phạm nữa thì trong trường hợp này tâm hối có phải là bất thiện không?
    Đáp:
    Nhớ cái này.
    Có rất nhiều người họ tu mà họ không cần cái hối. Căn cơ chúng sinh có nhiều loại.
    Có người họ rất cẩn thận, họ không phạm lỗi, họ chỉ thẳng đường đi tới, họ không có chuyện gì phải ray rứt hết. Đó là hạng thứ nhứt. Họ cứ thẳng đường họ đi thôi. Giữ giới trong sạch, không có ray rứt trong giới, không ray rứt trong Tuệ, trong Định. Họ không có ray rứt trong đời sống thường nhật. Đó là hạng người số một, tốt nhất, 100 điểm.
    Để tôi nói hạng thứ nhất là ai, nói thẳng luôn. Đó là: Ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài Ca Diếp,… hoặc là như thái tử Tất Đạt kiếp chót. Những vị này, từ trước lúc đắc đạo , các vị không làm gì để hối hết. Bởi họ là bậc thượng căn mà. Thượng căn không biết hối. Họ cứ thẳng đường họ đi thôi.
    Hạng thứ 2, bậc trung căn, có nghĩa là họ có lỗi lầm họ ghi nhận đó là lỗi lầm, họ có áy náy lấy áy náy làm điểm mốc để ghi nhận không tái phạm nữa. Cái hối họ vừa đủ để tạo ấn tượng tâm lý. Cái hối họ vừa đủ để tạo ấn tượng tâm lý “đừng làm cái đó nữa nha, không có nên”
    Thí dụ như trong kinh kể chuyện này.
    Chuyện dài lắm, tôi kể vắn tắt. Có 2 ông nhà giàu đi tu, ông lớn ông nhỏ. Hai ông giàu hết đi tu. Tu trong núi sâu, trong đó chỉ có lụm trái cây để mà ăn thôi, tu mà dốc lòng tu. Tôi nhắc lại là hai ông đại gia nha. Đại gia hết. Đúng là 2 ông vua, tôi kể gọn là đại gia mà đúng là hai ông vua, tại tui sợ trong room này cà chớn nhiều quá tôi kể vua các vị không tin nên tôi sửa 2 ông đại gia. Các vị coi tôi khổ tâm không? Kinh mà phải sửa lại cho vừa với cái đầu ngu xuẩn của thời nay, chứ đúng ra trong kinh kể là 2 ông vua.
    Bữa đó đang ăn, ông sư huynh ông đang ăn tự nhiên ông buột miệng “cái này có tí muối dễ nuốt hơn”. Ông sư đệ nói: “có có, đệ có giấu miếng muối”. Sư huynh ổng nghiêm mặt ổng nói “ Sư huynh tiện miệng thì sư huynh nói vậy thôi, chứ tụi mình trên núi làm gì có muối”. Ông sư đệ nói “đệ có giấu miếng muối”. Sư huynh hỏi: “ở đâu có”. “Bữa xuống làng người ta mời đi ăn, thấy muối người ta cho hơi nhiều có gói miếng đem về để ngừa bất trắc ”. Sư huynh ổng lắc đầu, ổng nói: Cả một đất nước, một lãnh thổ, một ngai vàng mà mình còn bỏ được, có tí muối vầy mà em lận theo lỡ đêm nay em chết có phải phiền không.
    Dễ sợ. Ông em quỳ xuống sám hối liền. “Kể từ nay, nó có cho em một lu em cũng không đem về nữa”. Và từ đó, người sư huynh tu như thế nào, sư đệ tu như thế ấy. Ghê như vậy. Có. Có hối. Nhưng mà rồi thôi . Chỉ có tí đó thôi. Và người em dốc lòng, người sư đệ dốc lòng và chứng thiền như người anh. Sau đó cả 2 đều về Phạm thiên hết.
    Đó là bậc trung căn. Còn bậc thượng căn người ta không có làm gì có lỗi hết, như ngài Tất Đạt, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên,… thì khỏi nói. Bậc trung căn có tí lỗi, người ta có tí hối, người ta lấy tí hối để người ta làm ấn tượng tâm lý để tu chứ họ không nó làm điều nặng lòng.
    Còn người hạ căn, phạm lỗi và cứ khổ tâm, dằn vặt, nặng lòng với nó triền miên. Đó là bậc hạ căn.
    Nhưng cả 3 bậc này đều là người lành hết. Nhưng người lành có bậc thượng, trung, hạ. Bậc hạ là cứ để mình phải khổ tâm, ray rứt.
    Hạng thứ 4, không thuộc về thiện nhân, thượng nhân. Có nghĩa là,làm bậy mà không biết hối hận. Hạng thứ tư là nằm ngoài. Còn 3 bậc đầu là thượng, trung, hạ mà trong đám thiện nhân. Hạng thứ tư làm bậy mà không biết hối là hạng ác nhân, hạ nhân. Người ta hạ căn còn mình hạ nhân. Hạ căn là có căn mà thấp. Còn hạ nhân là lọt sổ. Nhớ. Tùy thôi.
    Cái hối đúng nó là bất thiện, người ta lấy nó làm đúng chỗ. Giống như Opium trong ngành y, á phiện, xài đúng chỗ ok. Trong ngành y người ta cũng xài muối, xài đường ok. Còn nếu muối xài nhiều quá thì không được, đường nhiều quá thì không được. Nhưng muối đường xài đúng chỗ thì nó ok.
    Có hiểu không?

    Bất cộng trụ
    Hỏi: Một vị phạm bất cộng trụ có thể tiếp tục đắp y không? Nếu được, có thể dự tăng sự không? Nếu không, tiếp tục đắp y thì phạm thêm giới gì nữa?
    Đáp:
    Đã bất cộng trụ thì không phạm thêm giới gì nữa hết, vì họ đâu còn là sư nữa đâu mà phạm. Đó là chuyện thứ nhất.
    Chuyện thứ hai, đã bất cộng trụ thì suốt đời không làm tỳ kheo nữa. Và, nếu vị đó phạm mà biết trình Tăng, biết nhận tội thì vị đó, theo ngài Pa Auk Sayadaw, vị đó có thể tu Sa-di được. Nếu phạm xong trình liền, thú tội liền thì được tu sa-di suốt đời nhưng không được lên tỳ-kheo. Đó là trường hợp phạm xong nhận tội liền.
    Nếu phạm xong, giấu, bị người ta phát hiện, trưng ra bằng cớ thì vị đó suốt đời không được mặc y dầu là sa-di hay tỳ-kheo.
    Nhưng có điều, cái đó là chuyện rất nhạy cảm.
    Giới bất cộng trụ giống như tội tử hình ngoài đời. Tức là, mình đừng có bất cẩn. Trừ ra đương sự biết họ chính xác họ có phạm hay không. Chứ còn mình không phải người ta thì mình đừng bất cẩn quy kết, chụp mũ ai đó phạm Bất cộng trụ. Bởi vì nó có rất nhiều trường hợp lấy mắt mà nhìn thì phạm Bất cộng trụ nhưng trong thực tế không phạm. Thí dụ, tôi chỉ trưng dẫn một vài trường hợp thôi:
    1. Họ đã xả giới nhưng họ không mặc thế phục. Nếu họ là người có Tàm Úy, họ kín đáo xả giới nhưng họ không mặc thế phục.
    2. Giới đàn họ vốn dĩ không thành tựu, trong thời gian cần chờ rebuild.
    Nói chung, khi làm chuyện đó mà không phải tỳ -kheo thì không phạm bất cộng trụ. Nhưng mấy cái chuyện này người ngoài không biết. Tôi nói có hiểu không? Cho nên phải cẩn trọng cái đó

    Hồi hướng và gửi tâm từ
    Hỏi: Khác nhau – giống nhau giữa hồi hướng và gửi tâm từ? Sau khi làm việc thiện thì mình hồi hướng, sau khi ngồi thiền vừa hồi hướng vừa gửi tâm từ có đúng không?
    Đáp:
    Hai cái này nó khác nhau. Hai cái này nó khác nhau hoàn toàn.
    Nghe cho kỹ. Hồi hướng là mình có lòng chia sẻ công đức cho người khác. Bất cứ ai lúc đó trong vô lượng vũ trụ có lòng tùy hỷ với lời hồi hướng của mình, mình hồi hướng cho tất cả thân bằng quyến thuộc của mình hay tất cả chúng sanh nào hướng đến công đức này để cầu công đức thì khi mình có lòng như vậy là hồi hướng.
    Hơi nản chỗ đó. Người hỏi không biết đi chùa bao nhiêu năm mà hai định nghĩa nó khác nhau. Hồi hướng là có lòng chia sẻ công đức.
    Tâm từ là mình mong mỏi cho chúng sanh khác được sống trong nhân lành, quả lành. Mong cho người khác được an lạc, mong cho người khác biết tu tập. Nghe kỹ nha. Mong cho người khác biết tu tập, mong cho người khác được an lạc, mong cho người khác được hưởng nhân lành, quả lành. Mong cho người khác được an lạc = Mong cho họ được sống trong quả lành; Mong cho người khác biết tu tập = Mong người khác sống trong nhân lành. Đó được gọi là Từ tâm.
    Hai định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cái này là do họ nghe ba chớp ba nháng nên họ không phân biệt hai cái này.
    Trong thập thiện, rải tâm từ thuộc cái thứ ba – tu thiền, còn hồi hướng nó là một cái khác, nó là cái thứ 6 trong thập thiện: Bố thí – Trì giới – Cung kính – Phục vụ - Hồi hướng,… Vậy Tâm từ nằm trong tu tiến. Còn Hồi hướng là cái khác.
    Mà có cái này không phân biệt thì chết rồi.
    Tôi sợ nhất người Việt Nam chỗ đó. Tại sao tôi người Việt Nam mà tôi mạt sát người Việt Nam? Về chính trị, về tôn giáo mình dở lắm. Mình rất thiếu căn bản, thiếu một cách nghiêm trọng.
    Lúc theo Phật pháp rồi, Nam – Bắc tông mình cũng không phân biệt Nam – Bắc khác nhau cái gì. Có người họ định nghĩa:
    Nam tông ăn nước mắm, cái áo ông sư bự hơn, đắp cái áo tốn vải hơn, tụng kinh nghe không hiểu. Đó là Nam tông. Còn Bắc tông ăn tàu hủ, áo ít tốn vải, đọc kinh bằng tiếng Tàu. Phật tử Việt Nam định nghĩa như vậy. Đừng nghĩ tôi đùa, đó là sự thật.
    Tôi định nghĩa lại cho nhớ nha:
    Bắc tông = Mặc áo ít tốn vải, ăn chay, tụng kinh bằng tiếng Tàu.
    Nam tông = Ăn nước mắm, mặc tốn vải, tụng kinh bằng tiếng Ấn Độ.
    Tui nghe tui nản quá. Cái đạo gì tôi nghe thấy mắc cười mà đó, 99% người Việt Nam hiểu Nam, Bắc tông là như vậy đó.

    Giữ giới
    Hỏi: Sau khi thọ Tam quy, Ngũ giới, quý sư có nói “các chúng sanh được sanh về cõi trời cũng nhờ giữ giới,… ” tại sao giữ giới thù thắng được như vậy?
    Đáp: Khi cần nhấn mạnh vai trò ý nghĩa của giới thì cách nói này không có sai. Nghe kỹ không?
    Khi cần nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tác dụng, hiểu quả của giới thì nói như vậy không hề sai. Vì sao? Vì Giới là một trong những nền tảng công đức.
    Nghe cho kỹ nha.
    Vô lượng công đức gom lại có 2: Phước Vật – Phước Đức – Phước Trí, tức là Tài thí, Pháp thí.
    Nổi bật, nói tới bố thí là nói tài thí trước.
    Phước Vật = Chia sẻ vật chất cho người khác, đời đời sanh ra dư dả, không thiếu thốn.
    Phước Đức = Công đức nào đem lại sự an vui, an toàn, yên tâm cho người khác, thì trong đó gồm có như: Từ tâm, giới hạnh,… Đó gọi là phước đức.
    Phước trí = Công đức nhắm nào đến ý nghĩa, nội dung, lý tưởng vun bồi trí tuệ như học giáo lý, tu tập thiền chỉ, thiền quán. Đó gọi là phước trí.
    Tại sao có câu “chúng sanh được sanh về trời, được giàu sang nhờ giữ giới ”là vì sao? Vì trong trường hợp này, người ta muốn nhấn mạnh rằng: Làm một người trọn vẹn phải có đủ 3 phước: Vật – Đức – Trí.
    Bởi vì anh tưởng tượng đi. Nếu mà anh bố thí là anh giàu. Anh học đạo là anh thông minh. Nhưng mà anh thiếu giới, anh sát sanh, trộm cướp thì đời sau sanh ra anh không có hưởng được cái anh có. Có hiểu tôi nói không? Nếu thiếu giới, thì mình sanh ra mình không hưởng được hoặc không hưởng trọn vẹn cái anh có. Thí dụ, tôi bố thí mà tôi sát sanh nhiều quá, tôi bố thí mà tôi chuyên môn ăn cắp, tà dâm, uống rượu, nói dóc, thì đời sau sanh ra sao? Tôi giàu mà do uống rượu cho nên tôi bị tâm thần, do tà dâm cho nên tôi bị rối loạn giới tính. Hoặc tôi đi đâu cũng bị người ta ghét. Còn do nói dối mà tôi nói không ai tin, miệng rất là hôi, mà người dị dạng. Cái nói dối làm cho mình dị dạng vì mình uốn nắn sai sự thật mà, làm cho người dị dạng. Sát sanh là yểu mệnh, bệnh tật; Trộm cắp thì tài sản hao hụt. Các vị tưởng tượng đi, mình bố thí mình rất là giàu mà trong khi mình bị dị tật nè, thiếu trí, bị tâm thần mà, nói không ai tin, tài sản mất mát thường xuyên, vậy giàu thì có giàu nhưng mà hiểu không? Hiểu tôi nói gì không ?
    Cho nên đây là lý do vì đâu nói “Chúng sanh được giàu sang cũng nhờ giữ giới” là vậy đó. Nói cho đúng là : Anh hưởng được cái giàu sang. Anh muốn hưởng được cái giàu sang thì bên cạnh phước bố thí anh phải có cái giới anh mới hưởng được. Đó là một.
    Cái thứ hai. Câu nói “Chúng sanh giàu sang nhờ giữ giới” nó có cái ý nữa. Đó là, trong nền tảng tâm thức của chúng sinh, giữ 5 giới là rời ác đạo. Giữ Bát giới là rời nhân gian, tức là về trời, rời cõi thiện thấp về cõi thiện cao, tùy Bát giới mức độ nào. Bát giới mức độ thấp thì về Đao Lợi, ngon hơn, trong sạch hơn thì về Đâu Suất, Dạ Ma, Tha Hóa Tự Tại, Hóa Lạc Thiên ; tu tập thiền Định thì rời cõi Dục về Phạm thiên. Tu tập thiền Định xét khía cạnh rốt ráo thì nó cũng là một cách giữ giới. Bởi vì:
    Giới hiểu kiểu dốt dốt là không phạm 5 giới, 8 giới. Nhưng Giới hiểu nghĩa rốt ráo là lánh điều ác.
    - Giới bậc hạ là không phạm số 5, số 8.
    - Giới bậc trung là lánh dục, ly dục.
    - Giới bậc thượng là chán sợ sanh tử. Giới này là thánh giới, Giới này chính là giới học trong Bát chánh đạo.
    Còn giới bậc trung là chán dục. Còn giới bậc hạ là tránh thân nghiệp, khẩu nghiệp bất thiện thôi. Cho nên, mình cứ nghe giới, giới là mình biết cái giới bậc hạ, tức là tránh thân nghiệp, khẩu nghiệp bất thiện thôi. Chứ giới bậc trung là người ta phải ly dục. Giới bậc thượng là Chán sợ sanh tử, chán sợ phiền não nói chung. Nhớ cái đó. Cho nên, giới phải hiểu rộng như vậy.
    Cái cuối cùng, phải giải thích bằng một cái ví dụ như bà má nói với thằng con ăn rồi ở trong phòng không có vận động. “nè nè, con muốn làm bác sĩ, kỹ sư, con muốn làm cái gì đi nữa, con phải có sức khỏe, nhớ nha, con không có sức khỏe là con không có gì hết ” câu này đúng hay sai? Đúng phải không? Nếu đứa con là đứa thông minh nó phải hiểu rằng: Ngoài chuyện vận động ra còn phải làm cái khác nữa. Nhưng mà chuyện đầu tiên là bà má nói không sai. Con muốn làm bác sĩ, con muốn làm kỹ sư thì chuyện đầu tiên là con phải có sức khỏe. Mà muốn có sức khỏe con phải làm sao? Ăn kiêng nè, rồi gì nữa? Vận động , phải có nắng, phải có gió, phải có dưỡng khí chứ con ăn rồi con đóng cửa trong phòng con xanh lè sao con làm bác sĩ, kỹ sư được, con sẽ chết trước khi con lấy bằng, đúng không? Cho nên, trong trường hợp đặc biệt, bà má có quyền nói như vậy. Nói “con nhớ nha, cái mộng làm bác sĩ, kỹ sư, dân biểu, nghị sĩ, thủ tướng, tổng thống,… bất cứ cái mộng gì, chuyện đầu tiên con không có sức khỏe là con không làm được gì hết”.
    Trong trường hợp đặc biệt nào đó người ta cần nêu bật, cần tô đậm tác dụng, ý nghĩa của thể dục thể thao thì người ta có quyền nói như vậy người ta không sai.
    Ở đây cũng vậy. Trong trường hợp cần nêu bật ý nghĩa, tác dụng, của giới thì người ta có quyền nói như vậy. “Các chúng sanh sanh về trời nhờ giữ giới ”hiểu không? Giới nó như cái hào vậy đó, nó không phải là tất cả nhưng thiếu nó thì không được. Đúng rồi.
    Chốt lại. Nó không phải là tất cả, nhưng thiếu nó thì không được.

    Tứ Vô ngại giải
    Hỏi: Vì sao Tứ Vô ngại giải chỉ có ở bậc thánh, và phải nguyện mới chứng đắc được?
    Đáp:
    1. Tại sao chỉ có bậc thánh? Là tại trong đó có Pháp vô ngại giải , có nghĩa vô ngại giải = Trí biết về Đạo, về Quả.
    Anh làm phàm làm sao anh hiểu về Đạo về Quả về Niết Bàn? Có hiểu tôi nói không? Anh làm phàm anh thuộc lòng Tam Tạng, Đạo Quả anh nói nói cho vui vậy thôi chứ anh biết cái ý gì mà anh nói. Cho nên trong Pháp vô ngại giải là phải hiểu Đạo, Quả, Niết Bàn. Mà anh làm phàm sao anh hiểu cái đó? Đó là chuyện thứ nhất. Phải thánh mới có Vô Ngại Giải.
    2. Tại sao phải nguyện?
    Là bởi vì, nói cho cùng, Vô Ngại Giải là extra, bonus của bậc thánh. Nói vậy có hiểu không ta? Tại có rất nhiều vị thánh họ thấy rõ Bốn Đế là gì, họ thấy rõ 5 uẩn, 12 xứ là gì, họ thấy rõ thiện ác là gì, sanh tử, Niết Bàn là gì, đủ để họ không còn tái sanh. Xong. Không cần thiết phải trở thành một người có thể nói lưu loát điều mình chứng. Không cần thiết. Không cần thiết chuyện nói lưu loát điều mình thấy cho người ta. Còn những vị họ có tâm nguyện đặc biệt: Họ muốn họ có khả năng chia sẻ cái họ có thì lúc bấy giờ họ phải trang bị thêm. Thì như vậy nó trở thành ra cái bonus, cái extra, cái phụ thu thêm chút. Có vị họ thấy đó là nhu cầu.
    Do khuynh hướng tâm lý mà họ thấy cái chuyện đó cần thiết. Nhưng có vị họ hết phiền não là được rồi, họ không cần đắc thiền, họ không cần phải có thần thông, nhập Định, họ không cần có Vô Ngại Giải, họ không cần nhớ lại kiếp trước, dẹp, dẹp, họ chỉ đủ duyên chứng Sơ Quả cũng được nữa. Từ đó họ tu tập chứng La Hán chứ không cần cái gì ngoài ra nữa hết.
    Cho nên, đó là lý do tại sao phải chứng thánh mới có Vô Ngại Giải, tối thiểu của Tu Đà Hườn. Tu Đà Hườn có Vô Ngại giải nha. Nhưng Vô Ngại Giải của tầm Sơ Quả. Và cái thứ hai là phải nguyện là như vậy, vì cái đó là phụ thu.
    Nó giống như giàu là gì? Giàu là có đủ ăn, đủ mặc, có tiền trong nhà băng gọi là giàu, nhưng trường hợp như có mấy cha trước nhà có hòn giả sơn, hoặc nhà có xe hiệu, xe Rolls-Royce, có máy bay riêng, có du thuyền thì cái này là Bonus chứ không phải cha triệu phú nào cũng có chuyên cơ, có du thuyền, theo tôi biết là chưa hẳn. Ok. Rồi.

    Nguyện thành Thinh văn
    Hỏi: Để nguyện thành một bậc Thượng thủ Thinh văn hạnh Trí tuệ điều kiện cần và đủ là gì?
    Đáp:
    Câu này nó lớn chuyện lắm, nhưng tôi nói vắn tắt thôi.
    Giáo lý nguyên thủy không hề có một trang một hàng nào đức Phật khích lệ đức Phật khích lệ đệ tử phát nguyện thành Phật giống như Ngài hết. Nhớ nha. Không có. Không có một trang, hàng nào Phật dạy đệ tử là nên tu tập Ba La Mật, thực hành Bồ Tát đạo để thành một người y chang Như Lai là không có.
    Tuy nhiên, ẩn sâu nó nằm chỗ này.
    Không có trường đại học nào dạy người ta làm thủ tướng hết, không có trường nào dạy người ta được giải Nobel hết, không có người nào dạy người ta làm tỷ phú hết, không có. Không có trường nào dạy người ta làm bác học, không có. Nhưng mà do căn cơ, trình độ từ cái trường đi ra, có người thành Bill Gates, có người thành trùm Tesla, trùm Amazon, trùm Google,… đại khái vậy. Chứ còn trường là trường chung. Tùy căn cơ, trình độ rồi người ta lấy được gì, người ta rút được gì từ cái trường đó. Ở đây cũng vậy, con đường trở thành Thinh văn, Độc Giác, Phật Tổ Như Lai - Vô Thượng Bồ Đề - Chánh Đẳng Chánh Giác tất cả 3 con đường đó đều nằm gọn trong 37 Bồ Đề phần. Tức là: Bát chánh đạo, Thất giác chi, Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ như ý túc, Tứ Chánh cần, Tứ niệm xứ. Chứ không có ra ngoài 37. Ai học A Tỳ Đàm rồi thì biết. Tất cả pháp thiện nằm trong 25 tâm sở tích cực. Tất cả pháp bất thiện nằm trong 14 tâm sở tiêu cực: Giết cha, giết mẹ, đốt chùa, hại Phật, phá đạo, nó nằm trong 14. Mà bây giờ muốn thành Phật Tổ Như Lai – Tứ sanh Từ phụ - Thiên nhân chi Đạo sư hay một vị La Hán 7 tuổi, cũng là tu 25 tâm sở tích cực chứ không có gì hết.
    Trong kinh không hề có đoạn nào đức Phật khích lệ mình trở thành một vị Phật giống như Ngài hết. Ngài dạy chung chung, ai thấy nhác quá thì làm Thinh văn. Nhưng trong Chú giải có câu thế này: “Nếu trễ chẳng gặp Phật nào, nhằm kỳ Độc Giác làm sao cũng thành”. Mình cứ cầu giải thoát và tu tạo Ba La Mật. Mình kể là kể có 10 chứ thật ra con số 10 là con số ước lệ, conventional number, con số giả định thôi. Tất cả công đức chứ không phải con số 10. Con số 10 chỉ là con số ước lệ. Gặp thiện là làm, thấy cái gì bổ sung cho Niềm Tin, cho Tàm, Úy, cho Trí tuệ, cho Vô tham, Vô sân, Hành xả, Chánh niệm, thiền Định,… là vị đó làm. Đó gọi là Ba La Mật. Bất cứ cơ hội nào bổ sung cho 25 tâm sở thiện là làm ngay đó gọi là tu Ba La Mật. Chứ còn không phải Ba La Mật là ôm cứng ngắc con số 10 là sai. Tôi khẳng định như vậy. Tôi chịu trách nhiệm câu nói này. Con số 10 là con số conventional number thôi chứ nó không phải absolutely. Nhớ nha.
    Ở đây, muốn trở thành chí thượng Thinh văn cũng tiếp tục tu y chang vậy đó. Có một bài kinh nho nhỏ, đức Phật dạy thế này “Này các tỳ-kheo, nếu một tỳ-kheo có ước nguyện lớn nên lấy Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên làm đích đến. Nếu một tỳ-kheo-ni có ước nguyện lớn thì nên nhắm đến Khema và Uppalavanna. Nếu một cư sĩ có ước nguyện lớn thì nên nhắm tới Khujjutara hoặc Visākhā, hoặc là Cấp Cô Độc” . Nhưng mà nói vậy thôi, nhưng đặc biệt bà nhắm đến bà Khujjutara là cư sĩ mà tinh thông kinh điển.
    Chẳng hạn như hôm nay, tôi mới vừa phát hiện trong đám cư sĩ Việt Nam có khoảng 10 người cư sĩ Sài Gòn có khả năng đọc hiểu tiếng Pāli, dò tìm Tam Tạng và Chú giải. Tôi vừa thương mà vừa quý, và vừa rất là ngạc nhiên. Tôi nhớ. 2 chuyện mà làm tôi vừa vui vừa chạnh lòng. Tôi hơi lạc đề chút xíu nha.
    Ngài Ledi Sayadaw là một vị được xem là tác giả sau cùng, đóng góp kinh điển vào kho Đại Tạng, sau ngài thì có giỏi bằng trời những công trình không được đưa vào Đại tạng nữa. Ngài Ledi ngài sinh năm 1846 ngài tịch năm 1924, trước khi ngài tịch ngài có một người học trò nhà quê, tên là ông Thet, tiếng Miến Điện gọi là SayaThetgyi; Saya = thầy, ổng tên Thet, còn “gyi” là từ tố bày tỏ tôn kính. SayaThetgyi, mà ổng tên tắt là Thet. Ông này ổng dốt, ổng tiểu học thôi. Mà ngài được xem là Á thánh của tăng già Miến Điện. Á thánh. Bổ sung cho kho tàng chú giải mà sao mà dởm được. Và sau một thời gian ngài dạy thiền ổng ngài có nói thế này, nói với chư tăng “Tôi tịch rồi có gì thắc mắc về thiền hỏi ông Thet”. Đó là một người.
    Hòa thượng bổn sư của tôi. Tôi có 2 hòa thượng bổn sư. Hòa thượng truyền giới Sa-di : Ngài Tịnh Sự. Hòa thượng cho đại giới : Ngài Hộ Giác.
    Ngài bổn sư tôi sanh năm 1946 , ngài tịch năm 1984. Trước khi ngài tịch, có một vị sư Khmer ở dưới Lục tỉnh lên, vị đó quen thân với các chùa Việt Nam, theo chân các sư Việt Nam, vị đó có đến đảnh lễ ngài và nhìn vị này xong, ngài có nói riêng với các vị đệ tử, ngài nói, ngài xưng là Sư. “Sư mất rồi, mà muốn tìm hòa thượng thì nên thỉnh ông sư này nè”. Ngài đó. Mà pháp nhãn của một bậc thượng nhân. Mà trong khi biết bao nhiêu vị cao tăng ngài gặp, đặc biệt, ngài gặp vị sư Khmer này, ngài vừa liếc cái là ngài nói riêng mấy vị đệ tử mình “Sư mất rồi, có cần tìm hòa thượng bổn sư thế sư thì thỉnh vị sư này nè”. Vị đó chính là ngài Kim Cang. Sau này là trụ trì chùa Nguyên thủy Cát Lái, ít lâu thôi rồi ngài đi nước ngoài. Hiện giờ ngài đang trụ trì một chùa ở Washington DC bên Mỹ. Cho đến bây giờ ngài vẫn còn sống. Vị đó đó. Tại sao tôi kể 2 chuyện lạc đề? Thứ nhứt là ngài Ledi. Ngài dặn chư tăng “Tôi mất rồi, có thắc mắc hỏi ông này”. Và, ngài bổn sư của tôi, ngài dặn đệ tử của ngài “nếu ngài mất rồi cần thỉnh một vị bổn sư nên thỉnh vị này”.
    Tôi hôm nay, bé mọn, tôi chỉ kể lại chuyện xưa thôi, nhưng tôi xin nhắc một điều. Nếu mai này tôi không gặp bà con nữa, tôi chết hoặc tôi khùng điên ba trợn, gì đó mà bà con thắc mắc kinh điển thì bà con nên nhớ dùm tôi một địa chỉ: Những vị nào, cư sĩ nào, tôi đang do dự có nên nói tên ra đây không, thôi khoan nói đi, tôi chỉ nhắc thôi: Tăng, ni, cư sĩ nào có khả năng đọc hiểu tiếng Pāli và trong thời gian ngắn nhất có thể sưu tra chú giải cho từng bài chánh kinh thì nên liên lạc trao đổi với các vị đó.
    Đại kỵ là thấy vị đó hiền, có hảo tướng,… tôi sợ lắm. Làm ơn lấy dùm tôi tiêu chuẩn đầu tiên: Vị đó phải có khả năng sưu tra, trích lục chú giải cho từng bài chánh kinh. Mà trong room mình, báo tin vui là tôi đã dò khoảng chừng, bữa nay chắc khoảng chừng 6 vị, 8 vị cư sĩ mà trong đó nam tôi thấy chỉ được có 2 thôi, đa phần là nữ không và đều là 40 trở lại hết. Nhớ. Cái đó quan trọng.
    Rồi. Giờ tôi trở lại Chánh kinh.
    Đặc biệt Ngài tán thán bà Khujjuttara, bởi vì bà là cư sĩ tinh thông kinh điển. Bởi vì, nói gì thì nói, nói hạnh này hạnh kia chứ cuối cùng vẫn là Giáo lý. Chánh pháp mà tồn tại hai mươi mấy thế kỷ qua cũng nhờ mấy cha có giáo lý chứ mấy cha hạnh này hạnh kia mấy cha đó cũng là cái cột nhà đó không phải không đâu nhưng nếu chỉ là hạnh này hạnh kia mà để giáo lý qua một bên thì bây giờ cái đạo mình nó ngộ lắm.
    Tôi nói vậy, các vị về nằm đêm suy nghĩ coi có đúng không? Như giòng họ mình ông này ổng hiền, ông này ổng đẹp trai, ông này ăn nói dễ thương,… nói vậy chứ không chắc ăn bằng ông này bác sĩ, ông này luật sư, …đó, mấy ông đó mới là rường cột của gia tộc, chứ còn nói cha này hiền, cha này đẹp trai, tôi cũng sợ lắm, vì cái hiền, cái đẹp trai ra đường nhắm mắt lại rờ nó dễ đụng lắm. Chứ còn ba cái vụ người có căn cơ nó vẫn chắc ăn hơn. Tốt nghiệp đại học chắc ăn hơn.
    Ở đây cũng vậy. Muốn trở thành đệ nhất Thinh văn vẫn tiếp tục tu Ba La Mật y chang như Chánh Đẳng Giác, y chang như mấy vị khác. Có điều là tâm nguyện. Nguyện trở thành một người mà đệ tử đệ nhất trí tuệ của một vị Phật nào đó trong tương lai.
    Trong chú giải ghi thế này, bất cứ hạnh nào sau khi mình phát nguyện mình phải bổ sung những điều kiện cần và đủ cho hạnh nguyện đó. Đó là chưa được thọ ký mình phải tự quơ quào.Khi được thọ ký rồi, tự nhiên, do tác động của đại nguyện được chư Phật xác nhận, cái đó quan trọng lắm, người đã được thọ ký tự nhiên họ có được sức nhớ tiềm thức, từ đó do tôi đặt ra, trí do tiềm thức. Có nghĩa là, như ngài Anuruddha – Đệ nhất thiên nhãn, đời đời đẻ ra ngài thích bố thí ánh sáng. Ngài không cam tâm khi thấy ai tăm tăm tối tối, không đèn không đóm, không dầu, không điện ngài chịu không có được. Vô chùa, ngài thấy ngài chịu không được, gặp đền tháp thiếu điện, thiếu dầu ngài chịu không được, mà ngài gặp người ta sống thiếu ánh sáng ngài chịu không được. Đời đời do cái nguyện thành đệ nhất thiên nhãn, ngài có cái khuynh hướng đó.
    Giống như ngài Xá Lợi Phất, từ lúc ngài nguyện thành đệ nhất trí tuệ là cơ hội nào học hỏi, lắng nghe, ghi chép, cắm cúi, nghiên cứu, sưu tra, trích lục, là ngài làm tuốt. Không bỏ lỡ cơ hội. Ngài Mục Kiền Liên đệ nhất thần thông. Đời đời kiếp kiếp sanh ra ly dục, quởn quởn xếp bằng, quởn quởn xếp bằng đắc hay không tính sau. Quởn quởn xếp bằng “hít vô, thở ra, xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió,…” cứ suốt như vậy.
    Theo đuổi hạnh nào, chuyện đầu tiên phải là Ba La Mật = Không bỏ qua bất cứ hạnh lành nào.
    Thứ hai, chú ý xem hạnh mình cần cái gì. Thí dụ, muốn đệ nhất trí tuệ thì nhớ coi có bao nhiêu điều kiện hỗ trợ trí tuệ? Thì mình nhớ có 3, dốt như con bò cũng phải nhớ có 3: Văn – Tư – Tu. Văn là không bỏ lỡ cơ hội học hỏi, Tư là thường sống trong chiêm nghiệm, Tu là có cơ hội Chỉ - Quán là không bỏ qua. Đó được gọi là điều kiện hỗ trợ trí tuệ. Chỉ cần làm 3 cái này thì muốn nguyện Chánh Đẳng Giác còn được chứ xá gì đệ nhất, đệ nhị Thinh văn.
    Ok.

    Mưu sinh hàng ngày
    Hỏi: Có bài kinh nào đức Phật dạy về mức độ trách nhiệm thế nào là đủ mà một người cần có trong công việc mưu sinh hàng ngày?
    Đáp:
    Trong Trường Bộ, đức Phật có dạy rằng: Một người cư sĩ, tài sản nên chia thành 4 phần:
    1. Trả nợ cũ = Ơn cha, nghĩa mẹ, người có ơn với mình, mình lo cho họ là trả nợ cũ.
    2. Cho vay nợ mới = Nuôi vợ nuôi con, bạn bè thân hữu, chòm xóm, láng giềng,… là cho vay nợ mới.
    3. Liệng hố sâu = 1/4 mình xài cho riêng mình.
    4. Chôn để dành = Làm phước bố thí, cúng dường cho người hơn mình, bằng mình và thua mình.
    Khi Ngài nói tài sản người cư sĩ chia thành 4 vậy thì tự mình hiểu. Mình trả nợ cũ, mình trả vậy đủ chưa? Có hiểu không ta?
    Hỏi trách nhiệm bao nhiêu là đủ, cứ dò cái đó. Ngài nói tài sản mình chia thành 4 phần mà, đúng không? Mình ngồi mình nghĩ coi. Nợ cũ mình trả vậy đủ chưa? Nếu chưa đủ là trách nhiệm mình chưa tròn. Rồi cho vay nợ mới, những người để mình đầu tư nợ mới, mình cho vay, mình lo vợ con vậy đủ chưa?
    Đủ là sao? Về tinh thần, về vật chất, về giáo dục, về y tế, về truyền thông, về đi lại. Đây là bốn cái nhu cầu căn bản của một con người mình nhắm mình lo đủ chưa? Đối với con mình thì phải y tế, giáo dục, đi lại, truyền thông, tin tức, sách vở. Đối với bà xã thì chắc bả hết học rồi, vấn đề giáo dục mình lơ nhưng mà mình lo cho bả những vấn đề gì? Đi lại, y tế, sinh hoạt thường nhật,… đúng chưa? Bản thân mình thì dễ mình coi nhu cầu nào cấp thiết, không cấp thiết thì thôi.
    Tiết kiệm nhưng không hà tiện. Rộng rãi nhưng không phung phí. Đó là về phía mình.
    Trong kinh nói, có người:
    1. Rộng với người hẹp với mình.
    2. Rộng với mình hẹp với người.
    3. Đối với người với mình đều rộng.
    4. Đối với người với mình đều hẹp.
    Mình coi mình là hạng nào.
    Cái cuối cùng là chôn để dành. Tùy mình, mình muốn chôn bao nhiêu. Mình thấy chôn nhiêu đó đủ rồi thì vậy mình hết, còn nếu mình muốn chôn nhiều để mai mốt có xài nhiều thì biết kiếp nào cho nó hết.
    Cái này, tôi chỉ mở ra cho thấy thôi. Còn nữa. Trong Tăng Chi có nhiều bài kinh, có trong Kālāma các vị không có đọc. Tôi nghe câu hỏi là tôi biết không có đọc Kālāma. Tại chê. Tôi nói lần nữa, sách của tôi, tôi giới thiệu tôi ngại lắm, riêng Kālāma tôi không ngại, là vì sao? Vì Kālāma là Chánh kinh, có xuất xứ, có bản Pāli, các vị không phải đọc của tôi. Nhớ.
    Trong đó dạy thế này, có những bài kinh đức Phật nhấn mạnh: Một người cư sĩ, dùng Chánh mạng để kiếm vật chất nuôi thân và thực hiện những việc ngoài ra. Những việc ngoài ra là gồm những gì?
    (1) Với người trên mình = Cha mẹ, người hữu ơn, sa-môn, bà-la-môn, tức là những người tu hành.
    (2) Với người bằng mình = Đối với vợ con, bằng hữu, …
    (3) Với kẻ dưới = Kẻ ăn người ở trong nhà, người cơ nhỡ đói lạnh, chim muông súc vật,… mình thương.
    (4) Có lòng nghĩ tưởng đến hàng khuất mặt khuất mày, trong tiếng Pāli gọi là balikamma, tiếng Việt Nam mình kêu là cúng quải.
    Có nghĩa là ngoài chuyện hồi hướng. Tôi biết, trong room này nhiều người nghe cái này cũng sốc, nhưng mà đó là tôi có coi kinh điển đàng hoàng. Mình cư sĩ mình không nên thờ ông tà ông Táo, Thổ địa, Thổ công, mẹ sanh mẹ độ thì không cần, nhưng mà mình ở trong một góc vườn nào đó đẹp đẹp, có đất rộng, đẹp đẹp mình cũng làm bon-sai, giả sơn, mình cũng có khấn nhẹ “Mong cho vị nào ở đây cũng có chỗ ở, an lạc nha”. Mỗi lần mình ra mình nhổ cây nhổ cỏ mình nhớ: “Tôi làm phước tôi hồi hướng nha” “Cây trái trong vườn thích thì cứ ăn nha”. Bởi vì có những loài họ ăn được. Có. Có những loài họ ăn được, có những loài họ chỉ sống bằng phước hồi hướng, có những loài họ ăn thực phẩm của riêng họ. Nhưng có những loài họ ăn được đồ của mình, họ ăn bằng cách họ ăn cái lòng của mình, mình nghĩ tưởng là họ thích. Họ ăn bằng cái màu, cái mùi của nó. Có. Có những loài đó. Nhớ.
    Một người cư sĩ luôn luôn nhớ đến, tài sản của mình gồm cho : (1) Người trên mình, (2) Người bằng mình, (3) Người dưới mình và (4) Những người mình không thấy. Nghe kịp không?
    Nếu mình thấy những chuyện đó mình thấy mình làm được rồi thì coi như mình xong trách nhiệm. Còn nếu mình thấy mình chưa tròn thì trách nhiệm chưa xong.
    Tôi chỉ nói tới đó thôi chớ bây giờ bà cố tôi cũng không biết thế nào là tròn nữa. Khổ quá.
    Giống như bây giờ quý vị hỏi “Sư ơi sư, giờ con muốn hộ trì sư sao cho tròn trách nhiệm?” Thì tui nói. “Ờ, cứ mỗi năm, con đổi iPhone, iPad cho sư, rồi mỗi năm con đổi mắt kiếng mới cho sư gồm có: kiếng cận, kiếng độ và kiếng mát; mỗi năm con kiếm vài bộ đồ ấm Cashmere, sư mặc len ngứa, mỗi năm sư chỉ mặc vớ Sigvaris compressed sock, mỗi năm sư chỉ mang giày Ý thôi ” Thí dụ vậy thì con làm được vậy thì con tròn trách nhiệm. Cho nên cái đây tôi đâu nói được, tôi đâu có biết. Tôi chỉ nói, hộ trì là hộ trì vậy, các vị tùy sức, nếu thấy đủ rồi là hết trách nhiệm. Còn nếu mà chưa tròn như ý mình nghĩ thì chưa hết trách nhiệm. Ok, xong rồi.

    Thực phẩm thích hợp
    Hỏi: Chúng sanh cõi khác nhau có thực phẩm khác nhau, nghiệp khác nhau, em dâu con nói nhìn thấy người cảnh giới khác đếm tiền mình cúng đốt cho họ. Con nói không có chuyện ấy nhưng con không giải thích được, xin sư chỉ dạy.
    Đáp:
    Nó như thế này. Trong room này không biết ai biết đánh chữ Pāli không? Trong Chánh tạng, không phải Chú giải, Chánh tạng có chữ này: Manuññabhojhana = Thực phẩm thích hợp.
    Mỗi loài có những loài thực phẩm, như nãy tôi nói, đặc biệt, là tuy họ không ăn như mình, họ không ăn mà làm cho nó mất đi mà Họ thích ăn tấm lòng của mình, họ thích ngửi mùi.
    Các vị hỏi kinh nào. Dễ ẹc. Trong chú giải, phần giải về Càn-Thác-Bà, chữ Gandhabba, họ thích ngửi mùi thôi, chứ họ không ăn làm mất trái đó, không có. Họ chỉ ngửi mùi của trái, hoa, củ, rễ, lá. Họ ngửi cái mùi đó thôi.
    Trường hợp bà kia nói thấy người đó đếm tiền, có 2 trường hợp:
    1. Do bả thấy nhầm, bả ảo giác. Xưa nay trong đầu bả tin chuyện đó. Khi cái đầu mình tin chuyện đó, mình dễ thấy như vậy lắm. Không biết nói vậy có hiểu không? Khi mình tin chuyện gì đó mình dễ thấy nó giống vậy lắm. Thí dụ, mình sợ rắn, mình nhìn đâu cũng thấy rắn, sợ ma nhìn đâu cũng thấy ma, đại khái như vậy.
    2. Trường hợp thứ hai. Kể cả trường hợp đương sự, vị phi nhơn họ đếm, cũng không có gì lạ.
    Bởi vì lúc họ sống họ là người tin cái đó, và các vị nên nhớ nha. Khi sanh làm phi nhơn, họ có thể thấy, họ có thể nghe, họ có thể biết nhiều chuyện hơn người bình thường, đúng, vì họ sắc tế mà. Nhưng nếu trước đây họ là người si mê, tà kiến, thì bây giờ họ vẫn tiếp tục sống với cái si mê, tà kiến đó. Có nghĩa là sao? Cái đó không giúp được cho họ nhưng họ vẫn thích. Họ vẫn thích, thí dụ thấy người ta cúng bái họ cũng thích họ lại họ cũng cầm, họ cũng chọc. Cho nên, có những trường hợp trái cây nó bị hư rất là nhanh. Hoặc là chè cháo để trên bàn thờ nó bị ôi thiu rất là lẹ. Nó không ăn mà nó thích vọc. Thích vậy đó. Chỉ có hạng phi nhân chánh kiến, có trí tuệ khi đã sanh cảnh giới thấp kém rồi, họ chuyên tâm nghe kinh, nghe pháp, không quấy rối người khác, không bận tâm chuyện tầm bậy tầm bạ, tối ngày chỉ chuyên tâm lắng nghe đạo để chờ ngày đủ duyên mà đi. Chứ còn hễ người bình thường không biết đạo thì họ cũng vẫn quay lại với hiểu lầm, với ngộ nhận, với tham, thích, ghét, sợ, trước đây, thuở làm người, giờ họ vẫn như cũ. Họ vẫn thích con nít. Làm phi nhơn rồi mà vẫn thích vô đùa giỡn với con nít, làm cho tụi nó nhiều khi khóc giữa đêm, dạ đề. Có trường hợp đó, chọc phá, rồi thích báo mộng người này, thích báo mộng người kia, thích trèo lên tuột xuống cho người ta thấy chơi, hoặc là người đang ngủ vén màn nhìn cười cười.
    Thí dụ mình biết, cô Thanh Nga, ở chùa nghệ sĩ Gò Váp, có nhiều tay bữa tình cờ tôi đọc thôi chớ tôi đâu có lục cái đó chi. Cổ linh lắm, cổ làm cái loài gì đó, đã đi đầu thai rồi mà làm loài gì đó, cứ quởn quởn bả vén cái màn bả nhìn mấy người đang cúng bả cười. Thanh Nga, đứng cười cười vậy đó. Vui lắm. Hoặc là có ông diễn viên nào cũng được chôn trong đó mỗi năm bạn bè tới cúng xong uống trà uống nước suối, bày uống mà quên mời, lúc nào cũng phải để cái ly, là “Cái này của Lê Công Tuấn Anh nghe” nói vậy đó, rồi rót vô thì được. Mà bữa nào quên mời, là cái lá còn xanh nó bứt nó liệng vô ly mấy người kia, cho khỏi uống luôn. “Tui không được mời mấy anh khỏi uống luôn”. Mitchell Võ, Như Mỹ đang ngồi, lựa cái ly của mình, nó lấy lá còn tươi nó liệng vô sao uống? Lúc nó liệng là mình nhớ “À, quên mời, quên mời” Lấy cái ly không để đó, kêu “Ly này của Tuấn Anh nghen, Lê Công Tuấn Anh nghen” là ok. Linh vậy đó.
    Họ không phải họ thèm khát gì đâu nhưng họ thích, họ sống bằng tâm tình, cái cảm xúc, cái ngộ nhận, cái tà kiến của ngày xưa. Mình thì mình nhìn vô mình tưởng chắc nó cũng đòi ăn đòi uống. No. Nó khoái vậy đó, tham dự những cuộc vui vậy thôi. Không có răng mà thấy nó ăn lết lết lại dòm.

    Truyền thống Thiền
    Hỏi: Ở Kālāma sư mời nhiều truyền thống về dạy, có dẫn đến hệ lụy dòng thiền nào mình cũng thấy có cái tâm đắc không nên theo dòng thiền nào không?
    Đáp:
    Tôi nếu cho tôi hỏi thì tôi sẽ nói thế này.
    Thà là tôi dọn nguyên một bàn, ai muốn ăn gì thì ăn còn hơn tôi dọn có 1 món một. Hiểu tôi nói không? Cái lòng của tôi muốn làm party thiệt nhiều món, một cái đại tiệc buffet, rồi ai muốn ăn gì thì ăn. Kể cả những món như là chè có nước cốt, ai bị tiêu chảy cũng phải chịu nhưng ít ra buổi party của tôi ăn ngập mặt, tôi thích hơn là mời tới làm miếng cháo trắng với miếng khô quẹt nói “ăn vậy cho nó ấm bụng”. Tôi không chơi đểu vậy. Bạn bè cất công mua vé máy bay bay qua, phát cho đứa chén cháo trắng, miếng khô quẹt kêu “ăn vậy cho nó chắc bụng” thì cái đó tôi không chơi. Mà tôi cho nó ăn món chánh 10 món, tráng miệng 10 món, nước uống 10 món, đứa nào nó hợp cái nào nó ăn. Nó ăn xong, đứa bị bón, đứa bị tiêu chảy, đứa bị ói là chuyện của nó, nhưng party của trẫm là phải mênh mông. Đó là chuyện thứ nhứt. Nói về đời.
    Nói về đạo, tôi biết cái nào là tốt cái nào là xấu đâu mà tôi lựa cho quý vị. Tôi chỉ tin vào Miến Điện thôi, vì Miến Điện cao tăng nhiều, cái nào bậy cái đó không tồn tại được. Tôi chỉ biết nhiêu đó thôi. Bên bển cao tăng nhiều, cho nên cái gì bậy cái đó không tồn tại được. Cái gì cũng phải có lý do để nó tồn tại trên đất Miến. Đó là cái thứ nhất.
    Cái thứ hai, có khi quý vị hợp với truyền thống này mà không hợp truyền thống kia.
    Cái thứ ba, tôi không thờ riêng truyền thống nào hết, là bởi vì, bản thân tôi thấy truyền thống nào cũng cái hay và có cái tôi chưa hiểu tới. Chứ tôi không xài chữ dở nha. Tôi chỉ nói là truyền thống nào cũng có cái hay và có cái tôi chưa hiểu tới. Cho nên, tốt nhất là tôi mời về.
    Còn quý vị nào mới vừa hỏi, thì tôi xin nghiêm túc, khẩn khoản đề nghị: Nếu yếu bụng, dễ chột dạ thì nên ở nhà, trùm mền tu một mình chứ đừng đi Kālāma bởi vì vị đó đi sợ bị khùng, ở nhà khùng một mình đi, nha. Trùm mền rồi khùng một mình. Còn ai có gan thì tôi xin mời qua bên Kālāma, để làm quen với tất cả các truyền thống. Người ta giúp mình tìm ra con người mình, mình hợp cái gì. Còn vị nào thấy nhát quá, hoặc thấy mình ngon lành quá cứ ở nhà trùm mền và tự tu tự đắc, hoặc tự khùng một mình mình. Ok.


    Mục lục
      1. Pháp đàm 04/09/2022
      2. Pháp đàm 18/09/2022
      3. Pháp đàm 25/09/2022
      4. Pháp đàm 02/10/2022
      5. Pháp đàm 09/10/2022
      6. Pháp đàm 16/10/2022
      7. Pháp đàm 23/10/2022
      8. Pháp đàm 30/10/2022
      9. Pháp đàm 27/11/2022
      10. Pháp đàm 04/12/2022

      ← trở về trang Vấn Đáp

      © www.giacnguyen.com