← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 18/09/2022
BTC xin tri ân cô Hồ thị Vui ghi chép

  • Thể dục công cộng
  • Buông bỏ
  • Tự tử
  • Không thấy được Khổ
  • Trợ tử
  • Nhập thiền Quả
  • Tu
  • Thọ Tưởng Hành
  • Diêm Vương Quỷ Sứ
  • Vô Minh
  • Quan sát tâm rỗng không
  • Giảm tính nhút nhát
  • Tuệ Quán tiến lui sụt
  • Người nữ tu chứng
  • Thánh Sơ quả
  • Satta
  • Nguyện tái sinh
  • Đo lường
  • Tăng Bảo
  • Linh hồn trường tồn

  • Nhận thức của bậc Thánh
    Hỏi: Kinh Vô Ngã Tướng có câu “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Xin sư giải thích.
    Đáp:
    Đó là nhận thức của bậc Thánh ngay sau khi chứng quả La Hán. Mình còn phàm thì từ vô thủy luân hồi chưa bao giờ mình có nhận thức như vậy về bản thân, nhưng khi vị chứng quả La Hán thì ngay khoảnh khắc đó vị đó biết, kể từ bây giờ không còn tái sanh nữa.
    Phạm hạnh đã thành = Chuyện tu học đã hoàn mãn.
    Gánh nặng đã đặt xuống = Gánh nặng phiền não, gánh nặng tái sinh không còn nữa, đây là kiếp sống cuối cùng vị đó giống như ngồi chờ đủ duyên để ra đi. Ngọn đèn hết dầu không cháy nữa. Con thuyền không còn giong ruổi trên biển đời tử sinh nữa, giờ nó lên bờ nằm chờ mục rã. Đoạn đó nói lên cảm nhận, nhận thức của vị La Hán về bản thân mình.

    Thể dục công cộng
    Hỏi: Một nhà sư có được vào phòng thể dục công cộng không? Khi thấy không hoan hỷ có phạm tội bất kính không?
    Đáp:
    Trong Luật tạng, đức Phật Ngài có dạy 4 pháp dung hòa (Mahāpadesadhamma):
    1. Những điều nào đức Thế Tôn không cấm vì thời Ngài không có, thì Ngài không cấm, mà mình xét thấy không nên thì nên tránh.
    2. Có điều Ngài không cấm nhưng mà nó không đi ngược lại luật đạo luật đời thì ok. Thí dụ như thời đức Phật không có chuyện ông sư đi máy bay, Ngài không cấm nhưng xét thấy chuyện đó không có gì kỳ thì đi ok. Không trái luật đạo không trái luật đời thì tùy duyên.
    3. Ngài chưa cho phép nhưng mà mình xét thấy so với luật đời luật đạo nó có chỗ hơi bất ổn thì mình nên tránh.
    4. Ngài chưa cho phép mà xét luật đời luật đạo ok thì nên làm.
    Như vậy thì bốn điều này nói gọn có 2 thôi. Tức là, điều nào dầu Ngài chưa cho phép hay là chưa cấm nhưng xét luật đời, luật đạo ok thì mình có thể tùy duyên. Còn điều nào Ngài chưa từng nhắc tới để cho phép hoặc cấm chế nhưng mà xét luật đời luật đạo nó không được tốt thì nên tránh. Đó là phần 1.
    Phần 2, giới luật của đức Phật có tới mấy trăm điều dành cho tăng ni, tăng 227, ni 311 nhưng mà sở hành của phàm phu nó vô số cho nên Ngài cấm sao cho hết. cho nên toàn bộ tạng luật gom lại có 2 thôi:
    1. Cái gì đức Phật chính thức nhắc đến trong mấy trăm giới của tỳ-kheo dứt khoát vị tỳ-kheo không vi phạm. Cái đó gọi là Paññatti vinaya.
    2. Nhưng có trường hợp thứ 2 là Lokavajja vinaya có nghĩa là có những điều luật tuy không chính thức nằm trong giới cấm nhưng nó nằm trong phần Lokavajja có nghĩa là nó có thể trở thành cái bia cho thiên hạ nhắm bắn. Trong trường hợp đó, tăng ni nên tránh.
    Khi thấy vậy không hoan hỉ, có phạm bất kính không?
    Tôi không giải thích, tôi chỉ kể câu chuyện thôi.
    Trong Chú giải, commentary của Kinh tạng có kể câu chuyện. Một ông thiện nam buổi sáng thỉnh chư tăng đến nhà cúng dường. Rất là cung kính từng vị và từng vị, ông chăm sóc thức ăn, nước uống rất là cung kính, không có phân biệt vị nào hết. Đó là buổi sáng.
    Nhưng mà buổi chiều có vị đến nhà ổng mượn cuốc để làm việc. Ổng lấy chân hất cuốc nói “đây nè, sư lấy cái này sư dùng” ổng lấy cái chân hất chứ không đưa bằng tay, ổng biết vị đó không có giới.
    Trong đó giải thích, buổi sáng, khi cúng dường là ổng cúng dường bằng chủ ý nhắm đến phước điền Tăng Bảo. Nhưng buổi chiều ổng chỉ nghĩ đây là quan hệ giữa cá nhân với cá nhân. Tôi không nể anh, tôi biết anh không đáng để tôi kính nể thì Ok. Đâu có luật nào cấm người cư sĩ bày tỏ cảm nhận, cảm xúc trước một vị tăng mình bất kính.
    Trong luật, chư tăng với nhau thì bắt buôc, vị nhỏ hạ phải tôn trọng vị lớn hạ, dầu vị lớn có bầy hầy cách mấy thì khi nào tăng sự hẵng tính nhưng khi Tăng chưa đem ra xử thì nhỏ hạ phải tôn trọng lớn hạ. Giống như trong quân đội, phải có quân phong, quân kỷ, quân giai gạch trạch phải rõ ràng.
    Nhưng quan hệ cư sĩ – nhà sư là khác. Họ, mình kêu họ là cư sĩ cho vui chứ họ thích thì họ làm cư sĩ, không thích không làm cư sĩ, họ thích thì họ chào, họ không thích thì họ không chào. Chuyện đó chuyện bình thường, mình không trách được họ. Đại khái vậy.

    Buông bỏ
    Hỏi: 1/ Trong cuộc sống con cảm thấy người thường nghĩ cho người khác thì hay gặp chuyện thiệt thòi, thường bị ức hiếp, vậy theo tinh thần Phật giáo, khi gặp chuyện thiệt thòi có phải nên chấp nhận và buông bỏ hết không? Có trường hợp nào nên đấu tranh hoặc được đấu tranh vì lẽ phải không?
    2/ Buông bỏ theo tinh thần Phật Pháp có phải là mình mặc kệ và không phản ứng lại bất cứ điều gì hay không?
    Đáp:
    Tôi trả lời câu 2 trước.
    Trong kinh có câu thế này, con rắn dầu nó có tu cách mấy, thỉnh thoảng nó phải biết khè, biết khì chứ không người ta tưởng nó là sợi dây người ta lấy cột củi thì kẹt, mà nó cắn. Nghe kịp không? Mình cũng phải khè khè chút, còn không mình bò, trườn tránh chỗ khác chứ để người ta đày đọa, vùi dập mình thì oan uổng lắm. Cho nên, Khổng Tử nói : Lòng hại người không nên có, lòng đề phòng không nên không.
    Trả lời câu thứ nhứt.
    Trong đời này, chỉ có 2 hạng sống ngược dòng đời:
    1. Bồ Tát có lòng cầu Phật đạo vì lòng thương chúng sinh, xem muôn loài giống như máu mủ của mình không tính toán so đo.
    2. Bậc Thánh thứ nhứt là vì lòng không còn phiền não thương ghét nữa, chỉ có đại bi thôi.
    Chỉ có 2 bậc này mới có teher tự tại giữa dòng đời như người mẹ giữa bầy con hư, giữa một đám con bị tâm thần. Chỉ có 2 hạng này thôi. Bồ Tát & Thánh nhân giống bà mẹ sống giữa đám con bị tâm thần vậy đó, nó cào cấu, nó giựt tóc, nó đấm đạp, mình tránh được thì tránh chứ không giận. Nếu mình nhắm mình không phải 2 hạng này thì thu xếp tránh, không nhất thiết trường hợp nào cũng đối mặt. Nhớ cái đó, cái đó rất quan trọng.
    Chuyện nữa, trong trường hợp mình bị thiệt thòi, nhứt là bị người ta lợi dụng, mình cứ nhớ thế này:
    1. MÌnh có giá trị gì đó thì người thì người ta mới lợi dụng. Phúc thay cho kẻ nào sống ở đời còn có cái cho cuộc đời nó lợi dụng. Sợ nhất là sống ở đời mà không có gì cho chúng sanh lợi dụng, nghĩa là mình vô dụng. Chỉ có hạng vô dụng mới không bị người ta lợi dụng.
    Tuy nhiên, đạo Phật là Từ Bi và Trí Tuệ song hành. Thương nhưng mà không để đời chà đạp, vì mình nhớ thế này: Mình phải quý thân mạng này mình tiếp tục tu. Vì “thân người khó được, Chánh pháp khó gặp”.
    2. Thứ hai, mình phải biết quý thời gian. Thời gian tu học hiếm lắm. Thân người khó được nên thời gian có thân người cũng khó, mà bây giờ mình phải tiếp xúc với người làm mình mất thời gian không đáng. Ok, tui không giận anh, tui là một bà mẹ tui nhìn anh giống như đứa con tâm thần, nhưng mà có điều, vì tôi thờ Phật và tôi coi trọng thời gian tu học của tôi. Anh tấn công tui không giận nhưng tôi sẽ không mất thời gian với anh nữa. Tôi kiếm chỗ tôi tu.
    Đó là câu trả lời của tui, còn tùy hỉ các vị có muốn theo không thì mặc.

    Tự tử
    Hỏi: Khi về già ko chồng, không con, không có kinh tế, vì không muốn làm gánh nặng cho người khác, muốn ra đi sớm bằng cách tự tử có được không?
    Đáp:
    Tôi mới vừa nói “Chánh pháp khó gặp, thân người khó được”. Nếu là tôi. Thôi bây giờ tôi nói tôi đi. Tôi nói tôi đi, còn chuyện các vị có muốn theo không thì tùy, còn không nữa hỏi ông thầy khác. Tôi trả lời theo kiểu tôi đó là trường hợp của tôi.
    Khi tôi hiểu “Chánh pháp khó gặp, thân người khó được” , bởi vì người hỏi câu này dứt khoát là Phật tử. Nếu là Phật tử, không lý nào không biết câu “Chánh pháp khó gặp, thân người khó được” thì tôi sẵn sàng đi ăn mày, hoặc tôi đi bán vé số, hoặc tôi đi bưng bê để tôi về tôi sống chánh niệm, tôi nghe pháp. Tôi coi chùa nào từ bi, tôi không muốn làm phiền chùa đâu, chỉ cho tui ngồi bậc thềm nghe kinh, tối tui chui xuống gầm cầu tui ngủ cũng được, chùa thương thì cho ngủ, chùa không thương thì ra gầm cầu. Nhưng, tôi không hủy thân này. Mà tôi dùng thân này chiêm nghiệm những giây phút cuối đời.
    Bởi vì, cơ hội làm người biết Phật pháp cực hiếm, hiếm lắm. Bây giờ các vị có chết rồi, đầu thai làm vương tôn công tử, tiểu thư khuê các mà không biết Phật pháp thì còn tệ hơn là một bà già cà xịch cà xuội biết Phật pháp. Nhớ cái đó. Nếu mà tin Phật, còn không tin thì thôi.
    Nếu tin Phật thì hãy nhớ rằng: Thà làm một bà già xứt xuội mà biết Phật pháp còn hơn làm cô chiêu cậu ấm mà không biết Phật pháp. Nếu như vậy thì mình nên thà đi bán vé số, thà đi ăn mày, đủ sống thôi rồi về sống chánh niệm, cứ theo dõi hơi thở hoài, chờ chết. Thì đó là tôi trả lời theo quan điểm của tôi, các vị theo không thì tùy.

    Không thấy được Khổ
    Hỏi: Con cũng biết được làm người rất khó, mà gặp được Phật Pháp càng khó hơn, được nghe Sư giảng cũng có chút hiểu biết, nhưng sao con cũng chưa thực thấy khổ để mà ráng lo tu tập, mặc dù có tu chút chút nhưng còn dãi đãi, còn mê xem phim - cũng biết nó cản trở việc thiền của mình. [Cũng không biết tận dụng cơ hội này để tạo nghiệp lành kiếp sau. Sao con còn vô minh quá, mặc dù biết về lý thuyết, nhưng không ngăn được ham muốn... Sư có cách nào giúp con bớt xem phim mà ráng lo tu tập không?]
    Đáp:
    Nói vắn tắt hiểu rồi. Đã dốt còn hỏi dài nữa. Nó như thế này. Ngày xưa, cách đây khoảng chừng vài năm về trước mấy câu này tôi nói dài lắm. Giờ tôi nói ngắn thôi.
    Thiếu duyên giải thoát như trâu như bò uống nước đục vậy đó. Không biết nước trong nó có thiệt ở đời. Tôi nói hơi nặng. Thiếu duyên giải thoát thì dầu sống trong chùa cũng không thiết tha. Chứ nếu có duyên giải thoát, nhìn người già, người bệnh, nhìn xác chết, nhìn đám ma không đủ run hay sao? Mà nói rằng không thấy đời là khổ?
    Sống chánh niệm một chút, chỉ cần bỏ ra một ngày thôi, bỏ ra một ngày thôi, theo dõi thân tâm này coi nó có phải là một của nợ hay không? Bỏ ra 1 ngày nhìn quanh thiên hạ coi cuộc đời này có ai đáng cho mình chung đụng không? Không. Người, không có người nào đáng cho mình gần gũi, gặp gỡ hết, cho dù đó là mình sư, thì họ cũng để cho mình học đạo, chứ ở gần khổ lắm.
    Tôi nói thẳng luôn, bữa nay tui nói huỵch toẹt luôn.
    1. Không có người nào đáng để mình sống gần hết. Minh sư thiện hữu là tới học đạo với họ, mình về sống mình mình, đó là cái khổ khi chung chạ, đừng nói vợ chồng, cha mẹ, con cái, bạn bè.
    2. Còn nói về thân này. Thân tâm này sống chánh niệm một chút đi thì nó khổ toàn tập.
    Nếu 2 cái này mình vẫn không đủ duyên thấy thì tôi cạn lời, khô máu với người này. Tôi không có hứng thú nói chuyện với người đó. Bởi vì, đám ma, xác chết, người già, người bệnh bày đầy ra đó mà nói vẫn không thấy đủ sợ thì cạn lời.

    Trợ tử
    Hỏi: Khi người chấp thuận để bác sĩ gây tử vong cho người thân tàn tật đau đớn vì bệnh nan y kỳ cuối thì đối với Phật giáo có tội không?
    Đáp:
    Nó có trường hợp thế này, bên Việt Nam, mấy xứ Châu Á tôi không rõ, nhưng tôi biết bên Âu Mỹ có trường: Khi người ta còn trẻ, còn khỏe, còn minh mẫn thường là người ta có chuẩn bị, nhiều người họ có chuẩn bị, có giấy tờ đàng hoàng là không muốn kéo dài, nếu có bề gì thì xin trong bệnh viện tự giải quyết lấy, hoặc là ngay lúc tỉnh táo họ có thể viết giấy xác nhận họ không muốn sống tình trạng thực vật, ngay trong lúc tỉnh táo họ có thể viết giấy xác nhận mình hiến tạng.
    Không phải room này, nhưng room khác, nghe tôi giảng chỗ này có người hỏi tôi: hỏi sư nói vậy, sư hiến không? Tôi nói thế này: Tôi không chính thức làm giấy hiến vì tôi còn đi lại nhiều nơi. Nhất là châu Á, khi nó soát giấy tờ mà thấy tui có cái “Hiến” mình chưa chết nó xin trước, tại chưa đến lúc đi, mà nó thấy “hiến” nó xin trước, thì cũng mệt lắm. Chứ còn tiếc thì mình đã chết rồi thì tiếc cái gì.
    Cho nên, khi người thân mình có ý họ có nói trước là họ muốn đi sớm, không muốn bị đày đọa trong tình trạng trọng bệnh. Nếu họ đã nói trước, thì mình đem ý đó bàn với bác sĩ, chính bác sĩ là người quyết định, hoặc mình bàn bà con tộc họ, thân bằng quyền thuộc mình lấy ý kiến đám đông, chứ riêng tôi tôi không dám tự quyết. Tôi nói thẳng. Thí dụ bà già tui, tức là mẹ tui đó, mà khi như vậy, tui sẽ hỏi ý bác sĩ.
    Hỏi bác sĩ 2 câu: Có cách nào mẹ bớt đau không ? Thì bác sĩ sẽ cho tui biết. Bác sĩ nói thêm: Có, nhưng cách đó phải đi, thì phải hỏi ý kiến thân quyến, bà con chứ riêng tôi thì tôi không dám. Bởi vì, mẹ mà. Đó là mẹ ruột thì tôi không dám. Ngay cả, chuyện bấm nút lò thiêu, nếu tui trong hoàn cảnh bẩm tui cũng không bấm, vì biết đâu. Một trong một tỷ, bà cụ còn sống thì tui giết mẹ hay sao? Cho nên, không. Bấm nút tui cũng không dám bấm. Đừng nói chi chuyện mẹ tui, người thân tui trong tình trạng ngắc ngoải, nhứt là điều kiện khoa học bây giờ thì tôi xin tăng cường thuốc giảm đau tối đa. Còn chuyện họ có mê hay không chuyện của họ.
    Kêu quyết định cho người thân ra đi thì tôi không dám, đối với tôi đó là sát sanh.
    Thứ hai, tuy biết đời phù du nhưng thà trông đợi kỳ tích chứ còn tôi không dám là người quyết định đưa người thân đi lúc họ không biết gì hết.
    Đó là tôi đang nói quan điểm của tôi. Nha.
    Theo trong luật tỳ-kheo, một vị tỳ-kheo không được trực tiếp, gián tiếp đẩy người khác vào chỗ chết, kể cả trường hợp gợi ý. Nãy giờ tôi trả lời theo luật. Nha.

    Nhập thiền Quả
    Hỏi: Một vị thánh không có thiền định nghỉ ngơi bằng cách nhập thiền thánh quả được không?
    Đáp:
    Không. Tuyệt đối.
    Nếu vị đó có chứng thiền vị đó nghỉ ngơi bằng cách nhập thiền. Nếu vị đó không chứng thiền thì vị đó nhập thiền Quả bằng cách quay trở lại.
    Câu này có 2 nguồn ý kiến trái chiều. Có vị nói phải chứng thiền định mới nhập thiền Quả được. Tôi biết thì không cần. Bởi vì, thiền Quả ở đây là gì?
    Nó giống như bên thiền định vậy đó. Mình chứng sơ thiền mình muốn nhập thiền định là mình quay trở lại với đề mục hôm trước chứng sơ thiền thì tâm mình sẽ chìm sâu trong cảnh giới sơ thiền. Còn Thiền Quả là mình chỉ cần quay lại đề mục thiền Quán mà mình đã chứng. Mình cứ quán chiếu Danh sắc, vài hơi thôi, ra, vào ra vào, đang thở ra bằng thọ lạc, đang thở vào bằng thọ lạc, đang thở ra bằng thọ hỷ, đang thở vào bằng thọ hỷ,... chỉ quan sát như vậy lập tức tâm Thánh quả xuất hiện. Tùy, vị đó là Sơ, Nhị, Tam, Tứ quả gì đó thì khi tâm đó xuất hiện thì cảnh đó chỉ là Niết Bàn thôi. Vị đó có thể nghỉ ngơi bằng cách đó. Lúc đó tâm không còn biết cảnh hữu vi, cảnh thế gian nữa mà thuần túy biết cảnh Niết Bàn.
    Có 2 ý kiến cho rằng:
    1. Phải chứng thiền mới nhập thiền quả được.
    2. Nhưng mà tôi biết, tôi đọc tài liệu thứ hai nói có lý hơn, giống như người đắc thiền, có thể nhập định bằng cách quay lại với con đường mình đã chứng thiền trước đây thì vị nhập thiền quả cũng vậy, muốn nhập thiền quả cứ quay lại cách nào mình đã chứng đạo, quay lại cách đó nhập thiền quả.

    Tự đắc
    Hỏi: Khi có đạt được cái gì đó con lại thấy tự hào, tự đắc. Khi ấy, cần làm gì, tu tập gì để giảm thiểu nó?
    Đáp:
    Không tu tập gì hết. Mệt lắm. Bình thường, không tu cho nên mới có câu hỏi như vậy. Tôi nói thẳng như vậy. Bình thường không tu hành gì hết, không học giáo lý, không sống chánh niệm mới hỏi như vậy. Chứ không đợi tới lúc đó mới tu.
    Bình thường mình cứ nhớ:
    1. Mình sống chánh niệm: Làm gì biết nấy. Đó là hạng người tinh tấn,luôn luôn sống chánh niệm.
    2. Còn thứ hai dễ duôi hơn chút, nghĩa là lúc nào cũng nhớ : Chết chết trước sau gì cũng chết, sớm muộn gì cũng chết, chết kiểu nào rồi cũng phải chết, bất cứ ai trên đời này cũng chết. Nếu thường xuyên nhớ cái đó thì còn cái gì để mà tự đắc? Xin lỗi nha, mình đẹp đẹp bằng ai? Mình giỏi, giỏi bằng ai? Mình khôn, khôn bằng ai? Giới hạnh, Thiền định của mình bằng ai? Trí tuệ, Chánh niệm của mình bằng ai. Như con dòi mà tự đắc cái gì?
    Trên đời chỉ có 1 hạng người duy nhất có tư cách để tự hào, tự mãn, tự đắc, tự kiêu, tự đại thôi, đó là: Người không thèm tự đắc nữa. Người không muốn tự đắc nữa, không có khả năng tự đắc nữa, thì người đó mới có tư cách tự đắc. Còn bất cứ ai còn thấy mình có chỗ tự đắc thì người đó không có cái gì để tự đắc hết.

    Tu
    Hỏi: Trong tinh thần Phật giáo thì cần tu để làm gì, và làm gì để tu như một người phàm phu để biết đạo, hiểu đạo?
    Đáp: Câu này thông qua. Bữa nay bắt đầu, đúng là bắt đầu kỳ rồi nhưng mà kỳ trước nó nhạt nhòa lắm, kỳ này bắt đầu, tôi áp dụng 4 cách trả lời:
    1. Có cách trả lời: Để qua một bên. Có những người họ hỏi vì họ hoàn toàn mù tịt không biết gì hết. Tự nhiên ở đâu ngoài đường nghe nói có cái lớp nhào vô hỏi ba xí ba tú. Câu đó tôi thảy qua một bên.
    2. Tôi nghe mùi của người Phật tử, có mùi khói nhang, nhưng không hề thích học giáo lý. Nghe có lớp cũng nhào vô cho người ta biết mình có tu, có học. Cái này tui cũng đẩy qua một bên.
    Câu vừa rồi nằm trong trường hợp đó. Xin thông qua.

    Thọ Tưởng Hành
    Hỏi: Dụng ý của Đức Phật khi Ngài đặt Thọ và Tưởng tách ra khỏi Hành khi Ngài dạy về 5 uẩn?
    Đáp:
    Câu này chút xíu bị đẩy qua một bên. Nếu người hỏi có học giáo lý thì câu này rất hay. Rất hay. Bởi vì, mình phải coi lại định nghĩa Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là gì. Mà kẹt chỗ người hỏi không biết họ có biết 5 cái này hay không? Khổ như vậy đó. Chứ nếu họ biết tôi trả lời rất gọn.
    Đó là, đức Phật, Chánh Đẳng Chánh Giác cho đến chúng sanh thấp kém nhứt ai cũng có Thọ, Tưởng hết. Giống nhau, hoàn toàn giống nhau. Thọ, Tưởng hoàn toàn giống nhau, bởi vì đó là 2 thành tố tâm lý mà bất cứ ai có đời sống tâm thức đều phải có giống nhau hết. Mà đã là thành tố tâm lý thì bắt buộc, 2 thành tố tâm lý tất yếu, người nào cũng giống người nào, thì chữ “bắt buộc” là phải kể riêng.
    Trong khi đó, Hành uẩn là khác. Hành uẩn của đức Phật, của các vị thánh, và Hành uẩn của các vị hữu học, hành uẩn của phàm phu nó khác nhau ngàn trùng. Cho nên không thể nào trộn chung được. Không thể nào trộn chung cái này được.
    Chưa kể cái này là có những cảnh giới có Thọ, Tưởng, có những cảnh giới không có Thọ, Tưởng. Thí dụ, cảnh giới Vô Tưởng, ở trên Vô Tưởng, họ không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, họ chỉ có Sắc uẩn thôi ( Sư nói là Vô Sắc, nhưng mà chắc lúc đó nói nhầm).
    Trong cái Tưởng Uẩn thì cũng tùy cảnh giới mà tưởng khác nhau. Tùy cảnh giới mà cái Tưởng khác nhau, có chỗ đủ 6 tưởng, có chỗ chỉ có 3 tưởng thôi.
    Người mù tịt bắt buộc học A Tỳ Đàm. Lớp này cho đại chúng muôn phương. Cho nên, nếu tôi đào sâu quý vị khùng luôn. Nếu người học A Tỳ Đàm họ không hỏi câu này. Nếu người không học, câu này tôi có giảng kỹ họ cũng không hiểu. Cho nên tôi chỉ nói vắn tắt.
    Thọ - Tưởng – Hành – Thức, trong đó Thọ - Tưởng thì chúng sanh nào cũng giống nhau riêng Hành uẩn nó là khía cạnh thiện ác trong tâm thức của chúng sinh. Và do đó, Hành uẩn của bậc thánh và Hành uẩn phàm phu hoàn toàn khác nhau. Và, hành uẩn ở tầng thánh cao và hành uẩn ở tầng thánh thấp cũng khác nhau rất nhiều.

    Diêm Vương Quỷ Sứ
    Hỏi: Diêm Vương, quỷ sứ ở địa ngục là hạng chúng sanh gì? Họ có thọ hỷ, lạc không? Khi hành hạ chúng sanh trong địa ngục có phải họ đang hành ác nghiệp không?
    Đáp:
    Câu này hơi rối, phức tạp chút. Bà con chịu khó coi trong quyển Chúng Sanh & Sanh thú của trường đại học A Tỳ Đàm Rakkham. Nó có 2 bản dịch. Ngày trước tôi dịch trước, sau đó tôi đi nước ngoài thì có một vị, ngài Thiện Phúc, ngài có điều kiện in. Quyển của tôi có dịch nhưng phát hành nội bộ thôi, còn quyển của ngài lúc ngài dịch là đã có điều kiện in cho nên ngài dịch xong đem in luôn. Cho nên hôm nay trong nước có 2 bản dịch:
    1. Bản dịch của ngài là tựa gì tôi quên mất rồi (Note: Chú giải Người và Cõi – Bhikkhu Kusalapuñño, Tỳ khưu Thiện Phúc).
    2. Bản dịch của tôi là Chúng sanh và Sanh thú – Giác Nguyên, không biết giờ còn bán không (quý vị có thể google) (Note: Có trong cuốn 2 Giáo lý A Tỳ Đàm, trong bộ Kalama mới in lại) Sinh thú = destination, là chốn về. Chúng sanh và chốn về của muôn loài.
    Soạn giả là ngài Saddhamma Jotika.
    Sách thì đọc trong đó, còn trả lời thì Chúng sanh làm Diêm vương có 2 trường hợp:
    1. Diêm Vương là một loại chúng sanh, họ chỉ thích làm việc đó, giống như đao phủ cõi trần ăn rồi xử.
    2. Còn quỷ sứ là một loài dạ xoa hoặc ngạ quỷ do tánh thích hành hạ người khác. Loại này là loại chúng sinh lúc còn mang thân nhân loại vừa có tu vừa bất thiện. Cho nên, khi họ chết họ làm Dạ xoa hoặc loại ngạ quỷ nửa sướng nửa khổ. Các vị hỏi tôi nửa là sao? Thì tôi nói, tùy, có những cá nhân đêm sướng ngày khổ, hoặc ngày sướng đêm khổ hoặc 3 tháng khổ 3 tháng sướng hoặc là một tuần sướng một tuần khổ, hoặc 3 ngày khổ 3 ngày sướng,… nói chung là 50-50 còn chuyện dài ngắn mỗi người khác nhau. Loài đó xuất hiện ở dưới làm quỷ sứ.
    Dĩ nhiên, theo A Tỳ Đàm, anh hành động xuất xử bằng tâm bất thiện thì đương nhiên anh sẽ gieo nghiệp bất thiện. Chứ mình đâu nói mình trừng trị mấy đứa ác là mình không có tội. No. No. Nó ác là chuyện của nó nhưng mình thích trừng trị nó là chuyện của mình. Thí dụ, bây giờ hỏi chứ ngư phủ, thợ sanh, họ kiếm sống thì phải sát sanh, hỏi có tội hay không? Thì mình nói, vì kiếm sống thì họ phải sát sanh, đó là một chuyện. Nhưng mà, vì sát sanh mà có tội là chuyện khác.
    Ở đây cũng vậy, trong Chú giải nói. Diêm vương, đúng là loại chúng sinh có quyền lực. Nhưng họ không phải là người ban phát những hình thức trừng phạt ở dưới cho chúng sinh, không phải nha. Nghe cho kỹ nha.
    Tất cả những hình thức ở dưới là nó tương ứng với nghiệp của đương sự, những cái đó nó tự xuất hiện, không phải Diêm Vương nghĩ ra rồi chế tác các công cụ trừng trị tra tấn. No. No. Cái đó không phải. Diêm Vương có mặt để mà nhìn nó thôi. Chứ người trực tiếp ra tay hành hạ chúng sinh là các loại quỷ sứ, trong Pāli gọi là Niraya-pāla hoặc là Naraka-pāla. Những loại này nó giống như trên loại người mình vậy đó, thích làm quản giáo, thích làm đao phủ, nhưng với Ác tâm họ vẫn mang nghiệp.
    Còn riêng về những cái gọi là chảo dầu, con thú này thú kia, chó cọp beo, rắn rít ở dưới để mà tấn công các chúng sinh ở dưới thì có 2 trường hợp:
    1. Đó là chúng sanh thiệt. Có những loại chúng sinh mà nó là ngạ quỷ, nó là dạ xoa, nó xuất hiện để nó tấn công chúng sanh.
    2. Cũng có trường hợp do nghiệp, trong A Tỳ Đàm gọi là sắc quý tiết do nghiệp tạo gọi là Kammajauturūpa. Có nghĩa là, do nghiệp chúng sanh nó khiến để tạo ra những hình ảnh, hình tượng đó để chúng sinh chịu khổ thôi.
    Ok. Xong câu trả lời.

    Vô Minh
    Hỏi: Xin cho con hỏi: Vô Minh duyên Hành là những ham muốn, ý muốn. Từ ham muốn sanh ra ái dục, đạt được cùng không đạt được dẫn đến phiền não cùng khổ đau. Vậy khi tâm nhận biết ý muốn khởi sanh và để nó tự diệt, hoặc quán trở về chánh niệm vậy thì có phải lúc đó hành giả đã không còn Vô Minh hay không? Hay đó chỉ là một cái biết nữa mà thôi?
    Đáp:
    Người này hoàn toàn dốt nát, mù tịt về A Tỳ Đàm, đặc biệt về giáo lý Duyên khởi. Tôi chỉ có thể giải thích bài phương trình cho người đang học lớp 9, lớp 12 chứ không thể nào tôi giải bài phương trình cho người lớp 1 được. Đừng có trách tôi. Bởi vì, khi người này nói như thế này là người này hoàn toàn mù tịt không biết A Tỳ Đàm là cái gì, cũng không biết 12 Duyên Khởi là cái gì. Người này ba chớp ba nháng nói nào là Vô Minh duyên Hành chứ không biết Vô Minh ở đây là cái gì, Hành ở đây là cái gì. Mấy năm trước mấy cái này tôi sốt sắng lắm, bây giờ thì không. Tôi nghe mùi tanh tanh là tôi không nói nữa.
    Muốn cái gì, nếu thật lòng cầu học thì thỉnh cho bằng được cuốn Giáo lý A Tỳ Đàm 1-2 mới ra, chúng tôi gom chung có phần giáo lý Duyên khởi. Nếu thật lòng cầu học. Còn nếu vẫn tiếp tục làm biếng học giáo lý mà đi hỏi, học lớp 2 mà đi hỏi phương trình, hỏi ba cái hằng đẳng thức, ma phương, ma trận, khai căn,… thì xin lỗi, đừng làm mất thời giờ của người khác.

    Quan sát tâm rỗng không
    Hỏi: Khi ngồi, thả lỏng thư giãn, con quan sát tâm mình giống như rỗng không, bất kỳ đối tượng thân thọ trạng thái tâm nào sinh khởi, tâm chánh niệm đều nhận biết và đối tượng nó mất (con cảm nhận được nó như mạng nhện, tâm chụp bắt đối tượng rồi là quay vào trong xem phản ứng của tâm như thế nào), xin hỏi hành thiền như vậy đúng ko?
    Đáp:
    Có những câu hỏi dài quá mà tôi đã biết, đã hiểu họ hỏi cái gì, họ là ai. Lâu lâu liếc tôi một cái.
    Người hỏi câu này hoàn toàn không biết gì về giáo lý Bốn Niệm Xứ. Làm gì có chuyện mà giữ tâm không không là gì. Phải biết thân quán là tu cái gì, Thọ quán là tu cái gì. Đằng này mù tịt.
    Cái này tôi gọi là Đạo Phật đồng bóng. Các vị không hề là Phật tử, các vị chỉ là con nhang, chỉ là nô lệ cho tăng ni thôi. Nếu có lòng cầu học, làm ơn kiếm dúm:
    1. Bộ Kinh Nghiệm Tuệ Quán.
    2. Pháp hành Thiền Tuệ của ngài Hộ Pháp chùa Viên Không.
    Học lại từ đầu. Các vị ngay lúc các vị đặt câu hỏi là các vị không biết Tứ Niệm Xứ là cái gì, cũng không biết Thiền Định, Thiền Tuệ ra sao. Mà Việt Nam loại này nhiều vô phương, nó nhiều vô thiên lủng, nhiều vô kể. Mất thời gian. Dẹp. Xin đọc câu khác.

    Giảm tính nhút nhát
    Hỏi: Xin sư cho con biết đề mục tu tập khi ngồi thiền cho người thân nữ, đang muốn giảm tính nhút nhát, hay sợ hãi?
    Đáp: Câu này đúng là dẹp luôn nè.
    Nhút nhát có nhiều lý do cho nên không thể hỏi sư cho đề mục nào. Câu này câu tào lao. Nhút nhát nhiều lý do: Sợ ma, sợ chết, hoặc là thói quen từ nhỏ không quen ở một mình,… Tôi chỉ chốt lại một câu thôi. Người biết sợ sanh tử, biết nghĩ tuổi già, biết nghĩ chuyện sa đọa không có chuyện sợ lắt nhắt. Người sợ lắt nhắt là người không coi sanh tử, không coi chuyện sa đọa là đại sự.
    Người này không có chuyện gì để bàn.

    Tuệ Quán tiến lui sụt
    Hỏi: Trong quyển Kinh Nghiệm Tuệ Quán, phần những điều kiện ngoại tại làm cho công phu Tuệ Quán tiến triển hay lui sụt, có một ý trong mục “Nhân sự thích hợp”: “Ở một trú xứ mà sự tu học của ta bị sụt giảm thì dầu phải ra đi ngay trong đêm cũng phải đi, thậm chí có trường hợp được phép không từ giã”. Đó là những trường hợp nào?
    Đáp:
    Trước hết, đoạn đó nằm trong bài kinh Khu rừng (Vanapattha sutta) trong Trung Bộ Kinh. Vào google, đánh chữ Trung Bộ Kinh, tìm bài kinh Khu rừng. Trung Bộ Kinh gồm 3 phần, nó nằm trong phần 1.
    Trong đó nói rất rõ. Ở đâu đời sống tâm linh không phát triển được thì mình phải ra đi, kể cả trường hợp cần thiết khỏi xin phép luôn, bởi có những trường hợp xin phép người ta cũng không cho.
    Giờ bắt tôi kể cụ thể thì tôi nói đây là câu hỏi rất dốt. Đó là trường hợp nào? 800.000 trường hợp.
    Thí dụ mình là tăng ni ở với sư phụ mà mình thấy bắt mình làm quần quật, tối ngày tụng niệm bái xám, tụng đám riết,… thí dụ vậy, mình xin 3 lần 8 lượt không được thì cũng phải dzọt. Chứ mình cứ ngại này ngại kia mình đem chôn vùi cuộc đời mình hay sao? Hoặc ở nhà với cha mẹ, nếu mình thấy mình bỏ mình đi tu mà cha mẹ vẫn còn người lo, vẫn ok thì trường hợp đó tôi nghĩ nếu mình dốc lòng cầu đạo thì phải dzọt thôi chứ hỏi trường hợp nào? Trên 18 tuổi mà đi hỏi trường hợp nào là trường hợp nào? Nhiều khi cả cha mẹ, vợ chồng, thầy tổ, bè bạn, tất cả nằm hết. Mình thấy nếu thật mình có lòng cầu đạo giải thoát thì tôi nghĩ phải dứt khoát. Chứ còn thân người khó được, Chánh pháp khó gặp mà cứ sợ người này buồn, sợ người kia la thì đi chết đi.
    Đọc dùm câu hỏi khác.

    Người nữ tu chứng
    Hỏi: Có 5 điều người nữ không thành tựu được, trong đó có việc trở thành Đại Phạm Thiên. Con muốn xác định là người nữ vẫn tu chứng được Thiền Định, khi đắc thiền và giữ được thiền chứng đến khi mệnh chung trở thành vị Phạm Thiên bậc hạ trong 3 bậc thượng - trung - hạ có phải không?
    Đáp:
    Cái này nói vắn tắt thôi.
    Không bao giờ có chuyện một người có 32 tướng tốt mà lại là người nữ, thí dụ vị Chánh Đẳng Giác là không bao giờ. Vì sao vậy? Vì anh muốn một trở thành một vị có 32 tướng tốt anh phải là người nam anh mới có được 32 tướng tốt, đúng không? Một chuyện. Như vậy, Chánh Đẳng Giác không bao giờ là nữ.
    Chuyện thứ 2, Tu đến một mức độ nào đó nữ tánh biến mất.
    Thí dụ, làm Chuyển Luân Thánh Vương chẳng hạn, đến lúc nào đó mình chỉ ở trên thiên hạ. Mà nữ lúc nào cũng dưới một người, dầu anh là nữ nào anh luôn phải lép trước một người, đó là chồng của anh, bạn trai của anh. Chỉ riêng người nam là họ mới có thể ở vị trí cao nhất trong vũ trụ. Cho nên, có những ngai vị sau đây mà không có thể là người nữ:
    1. Chánh Đẳng Giác.
    2. Độc Giác.
    3. Chuyển Luân Vương, rồi ai nữa?
    4. Đế Thích Thiên vương Thiên chủ cõi trời, rồi ai nữa?
    5. Ác Ma thiên tử, rồi ai nữa?
    6. Đại Phạm Thiên.
    Rất nhiều vị mà tôi rất làm ngạc nhiên tại sao không đọc để biết Đại Phạm thiên là cái gì.
    Trong Tăng Chi Bộ Kinh phần một pháp hay ba pháp, trong Kalama có.
    Đức Phật Ngài dạy:
    1. Một vị Chuyển Luân vương cai tri từ 1,2,3, đến 4 hành tinh.
    2. Đế Thích cai trị cõi Đao Lợi và Tứ Thiên Vương.
    3. Ác Ma Thiên Tử cai trị cõi Dục thiên cao nhất. Nhưng khả năng chi phối là 2 tầng Sơ Thiền thấp nhất + các tầng Dục thiên còn lại. Kể cả cõi Người nằm trong tầm chi phối của Ác Ma Thiên Tử.
    4. Riêng Đại Phạm Thiên. Đây là một từ nếu đọc không kỹ dễ hiểu lầm. Đại Phạm Thiên là trong khu vực 1 mặt trăng, 1 mặt trời, Saturn, Mars, … nói chung là trong Thái Dương hệ, 1000 Thái Dương hệ như vậy được gọi là 1 Thế giới. 1000 thế giới như vậy nằm dưới quyền quan sát, điều phối, nói điều phối cho sang, thật ra nằm dưới quyền quan sát của một vị Đại Phạm thiên.
    Cái này Chánh tạng nói, không phải Chú giải nói. Đức Phật Ngài dạy “này các tỳ-kheo, cho dầu vĩ đại như một Đại Phạm thiên cai quản 1000 vũ trụ thì ta nói rằng, ngai vị ấy vẫn là vô thường”. Như vậy, Đại Phạm thiên đây chính là vị đó đó. Vị cai quản 1000 vũ trụ chứ không phải Đại Phạm thiên trong 2 tầng Sơ thiền.

    Thánh Sơ quả
    Hỏi: Xin hỏi về sự tái sanh của vị thánh Sơ quả còn 7 kiếp sẽ ra sao? Có khác người bình thường không?
    Đáp:
    Câu này tào lao nữa. Đã là Thánh Sơ quả sao mà sao không khác được.
    Ở đây, Sơ Quả có 3 hạng :
    1. Da Da Dự Lưu (Kolaṅkola sotapatti) : Chết rồi lăn lóc ở các cõi Nhân – Thiên từ 1 tới 6 kiếp mới chứng La Hán, gọi là Da Da Dự Lưu.
    2. Hạng thứ hai gọi là Nhất chủng Dự Lưu (Ekabīji Sotapatti): Chứng Dự Lưu xong chỉ còn tái sanh 1 kiếp nữa thôi. Đi đầu thai 1 kiếp nữa là chứng La Hán gọi là Nhất chủng Dự Lưu. (eka =1, bīji = hạt giống).
    3. Thất Lai Dự Lưu (Sattakhattuparamo sotapatti): Có nghĩa là vị này phải đi tái sinh đủ 7 lần mới đủ duyên chứng La Hán. Thí dụ như ông Cấp Cô Độc hoặc bà Visākha.
    Ok. Xong.

    Satta
    Hỏi: Trong bài kinh Satta sutta(SN 23.2), bản dịch ngài Thích Minh Châu có đoạn "Này Rādha, dục nào (chanda), tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh (satta)." Xin sư giải thích câu này.
    Đáp:
    Khoảng chừng hơn 1000 lần tôi nói chữ “chúng sinh” là Tàu dịch. Đúng ra, họ dịch chữ “chúng sinh” từ chữ satta, chữ này có 2 nghĩa:
    1. Satta = Sa + atta = Một cá thể, một cá nhân có cái gì đó, có một cái tôi tiềm tàng trong đó gọi là Satta.
    2. Chữ Satta còn nghĩa thứ 2 là dạng gerund/Past Participle của chữ Sajjati = dính. Có nghĩa là, trong thế giới mênh mông này không có gì có khả năng đụng đâu dính đó như chúng sanh hết. Thích cũng là một cách dính. Dính = dán tâm mình vô. Ghét cũng là một cách dính, mình dán cái tâm mình vào.
    Trong đoạn kinh đó. Ngài định nghĩa chúng sanh ở đây phải hiểu là phàm phu. Phàm phu là những người không thích cái này thì thích cái kia.
    Nhiều ông Phật tử khoe tôi “con đi làm mấy chục năm không bao giờ con để ý tiền bạc, tiền lương về giao cho bà xã, bả cho ăn cái gì, bả cho mặc cái gì từ quần xả lỏn tới áo thun ba lỗ, sơ mi, quần dài, nón, mắt kính, đồng hồ, cà vạt, bả mua cái gì con xài cái đó, cho ăn gì con ăn đó. Con giờ có tuổi, con không màng, con chuyên tâm con tu”. Ổng khoe ổng tưởng ổng hay nhưng mấy cái đó tôi nghe tôi ghét lắm.
    Tôi nói : Ông đừng tưởng ông hay. Bởi vì thứ nhứt, kiểu người ông, ông thích nương đỗ ở bà xã. Ông nói không quan tâm cái gì vì ông quá tin, quá thương bà xả, ông biết bà xã biết đường lo cho ông. Không không quan tâm chuyện mua sắm, đúng nhưng ông quan tâm tới bả. Ông biết là bả mua đúng ý ông. Đúng không?
    Mình cũng vậy.
    Có nhiều khi mình thấy mình thích ngồi thiền, mình không có thích danh, thích lợi mình tưởng mình hết tham. Sai. Có nhiều khi mình không háo lợi mà lại hám danh. Hoặc có lúc, tưởng chừng không hám danh nhưng lại mong đi về cảnh giới nào đó. Hoặc háo danh nó cũng có nhiều cách lắm. Cho nên, trong đoạn kinh này chỉ là lời nhắn nhủ thôi.
    Hãy cẩn thận, ngày nào còn là phàm phu thì anh không thích cái này thì cũng thích cái kia do đó anh có chỗ để anh đi về.
    Bài kinh này, nếu các vị nghe chánh kinh, nghe lời giải thích tôi hơi kỳ kỳ nhưng mà đương sự nếu thật sự là người thắc mắc, lấy đoạn chúng tôi gắn vào đó dùm. Ngài định nghĩa “chúng sanh” là vậy. Chúng sanh là cái thứ không dính cái này thì dính cái khác.

    Nguyện tái sinh
    Hỏi: Trong đời này cố gắng thực hành Pháp, tuy nhiên nếu chưa đắc đạo và chưa biết đường đi kiếp sau, thì có thể nguyện tái sinh ở nơi nào đó để có điều kiện tu tập và giải thoát một các thuận lợi nhất. Cõi trời Tusita có phải là một nơi lý tưởng để tu tập giải thoát không?
    Đáp:
    Lâu lâu phải liếc tui cái. Hiểu. Nó như thế này.
    Có nhiều người muốn tới Thụy Sỹ lắm, muốn lắm, muốn nghỉ hè bên Thụy Sỹ, muốn đi trượt tuyết Na Uy nhưng mà không có tiền. Thì lấy cái gì mà đi?
    Mình muốn tới cõi này cõi kia mà tự mình hỏi lòng mình coi: Tín, Thí, Giới, Văn, Tàm, Úy, Thí - 7 tài sản thánh nhân mình có được bao nhiêu? Có được bao nhiêu? Trong túi dòm có vài triệu Việt Nam đồng thì đi đâu? Passport chưa có, không có visa Thụy Sỹ thì đi đâu? Không có visa Bắc Âu, không có visa vào Mỹ thì đi đâu? Mà cứ nghe người ta nói vacation nước này nước kia ham, mà coi coi: Giấy tờ, tiền bạc, hoàn cảnh gia đình, điều kiện tình trạng sức khỏe, thời gian,… công ăn việc làm đủ thứ. Không phải muốn là được.
    Cho nên, tôi không nói cho các vị buồn, nhưng tôi phải nói ra sự thật.
    Mình nói rằng, ở đây mình tu không nổi, mình muốn về cõi khác nhưng mà
    1. Tại sao mình tu không nổi? – Tại mình làm biếng. Mong về cõi này cõi kia Ngũ Phẩm Liên Hoa chứ thật ra nếu nói theo Tịnh Độ Bắc Truyền, ngay chỗ này không tu mà muốn đi đâu? Ngay chỗ này tu không nổi thì đi đâu cũng vậy thôi. Chánh niệm, Trí tuệ, Kham nhẫn, Giải thoát, Từ tâm ngay chỗ này không chịu tu, mà mong đi chỗ nào? Chỗ nào khác cũng vậy thôi.
    2. Thứ hai, là anh muốn đi qua Thụy Sỹ mà anh cũng phải có bao nhiêu điều kiện, đừng nói Tusita tu-xí-tiếc gì. Tào lao. Ruồi bu. Tôi phải nói nặng lời đó. Trong khi mình coi Thất Thánh sản mình có được bao nhiêu? Thụy Sỹ đi còn chưa nổi mà Tusita gì? Giới Luật, Thiền định chưa, như con dòi mà đòi đi đâu?

    Đo lường
    Hỏi: Trong bài kinh Migasālā Đức Phật dạy: "Này Ananda, chớ có làm người đo lường các hạng người. Chớ có làm sự đo lường các hạng người. Tự đào hố cho mình là người đi làm sự đo lường các hạng người.". Con hiểu ở đây, Đức Phật dạy chúng ta không nên đánh giá người khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những tấm gương xấu, cần phải nói lên, nêu ra để mọi người noi đó mà tránh xa. Như đánh giá một người nghiện ma túy là xấu. Vậy trong trường hợp này, phải xử lý như thế nào?
    Đáp:
    Hai cái này nó trớt quớt, nó không mắc mớ gì với nhau hết.
    Bài kinh Magasālā đức Phật dạy thế này, nghe cho kỹ nha, về xem bài kinh có đúng vậy không: Đừng đem cái đầu thiển cận của mình mà phán đoán toàn bộ vũ trụ.
    Thí dụ, trong kinh Migasālā có kể chuyện, có người thắc mắc sao sở hành như vậy mà chết được đi về cõi cao như vậy.
    Đức Phật mới dạy: Đừng có đem hạn chế, thiển cận của mình đi đánh gía moi sự ở đời, bởi ở đời nhiều cái ở đời “thấy vậy mà không phải vậy”. Bài kinh Migasālā nó có nghĩa như vậy đó.
    Hãy cẩn thận, bởi vì nhiều chuyện ở đời thấy vậy mà không phải vậy. Xong. Đừng có lấy đầu mình làm thước đo vũ trụ. Xong chưa? Đó là bài kinh Migasālā.
    Còn chuyện thứ hai: Sống ở đời. Mình con người chứ đâu có phải mình con chó, con heo sao mà mình không biết nhận thức? Phải biết chứ. Mình con người. Mình chơi bạn cũng lựa bạn mà chơi, lựa chỗ mà ở, lựa món mà ăn. Mình phải có cái đó chứ. Bởi vì, chính trong Thất Giác chi cũng có cái Trạch pháp giác chi, mà trong 38 pháp an lành cũng có “không gần gũi kẻ ác, thân cận bậc thiện hữu, …” Có. Trong kinh có nói cái đó mà.
    Cho nên, hai bài kinh này khác nhau.
    Bài kinh thứ nhất là: Đừng có lấy thiển cận của mình làm thước đo vũ trụ. Vì sao? Vì trong vũ trụ có rất nhiều thứ thấy vậy mà không phải vậy. Rồi, xong một chuyện. Hoàn toàn khác. Còn chuyện thứ hai, sống ở đời, mình là con người đi 2 chân, ăn cơm không phải ăn đồ dơ, cho nên phải biết lựa bạn bà chơi, lựa việc mà làm, lựa điều mà nói, lựa chỗ mà ở. Hai chuyện này khác nhau xa lắc. Do anh hiểu sai bài kinh kia anh đem gắn vào chỗ này anh khùng là phải rồi.
    Cho xin câu khác.

    Tăng Bảo
    Hỏi: 1- Xin xác nhận lại điều này: Chỉ bậc thánh trong Tăng đoàn mới chính là Tăng Bảo; hay Tăng Chúng nói chung là Tăng Bảo; hay phàm Tăng hướng thượng (tu giải thoát) cũng được xem là Tăng Bảo? 2-Xin giải thích trong Kinh nói: Người nào sợ hãi luân hồi, người đó là vị tỳ-kheo.
    Đáp: Hai cái này khác nhau.
    Chữ tỳ-kheo nghĩa gốc là chữ bhikkhu, nghĩa gốc từ bhikkhā là đồ ăn, bhikkhu là người xin ăn, là nghĩa đen. Còn chữ nói rằng “Tỳ-kheo là người sợ sanh tử” là một vài trường hợp đặc biệt mà đức Thế Tôn không phải Ngài giải thích chữ trên khía cạnh linguistics, ngôn ngữ học. Không phải. Mà lúc bấy giờ, tùy căn duyên người đối diện mà Ngài cho ra câu định nghĩa như vậy đó. Để chi? Giúp cho người ta giải thoát, giác ngộ. Cho nên, chuyện đầu tiên phải nhớ như là “Tỳ-kheo là gì? Như là bố ma, phá ác,..”
    Bố ma = Làm Ma Vương sợ.
    Phá ác = Tiêu hủy điều bất thiện.
    Nghĩa bóng của lá y tỳ kheo. Chứ thật ra mấy cái này nó trớt quớt, nó khác nhau xa lắc. Tỳ-kheo nói tạng Luật nó khác. Tỳ kheo nói theo Tạng Kinh khác.
    1. Tỳ-kheo nói theo Tạng Luật là sao? Phải là người thọ đại giới, trước sự chứng minh của tăng đoàn, cho đến nay vẫn giữ được 17 trọng giới. 227 nhiều quá, lấy 17 thôi. Đó gọi là tỳ-kheo của tạng Luật.
    2. Tỳ-kheo nói theo tạng Kinh là sao? Người biết kinh sợ sanh tử là chữ tỳ-kheo trong nghĩa đặc biệt của tạng Kinh.
    Thứ ba, cái gọi là Tăng Bảo, chính trong bài “Supatipanno Bhagavato savaka saṅgho …” xác nhận: Tăng bảo ở đây chính là Thánh tăng. Vì sao?
    1. Vì Phàm tăng buổi sáng làm ông tỳ-kheo rất ok, nhưng buổi chiều có thể không ra gì, chuyện này không có gì lạ.
    2. Thứ hai, dầu cho đó là vị tỳ-kheo thuộc lòng Tam Tạng nhưng mà tắt thở một cái trời biết ổng được làm người hay ổng làm heo, làm bò, mình không biết.
    Có nghĩa là lúc vầy lúc khác. Riêng vị Tu Đà Hườn trở lên thì không. A La Hán thì khỏi nói rồi. Vị Tu Đà Hườn không bao giờ xuống tình trạng thấp, vị trí thấp hơn Tu Đà Hườn. Tu Đà Hườn ghê gớm như vậy đó. Các bậc Thánh không bao giờ có tình trạng quay trở xuống vị trí thấp hơn mình đang ở. Nhớ cái đó. Mấy vị đó đáng gọi là Tăng Bảo.
    Còn phàm phu ghê lắm. Hồi 8 giờ sáng làm ông tỳ-kheo cực kỳ ok nhưng mà 9h30 nó thối hoắc; 10h30 ok, 12h có dòi; Mà có dòi ngay trong thân phận tỳ-kheo hoặc tắt thở đọa làm con này con kia. Cho nên, tùy trường hợp. Mình phải hiểu Tăng Bảo:
    1. Có trường hợp Tăng Bảo = Thánh nhân.
    2. Có trường hợp Tăng Bảo là người thọ đại giới trước sự chứng minh của một Tăng đoàn trên 6 vị, và cho đến nay vẫn giữ được 17 trọng giới.
    3. Chữ tỳ-kheo chỉ cho người sợ sanh tử, có 800 nghĩa tỳ-kheo lận, không phải 1, 2 nghĩa dốt dốt đó đâu.

    Linh hồn trường tồn
    Hỏi: Sư có thể giải thích thêm về không có một linh hồn trường tồn, bất biến không ạ?
    Đáp: Câu này cũng tào lao nữa nhưng không nói thì không được.
    Theo A Tỳ Đàm nói riêng, Phật pháp nói chung. Tất cả cái gọi là chúng sinh gồm 2 phần: Phần hồn & phần xác. Tôi tránh nói thuật ngữ Phật học, tôi nói từ thế gian. Phần hồn và phần xác.
    - Phần xác chỉ là tứ đại, do các duyên, gồm có thiện ác quá khứ và điều kiện hiện tại tương tác tạo ra tứ đại. Đó là phần xác. Tấm thân tứ đại này nói theo khoa học thì khoa học chứng minh được nó liên tục biến đổi không ngừng. Phần xác mình không đứng yên rồi đó. Mình luôn luôn trong tình trạng đẩy về phía trước để mà tiến đến cái già, cái bệnh, và cái chết.
    - Thứ hai, Phần hồn gồm có: Tâm thiện, tâm ác, tâm nhân, tâm quả. Không biết đạo mình tưởng có một cái hồn, có một cái tâm linh đi từ nhỏ đến lúc 90 tuổi. No. Theo Phật pháp mình, tâm mình liên tục sanh diệt hết sat-na này đến sát-na khác. Tâm nhân, tâm quả, tâm thiện, tâm ác, tâm buồn, tâm vui nó cứ liên tục tiếp nối nhau như vậy. Không có cái gì là 1 không có cái gì tồn tại quá 1 sát-na.
    Các vị hỏi sát-na là bao nhiêu? Sát-na là một đơn vị tâm pháp, nói về tốc độ thời gian, nó ngắn hơn 1/ 1 tỷ của giây.
    Cho nên, mình phải hiểu đại khái.
    Phần xác : Bốn đại. Giống như nắm cát. Do các duyên mà nắm cát gom lại.
    Phần hồn/ phần tinh thần gồm: Thiện, ác, buồn, vui, chỉ có vậy thôi, và 4 cái đó (thiện, ác, buồn, vui) nó tiếp nối nhau sanh diệt liên tục. Ngày nào hễ chưa thấy được Bốn đế thì chính thiện ác đời này tạo tâm đầu thai cho kiếp khác để mình tiếp tục là một nắm cát, là một dòng chảy, là một đám mây, cứ như vậy.
    Cho nên đây là lý do vì đâu không có linh hồn trường cửu là như vậy./.



    Các vị là những người hộ pháp rất đáng quý. Mong rằng các vị thương nhau, thượng thảo nhau, đó là phúc lớn cho chúng sinh. Tôi có thể chết, nhưng các vị không nên mất đoàn kết. Chúc các vị một ngày vui./.


    Mục lục
      1. Pháp đàm 04/09/2022
      2. Pháp đàm 18/09/2022
      3. Pháp đàm 25/09/2022
      4. Pháp đàm 02/10/2022
      5. Pháp đàm 09/10/2022
      6. Pháp đàm 16/10/2022
      7. Pháp đàm 23/10/2022
      8. Pháp đàm 30/10/2022
      9. Pháp đàm 27/11/2022
      10. Pháp đàm 04/12/2022

      ← trở về trang Vấn Đáp

      © www.giacnguyen.com