← Giáo Lý Căn Bản
[001] 26.12.2023 [002] 28.12.2023 [003] 02.01.2024 [004] 04.01.2024 [005] 09.01.2024
[006] 11.01.2024 [007] 16.01.2024 [008] 18.01.2024 [009] 23.01.2024 [010] 25.01.2024
[011] 30.01.2024 [012] 06.02.2024 [013] 15.02.2024 [014] 26.03.2024 [015] 04.04.2024
[016] 12.04.2024 [017] 19.04.2024 [018] 25.04.2024 [019] 09.05.2024

Lớp Phật Pháp Căn Bản
4 - Thứ năm, ngày 04/01/24
(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng)


✴️ TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ

Trước mắt thì theo dõi bài học chúng tôi cần một biểu đồ A Tỳ Đàm để chúng tôi nói tới đâu bà con nhìn vô đó cho nó dễ. Chúng tôi giảng tiếp nội dung của kỳ trước, chúng ta cùng liếc nhìn lên biểu đồ A Tỳ Đàm.
Thì biểu đồ đó gồm có hai cột dọc, bên tay trái phần đầu tiên là 12 Tâm Bất Thiện có nghĩa là Nhân xấu. Tôi chỉ nói tổng quát thôi nha, còn cái phần sâu sau này mình sẽ học, nhưng mà trước mắt sẽ học phần tổng quát trước để chúng ta có khái niệm chúng ta học cái gì, và tại sao phải học cái đó trước. Thì trong cái biểu đồ A Tỳ Đàm có hai cột dọc bên trái hàng trên cùng đó là 12 Tâm Bất Thiện nhân xấu, rồi xuống tới dưới là quả xấu, rồi xuống dưới nữa là .... xuống vài hàng nữa đó .... tại sao có cái vài ? vài là vì có xen kẻ Tâm tố
Tâm tố là gì bữa hổm tôi có nói rồi. Vị La Hán không còn bất thiện, vị đó chỉ còn xài Tâm thiện thôi, có một điều Tâm thiện này nè là Tâm thiện của một người đã thấu đáo Tứ Đế. Cho nên Tâm thiện đó không có để lại cột dọc bên tay trái 12 bất thiện Tham Sân Si.
Tiếp theo đó là Quả bất thiện có Quả Bình Sinh và Quả Tái Sinh.
Quả Tái Sinh có nghĩa là do cái bất thiện đó mà mình đầu thai vào 6 Quả xấu, nhĩ thức Quả xấu, nhãn thức Quả xấu, có nghĩa là cũng có con mắt nhưng con mắt mình thấy toàn là cảnh xấu, cảnh mà mình không muốn nhìn, mũi lưỡi như người ta nhưng toàn ngửi cái mùi, nếm cái vị mà mình không có thích.

● Có Nhân xấu thì có Quả xấu.
- Quả xấu có hai : đó là QUẢ BÌNH SINH và QUẢ TÁI SINH.
- Thiện cũng vậy, thiện cũng có cho 2 Quả, đó là QUẢ BÌNH SINH và QUẢ TÁI SINH.
1/ Quả Tái Sinh có nghĩa là mình được sinh vào cõi, cảnh giới tốt đẹp, sung sướng.
2/ Quả Bình Sinh là thường nhật trong ngày, trong đời của mình cũng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, các thứ bằng toại ý, rồi xuống chút nữa mình thấy tâm Thiện Dục Giới là cái tâm thiện mà nói một cách nôm na, chứ vô sâu thì rối lắm, thật ra nó có trên các cõi trên, nhưng mà ở trong trường hợp này mấy bài giảng đầu tiên thì tôi nói cho bà con có khái niệm vậy đó, thiện nó có nhiều thiện, Thiện Dục Giới là thiện không liên quan tới cảnh Thiền, còn cái cao hơn chút nữa là tâm thiện của mấy người chứng Thiền, thì tôi có nói bài giảng sáng nay là tiếp nối bài giảng kỳ trước.

Nghe cho kỹ nha.
Tiêu đề đầu tiên của Giáo Lý đó là chữ DUYÊN.
● MỌI THỨ DO DUYÊN MÀ CÓ và có nhiều người họ nghe chữ Duyên họ còn một chút mơ hồ, cho nên trong bài giảng trưa nay tôi nhấn mạnh chữ DUYÊN qua một cái cách nói mới đó là chữ NHÂN QUẢ - SỞ DUYÊN.
Năng mình hiểu đó là Duyên
Sở đó là Quả, đó là cái chỗ được tác động.

Nói tới Nhân Quả nó gồm có bốn trường hợp :
● NHÂN TẠO RA QUẢ.
Ví dụ như :
- Nhân thiện thì tạo ra Hỷ Lạc, tạo ra niềm vui Thân và Tâm.
- Nhân xấu, Nhân ác, Nhân bất thiện thì nó tạo ra Khổ Ưu. Có nghĩa là tạo ra khổ Thân và khổ Tâm, từ thiện ác cho mình sanh vào cảnh giới nào, hình hài, thân phận, hoàn cảnh, môi trường sống ra sao, thì trường hợp đó được gọi là Nhân tạo ra Quả.

● QUẢ TÁC ĐỘNG QUẢ.
Theo trong A Tỳ Đàm mình đầu thai vào cảnh giới nào đó là Quả, tâm đầu thai đó là tâm Quả, do mình đầu thai vào cảnh giới đó cho nên mình mới có hình hài như vậy, hình hài đó cũng là Quả, mà do có mặt trong hình hài thân phận đó cho nên chúng ta mới có điều kiện để nhận lấy cái Quả mà nó tương ứng.
Ví dụ như mình sinh vào cõi Phạm Thiên hoặc là thấp hơn một chút là cõi Dục Thiên thì chúng ta không có trả những cái Quả như là : bị đánh, bị chửi, đâm chém, hành hung, bạo lực, các thứ tai nạn thương tâm ... không có bị.
Bởi vì trong cái thân phận, trong cái hình hài, trong cái cảnh giới của Chư thiên, Phạm Thiên, chúng ta không có bị cái đó. Nhưng mà do cái Quả xưa mà chúng ta mang thân nhân loại, thì cái điều kiện để bị cái chuyện mà đánh đập, chửi, sỏi thận, tiểu đường, ung thư, cao máu, tim mạch ..vv . thì nó mới có điều kiện để mà bị những cái đó.
Thì mình thấy đó là điều kiện Quả tác động Quả.
Và khi mà nhận cái Quả đó, thì chính cái Quả đó lại là cái điều kiện để chúng ta nhận những cái Quả khác.

● QUẢ TÁC ĐỘNG NHÂN
Có nghĩa là khi đang gánh, đang lảnh một cái Quả tiền kiếp nào đó, thì trong điều kiện của hình hài thân phận đó chúng ta dễ có Nhân thiện hay Nhân xấu.

Ví dụ :
- Do Tiền Nghiệp mình sinh ra mang Quả xấu, là người nghèo, người xấu, vừa đã nghèo mà còn xấu.
Do Tiền Nghiệp mình sinh ra không có thông minh. Như vậy vừa nghèo, vừa xấu, vừa thiếu thông minh, thì bao nhiêu cái điều kiện sống thiện rất là khó, khó lắm, nghèo quá phải cơm gạo áo tiền, nghèo quá chúng ta rất dễ làm cái chuyện tầm bậy.
Chúng ta sanh ra khỏe đẹp, giàu có, thông minh thì điều kiện làm thiện dễ hơn.
Tôi không có nói mấy người giàu, đẹp, trẻ, khỏe là tu hành, tôi không chắc nha.
Mà mình phải nhìn nhận với nhau trong một môi trường mà mọi thứ thoải mái thì tâm lành nó dễ có hơn.
- Ví dụ như tôi thu nhập một ngày tính theo tiền VN, một ngày tôi kiếm được dưới 100 ngàn thì tôi khó lòng tôi nghĩ đến ai để tôi thương lắm. Bởi vì làm sáng ăn trưa, làm trưa ăn chiều, tôi đâu có thời giờ đâu mà tôi nghĩ tới người khác. Và tôi cũng càng không có cái cơ hội, cái điều kiện tâm lý, làm sáng ăn trưa, làm trưa ăn chiều mà, làm sao có thời gian, cả điều kiện vật lý lẫn điều kiện tâm lý tôi đều không, hoặc là tôi bệnh quá. Tôi sinh ra bẩm sinh tôi là người vặt vẹo yếu đuối, bệnh tật suốt. Tôi ăn rồi tôi đối diện với cái đau, nhức mỏi, tê buốt trong người. Tôi đâu có thời giờ nghĩ tới người khác chuyện tu học, những cái đề án để mà xây dựng hỗ trợ Hoằng Pháp là phải ở cái người có đầu óc tương đối bén nhạy, có chút sâu, chút rộng, chứ còn mà ù lì, chậm lụt, nông cạn, thiển cận, thì khó lắm. Nha.

Cho nên trường hợp thứ nhất là Nhân tạo ra Quả dễ hiểu rồi. Thường nói đến Nhân Quả thì người ta chỉ biết đến trường hợp 1 thôi.
■ NHÂN TẠO RA QUẢ.
Nhưng mà người ta không biết đến trường hợp thứ hai đó là :
■ QUẢ TÁC ĐỘNG QUẢ.
Tức là khi mình nhận cái Quả thiện, Quả ác, nó lại là điều kiện để nhận thêm những Quả khác tương ứng.
Trường hợp 3 là :
■ QUẢ TÁC ĐỘNG NHÂN.
Có nghĩa là khi mình nhận Quả đó thì mình dễ có Nhân thiện và dễ có Nhân xấu.
Và cuối cùng là :
■ NHÂN TÁC ĐỘNG NHÂN.
Làm cái nền cho tâm lành sau, rồi khi mình sống với ác tâm, thì cái tâm ác trước nó dễ làm cái nền cho ác sau, và đó là kiếp hiện tại. Còn về tiền kiếp, thì nếu tiền kiếp mình bình thường có tu Thiền, giữ Giới, có Tàm úy, có Niềm tin, có Chánh niệm ... thì chính cái Nhân đó đời sau là cái trớn để mình dễ có mấy cái đó.
Thí dụ như bồ tát Tất Đạt, tôi hay ví dụ cuộc đời của Ngài, kiếp chót 7 tuổi là chứng Sơ Thiền, 29 tuổi đang trong cái giai đoạn vàng son sung sức thì lại bỏ hết để đi tu, tức là do cái Nhân đời trước Ngài thường xuyên Ly Dục, thường xuyên sống thông Tuệ, thường xuyên sống Buông bỏ, cho nên đời này Ngài dễ có mấy cái đó lắm.
Như vậy, là mình thấy có tất cả bốn trường hợp Nhân-Quả.

1️. NHÂN TẠO RA QUẢ.
2. QUẢ TÁC ĐỘNG QUẢ.
3️. QUẢ TÁC ĐỘNG NHÂN.
4️. NHÂN TÁC ĐỘNG NHÂN.

Nói tới Nhân-Quả là phải nói tới bốn trường hợp này.

Và tôi quay lại cái biểu đồ A Tỳ Đàm. Nghe cho kỹ.
● Tất cả chúng sinh trong vô lượng vũ trụ, sự hiện hữu của chúng ta chỉ là sự hiện hữu của 6 Căn 6 Trần.
● Tất cả hoạt động của chúng ta cũng chỉ là hoạt động của 6 Căn trước 6 Trần.
● Tùy thuộc vào chuyện ta quan tâm cái gì mà ta sẽ tạo ra Nghiệp tương ứng.
Từ cái Nghiệp đó chúng ta sẽ đi về cảnh giới tương ứng, như hồi nảy tôi nói mô hình Nhân-Quả.Tức là :
Nhân tạo ra Quả,
Quả tác động Quả,
Quả tác động Nhân và
Nhân tác động Nhân.
Nhớ nha.
Tùy thuộc vào chuyện ta quan tâm cái gì ? Quan tâm gồm có hai :
1/ Quan tâm bằng cách thích thú đam mê.
2/ Quan tâm bằng cách bất mãn, trốn chạy.
Trong Kinh gom lại còn hai. Đó là :
THAM và ƯU.
Tùy vào chuyện ta quan tâm cái gì ? quan tâm Thích hay là Ghét, mỗi giây phút trôi qua một hành giả Tứ Niệm Xứ, hành giả Tuệ Quán phải để ý, chữ "phải" hơi nặng, tự nhiên sống Chánh niệm tự nhiên mình thấy, mình thấy rõ là mình quan tâm cái gì ? cái gì làm cho mình đam mê thích thú ? cái gì làm cho mình vui vẻ hạnh phúc ? cái gì làm cho mình đau khổ, khó chịu, bất mãn ? Lúc có tu Thiền mới thấy cái đó. Thì chính cái mình thích, ghét đó nó quyết định cái Nghiệp của mình.

Cho nên, chuyện đầu tiên là tùy thuộc vào đời sống tâm lý của chúng ta mà chúng ta sinh ra trong cảnh giới nào, và trong cảnh giới đó chúng ta có đủ sáu căn hay không. mà có những cảnh giới khi không đủ 6 Căn thì nó không đủ 5 Uẩn, có những cảnh giới 4 Uẩn thôi.
- Ví dụ như cõi Vô Sắc chỉ có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Có những cõi chỉ có 1 Uẩn thôi đó là cõi Vô Tưởng, chỉ có Sắc mà không có Tâm, rồi có cõi có cả 5 Uẩn như là chúng ta đây nè là cõi 5 Uẩn.
Tùy thuộc vào đời sống của chúng ta mà chúng ta sinh vào cảnh giới có đủ 6 Căn hay không ? có đủ 5 Uẩn hay không ? Đó là một chuyện. Và cái chất lượng, cái nội dung của 5 Uẩn đó, của 6 Căn đó có giống nhau hay không ? Phải xét lại.
Như hồi đầu bài giảng tôi có nói, cũng có 6 Căn như nhau, cũng có 5 Uẩn như nhau, nhưng có người chỉ biết toàn là Trần Cảnh bất toại, có người cũng 6 Căn 5 Uẩn như người ta mà biết toàn là cảnh như ý, toàn biết 6 Căn như ý.
Và vấn đề nó nằm ở chỗ này nè, do Nghiệp xấu đời xưa mình sinh ra trong một cái hoàn cảnh bất toại, bất thiện, bất toàn, bất trắc, bất thường, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với 6 Trần bất toại. Nhưng - Nếu mà có Minh Sư - Thiện Hữu, nếu mà có được học hỏi Giáo Pháp thì mỗi lần mà đứng trước cái cay đắng, đứng trước Quả xấu chúng ta vẫn có thể tạo Nhân lành.
Đó là điểm đặc biệt của người có tu.
Dù đang sống trong môi trường bất toại, đang sống trong Quả xấu họ hoàn toàn có thể tạo Nhân lành.
Và khi họ sống trong Quả lành ngọt ngào thơm ngát mát lạnh, nếu mà họ có Chánh niệm, có Trí tuệ, họ lại tiếp tục tạo Nhân lành.

Có nghĩa là người có tu học thì dù sinh ra, dù sống trong hoàn cảnh đắng hay là ngọt, sống trong Quả xấu hay Quả lành họ đều có thể tiếp tục tạo Nhân lành, còn người không có tu học thì dù họ nhận Quả xấu hay Quả lành họ đều lấy đó làm cơ hội để tạo ra Nhân xấu.

● Tương quan Nhân-Quả nó phủ kín đời sống của chúng ta, phủ kín.
- Do cái tiền Nghiệp chúng ta bây giờ có mặt trong cảnh giới nào ? trong cái điều kiện, môi trường, đất nước, xã hội, gia đình như thế nào ?

- Do tiền nghiệp mà bây giờ mình phải có mặt trong hoàn cảnh, nhưng mà có một điều như thế này, người có tu học thì đắng hay ngọt đều là điều kiện để họ gieo Nhân lành, và như tôi vừa nói, tùy thuộc vào thái độ của chúng ta trước 6 Trần mà chúng ta sẽ tạo ra một hoàn cảnh khác trong tương lai cho mình có đủ 6 Căn hay không ? có đủ 5 Uẩn hay không đó là chuyện một.
Chuyện thứ hai, các chất lượng, nội dung của 5 Uẩn, 6 Trần, 6 Căn đó lại cũng khác nhau.

Như hồi nãy tôi nói.
Nãy giờ mình nói 6 Trần giờ mình nói qua 5 Uẩn, mình thấy 5 Uẩn cũng khác nhau.

- Hễ mình là nữ có hooc-môn nữ, nam có hooc-môn nam, mà họ mang thân nữ thì phải chấp nhận bao nhiêu hệ lụy của hình hài nữ giới, mà mang thân nam thì chúng ta sẽ tránh được bao nhiêu rắc rối của nữ giới.
● Đó là về Sắc-Uẩn.
Rồi cũng mang Sắc-Uẩn đó, hình hài đó có người bệnh nhiều, có người bệnh ít, có người không bệnh. Có người đẹp, người xấu, người cao, người thấp, mập ốm, trắng đen khác nhau và chính cái chuyện mập ốm, trắng đen, cao thấp, đẹp xấu đó, dứt khoát có ảnh hưởng đến chất lượng của đời sống rất là nhiều.
Các vị đừng nói với tôi là giống. Khác chứ.
Một người đẹp, một người cao lớn, một người có hảo tướng đời sống của họ khác với người xấu, người bệnh, chắc chắn là khác, chắc chắn là phải khác.
Đó là Sắc-Uẩn.
● Qua tới Thọ-Uẩn.
Do tiền nghiệp mà có người sinh ra sống nhiều với Hỷ-Lạc, có người sống nhiều với Khổ-Ưu, cái người tối ngày cứ dàu dàu hoài, buồn buồn hoài khác với người sống với vui vẻ lạc quan.
Đó là Thọ-Uẩn.
● Tới Tưởng-Uẩn
Hôm trước tôi có định nghĩa rồi, Thọ-Uẩn đó là cảm giác của thân và tâm, cảm giác tâm lý và sinh lý.
Tưởng-Uẩn đó là tất cả những gì nó thuộc về hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm của chúng ta, mà mình thấy một người có học thì Tưởng-Uẩn khác với một người không có học, cái Tưởng-Uẩn của ông tiến sĩ khác với ông không có tiến sĩ, cái Tưởng-Uẩn của người biết chữ sẽ khác với người không biết chữ, cái Tưởng-Uẩn của người ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khác với Tưởng-Uẩn người ở phố chợ, phồn hoa trung tâm. Khác.
Rồi có những người Tưởng-Uẩn của họ là những hồi ức, kiến thức, kỉ niệm không đáng gì. Nhưng có những người kiến thức, hồi ức, kỷ niệm của họ là những đóng góp đó rất là tích cực để nâng cao chất lượng đời sống của họ.
Tưởng-Uẩn nó khác nhau.
Rồi nói tới Hành-Uẩn.
Hành-Uẩn : cũng mang thân phận đàn bà đàn ông như nhau, cũng đẹp như nhau, cũng xấu như nhau. cũng bệnh cũng khỏe như nhau, cái gì cũng giống nhau. Nhưng mà cái Hành Uẩn khác nhau. Rồi cái thiện ác mỗi người khác nhau, có người thiện nhiều, có người ác nhiều.
Sẳn đây chỗ này tôi nói luôn nè, các vị nhìn qua bên cột dọc bên tay phải cái phần trên là 52 Tâm sở.
Hai hàng đầu tiên là 13 Tâm Sở trung tính, không thiện, không ác, nó chỉ là những thành tố tâm lý để giúp cho kiện toàn chức năng nhận thức đối tượng của tâm. Nhưng mà hai phần tiếp theo mới ghê. Đó là 14 Tâm Sở tiêu cực, khi mà nó cộng với 13 cái kia nó làm ra tâm bất thiện. Còn cái 25 Tâm Sở Tịnh Hảo nó cộng với 13 kia nó làm ra thiện.
Mà trong kinh Sa Môn Quả dạy rất rõ, đó là cái Tâm Bất Thiện nó giống như cái lưỡi của người bệnh, còn Tâm Thiện giống như cái lưỡi người lành, người khỏe.
Cái lưỡi của người bệnh là sao ?
Nó ăn cái gì cũng thấy nhạt, thấy đắng, thấy chua, thấy kỳ lắm.
Còn cái lưỡi của người khỏe, người mạnh thì nó mới có thể thưởng thức được cái này cái kia.
Ở đây cũng vậy, khi mình sống bằng Tâm Bất Thiện thì Trần-Cảnh nào đến với mình cũng là khó ngửi, kể cả đó là Tâm Tham.
Tâm Tham nó làm cho mình có cái nhìn lệch lạc về thế giới làm cho mình thích cái này, thích cái kia, mà bữa hổm tôi có nói câu này rồi. Chắc cũng cỡ ngàn lần.
Câu này đáng để xăm trong người :
- Khi ta hờn giận, bất mãn cái gì là ta đang chịu khổ ngay trước mắt.
- Khi ta đang đam mê, đắm đuối cái gì thì ta chuẩn bị khổ tương lai.
- Hễ sống bằng phiền não là như vậy đó, bất mãn, hờn giận, chống đối, trốn chạy là mình đang bị khổ trước mắt.
- Đam mê, đắm đuối, theo đuổi là mình chuẩn bị khổ tương lai.
- Chỉ có sống bằng thiện tâm thì mình mới an lạc ngay bây giờ và sau này.

● Ở trong Kinh nói là :
- Nay vui đời sau vui, làm thiện hai lần vui.
- Vui thấy mình làm thiện sanh lạc cảnh vui hơn.
Là chỗ đó đó.
Còn con người làm ác thì :
- Nay khổ đời sau khổ, làm ác hai lần khổ.
- Khổ vì mình sống ác và sanh cảnh khổ khổ hơn.
Là chỗ đó.

● Tại sao tâm có quá nhiều tâm như vậy ? là vì tùy thuộc vào thái độ tâm lý của chúng sinh, các tâm Quả bất thiện chúng ta xử lý bằng tâm Thiện Dục Giới thì chúng ta sẽ tạo ra Quả Thiện Dục Giới, chúng ta xử lý nó bằng tâm Thiền Định thì sẽ tạo ra các Quả Thiền Định, Quả Đáo Đại.
Rất là nhiều lần đối với người không có tu, không biết Giáo lý, không sống Chánh niệm, không có Trí tuệ.
Nghe cho kỹ nha.
Không học Giáo lý hoặc có học nhưng mà không Niệm, không Tuệ, thì thế giới này có vô số thứ để chúng ta quan tâm, mà quan tâm để làm cái gì ? Quan tâm để thích và ghét. Mà hễ quan tâm để thích và ghét thì coi như chúng ta tiếp tục lăn trôi, chìm đắm, gục mặt, cắm đầu để làm sao có được thích và ghét là thua rồi.
Cho nên người không học giáo lý hoặc có học láng máng nhưng mà không có sống Niệm và Tuệ, thì thế giới này có vô số thứ để họ nhìn ngắm, lắng nghe, thưởng thức hoặc chịu đựng, và từ đó vô vàn khổ lụy, khổ nhiều hơn vui.

Nhưng riêng người ly dục, nhàm chán vật chất, chuyên tâm Thiền Định thì toàn bộ vũ trụ đối với họ chỉ còn lại 10 thứ :
- Đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng.
Tổng cộng 10 thứ.
Mà các vị tưởng tượng, bỏ hết vũ trụ, trăng sao, hoa lá, chỉ chuyên tâm vào 10 thứ này. Người đó có khả năng nội tâm cực tốt. Thế là người đó chết rồi sanh vào cõi Phạm Thiên tùy vào trình độ Thiền Định của mình mà về cõi cao hay thấp, sống lâu hay sống ít, khi mà đã sống hết tuổi thọ rớt trở về cõi dục Chư Thiên nó chỉ là khoảnh khắc của viên sỏi ném xuống ao bèo mà thôi.

Mình nói ra là 500 đại kiếp, 1000 đại kiếp, 84.000 đại kiếp, kể con số cho vui thôi, chứ tính ra cái dòng chảy luân hồi tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung, đằng đẵng vằng vặc ... thì 84.000 chỉ là thời gian chớp mắt của A Tăng Kỳ, và đã có bao nhiêu vị Phật ra đời, vô số, vô số ... Vậy mà chúng ta hôm nay vẫn còn lừ lừ, lừng lững và sừng sững .... với thân phận phàm phu của mình.

🌾 Sư Giác Nguyên giảng.
☘️ Lớp Phật Pháp Căn Bản (buổi 4).
(Lý Ngọc Nga ghi chép).

🙏Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

---------------------------☘️

🙏Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn .. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240104/615-BT 4 (buổi học 4 -04.01.2024).pdf
  • 20240104/Buổi 4-HỌC GIÁO LÝ SƯ GIÁC NGUYÊN(04.01.2024).docx
  • 20240104/GIÁO LÝ CĂN BẢN BUỔI 4 (4-1-2024).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản