← Giáo Lý Căn Bản
[001] 26.12.2023 [002] 28.12.2023 [003] 02.01.2024 [004] 04.01.2024 [005] 09.01.2024
[006] 11.01.2024 [007] 16.01.2024 [008] 18.01.2024 [009] 23.01.2024 [010] 25.01.2024
[011] 30.01.2024 [012] 06.02.2024 [013] 15.02.2024 [014] 26.03.2024 [015] 04.04.2024
[016] 12.04.2024 [017] 19.04.2024 [018] 25.04.2024 [019] 09.05.2024

Lớp Phật Pháp Căn Bản
8 - Thứ Năm, ngày 18/01/24
(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng).

✴️TÂM SỞ TRUNG TÍNH (2)

Thưa đại chúng, chúng ta ôn lại một tí bài cũ trước khi học bài mới, tức là cái thành tố hay cấu tố, chất liệu tạo nên vũ trụ này nó gồm có hai phần, đó là phần TÂM và phần VẬT, tức là DANH và SẮC, còn từ của triết học hiện đại gọi là TÂM và VẬT, thì hai cái này nó là hai cấu tố, thành tố, chất liệu căn bản để làm nên vũ trụ, trong đó gồm có chúng sinh và những cái ngoài chúng sinh.
Thì cấu tố hay là chất liệu đó nó gồm có hai phần đó là phần DANH và phần SẮC.

Phần Sắc chúng ta sẽ học sau, chúng ta chỉ nhắc sơ qua thôi, Sắc ở đây là những chất liệu căn bản làm ra vô số thứ trong cuộc đời này mà được gọi là vật chất, đương nhiên có những thứ vật chất căn bản là vật chất tối, có những thứ từ ánh sáng, âm thanh, hình ảnh mà mắt thường không thấy được, miễn là tự thân nó có những thuộc tính không thuộc về tâm linh, không thuộc về tinh thần, thì mình gọi đó là vật chất. Đó là định nghĩa căn bản về Sắc Pháp.
Và cái trước hết ở đây chúng ta bắt đầu học về cấu tố đầu tiên của Vũ Trụ.
Đó là về Vật Tâm, thì Tâm ở đây có gồm có các trường hợp sau : Đã là Tâm thì đó là Tâm thiện hay là Tâm ác, chính hai cái thiện ác này nó mới cấu tạo nên vũ trụ, đương nhiên là có Tâm thiện, Tâm bất thiện, và có Tâm thứ ba nữa là Tâm Trung Tính gọi là Tâm Duy Tác. Có Tâm Duy Tác nữa.
Tâm này có để làm việc thôi chứ tự thân nó không phải là thiện không phải là ác, cái đó đào sâu vô là mệt lắm.

Cho nên trước mắt học những gì mà thiết thân gần gũi mình thôi, thì hai chất liệu làm nên cái gọi là Tâm Thức của chúng sinh nó gồm có hai công thức sau đây :
1️⃣ Công thức tạo nên Tâm bất thiện hay là Tâm ác, Tâm xấu
2️⃣ Là những chất liệu và quy trình làm nên cái gọi là Tâm thiện, Tâm lành, Tâm tốt.
Thì hai công thức đó nó như thế này, nó có điểm giống nhau trước hết là Tâm, ở đây mình kể là một.
Để số 1 trước.
Tâm ở đây chỉ là biết Cảnh thôi, rồi nó cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính, 13 Tâm Sở này nó là những thành tố bắt buộc phải có để làm nên cái gọi là khả năng nhận thức đối tượng, chưa biết thiện ác, chưa biết thiện ác, phàm thánh, dục thiền, chưa kể.
Chuyện đầu tiên nhận thức đối tượng phải là cái Biết cộng với 13 Tâm Sở hay 13 Thành Tố tâm lý trung tính không thiện ác.
13 Tâm Sở, 13 thành tố đó nó gồm có 6 Biến Hành và 7 Biệt Cảnh.
Phải nói tên chứ bà con dò vô sách dò không có ra.
- Biến Hành đây có nghĩa là trong mọi tình huống bắt buộc là phải có 6 Tâm Sở này. Gọi là Biến Hành.
- Còn cái Biệt Cảnh là đôi khi phải rút bớt nó ra lúc có, lúc không.
Và 6 và 7 này cộng lại thành ra 13.
Nó có nghĩa là Tợ Tha.
- Có nghĩa là 13 Tâm Sở này khi nó đi với các Tâm Sở xấu, các Tâm Sở tiêu cực thì nó làm nên Tâm ác.
- Còn 13 Tâm Sở này khi mà nó đi với 25 Tâm Sở tích cực thì nó làm nên Tâm thiện.
Bây giờ trước hết mình phải học 13 trước cái đã, rồi mấy buổi học sau thì mới học tiếp
13 + 14 ra Tâm xấu
13 + 25 ra Tâm tốt.
Thật ra mà nói, cái lớp này chúng tôi hướng dẫn các vị tham khảo nghiên cứu tập sách chứ tôi không có làm cái chuyện hướng dẫn ABC là không. Nha. Không.
Không có chuyện đó, bởi vì hôm nay chúng ta đã có internet rồi các vị có thể vào tham dự rất nhiều và rất nhiều các lớp học và lớp học kiểu hướng dẫn ABC cho các người sơ cơ và điều đó đôi khi nó làm mất thời giờ chúng ta. Bởi vì chúng tôi chỉ giúp cho các vị cái gì mà các vị không có tự làm được, như hôm đó tôi có nói. Tôi về Việt Nam hoặc là tôi đi ở những nơi khác như Mỹ, Úc hay là Châu Âu. Tôi có nhận ra một điều đáng buồn đó là tất cả chứ không phải hầu như, tất cả phật tử mình là thích lang thang trên cánh đồng Chánh Pháp. Thích lang thang trong khu rừng tu học, nhưng mà tất cả đều được ngủ lều, có nghĩa là cứ chiều tới sương xuống là bung lên chun vào đó, sáng xếp lại rồi đi lang thang, mưa to gió lớn là ôm nhau khóc. Bởi vì lều mà.

Và nói tới lều thì phải kể bà con nghe chuyện này, nó chính là chân dung, nó chính là nhan sắc, nó là cái diện mạo của phật tử Việt Nam. Cái tội ngủ lều.
Có hai anh đó đi cắm trại ngủ lều, nữa khuya một anh anh tên Tèo, anh tên Tí.
Anh Tèo nửa đêm khều anh Tí lúc đó đang ngáy, đang ngủ say. Anh Tèo khều anh Tí ảnh hỏi :
- Có thấy gì không ? thì anh Tí đang ngủ say, anh mở mắt ra liếc lên dụi dụi mắt
- Thấy cái gì đâu ?
- Nhìn kỹ lại coi.
- Trời đầy sao, trời sao có nghĩa là trời trong, mà trời trong có nghĩa là ngày mai nắng đẹp, mà chuyện đó có gì đâu. Ngủ tiếp.
- Không. Nhìn kỹ lại coi. Nhìn kỹ coi có gì đặc biệt không ?
- Thì trời trong, nhiều sao, không có mây.
- Cái gì nữa ? - Thì đêm nay không có mưa.
- Rồi sao nữa ? - Thì đêm nay và ngày mai tụi mình sẽ có một ngày cắm trại tuyệt vời.
- Không. Ngó kỹ lại coi.
- Tôi có thấy gì đâu ?
Tèo nói : Cái lều của mình bị mất rồi.
Thì ở đây tôi cũng nói luôn, lều nó có hai loại, một loại bung ra nó chỉ chụp ở trên thôi, chụp xuống còn ở dưới mình tiếp đất trực tiếp, mình phải trải cái gì thêm.
Lều thứ hai là mình chung vô cái lều đó thì có phần che và có phần lót ở dưới nữa, lều này hễ mình còn nằm trong đó là không có mất. Nhưng lều loại 1 là mất. Loại 1 chỉ có phần che trên thôi, còn phần dưới trải là riêng, thì hai anh này xài loại lều 1, cho nên phần lều trên bị mất anh không biết. Thì mình không cần biết ai trộm hay gió cuốn, không cần biết, chuyện quan trọng nhất là cái lều bị mất.
Cái tội ngủ lều.
Bởi vì lều nó tạm như vậy đó. Thì mình thấy câu chuyện đó sâu lắm, sâu hai mặt. Mặt thứ nhất :
- Mình học đạo là mình chỉ có được cái nhìn hời hợt của anh chàng kia thôi, tức là chỉ thấy trời trăng, hoa lá. Nhưng mà quên cái thực tại ngay trước mắt, cái lều mất không hay, mà chỉ biết là trời nhiều sao và hứa hẹn một ngày mai rất đẹp, một ngày cắm trại tuyệt vời.
Ảnh nghĩ toàn chuyện xa vời nhưng mà trước mắt là tối nay ngủ không có lều che.
Đấy ! Thì đó là cái tội ngủ lều nó như vậy đó quý vị.

Tôi nhìn tôi thấy Phật tử mình lang thang trên cánh đồng Chánh Pháp, nhưng mà ngủ lều không, rồi mưa to gió lớn thì sao ? Cái chuyện mà chúng tôi nhận lời các vị trong nước để mà mở cái lớp này là nhằm vào mục đích cho bà con có nhà cửa đàng hoàng. Nhưng mà chuyện đầu tiên không thể một ngày một buổi mà chúng ta có ngay một cái nhà chắc chắn, vững chãi và hoành tráng được.
Cho nên trước mắt chúng tôi chỉ dựng cho quý vị một cái chòi thôi.
Chòi làm mấy cái cột chôn đất đàng hoàng, có mái che, có vách có cột, có mấy cây cột, nếu mà chòi 2 mái thì 6 cây cột, 2 cây cao nhất và 4 cây bằng nhau tạo thành 2 mái cho cái chòi.
Thì sau lớp này, bà con trên nền tảng của cái chòi đó, bà con mới thay từ từ, từ mấy cây cột tre thay bằng cột gỗ tạp, mới nới chòi ra thành ra cái nhà nhỏ, rồi mình sử dụng các loại gỗ quý hoặc là cột bê tông, rồi từ mái lá, mái tranh mình mới nâng lên thành mái tôn mái ngói, rồi cái vách buổi đầu chòi cũng vách lá, nhưng mà từ từ vách gỗ hay là vách tường, vách đá. Tùy.

Nhưng mà chuyện đầu tiên là các vị phải có cái nền trước, như cái câu chuyện mà tôi vẫn thường kể nhiều người hiểu lầm tưởng đâu là chuyện tào lao, nhưng đối với tôi rất là quan trọng, bởi vì câu chuyện hồi nãy túp lều là nói lên hoàn cảnh của người ngủ lều.
Bi kịch của người ngủ lều.

Còn chuyện thứ hai, chuyện tôi sắp kể đây nó là hành trình tu học của một người phật tử, phải học như nhân vật chính trong câu chuyện đó.
Đó là vào một buổi chiều muộn ở vùng nông thôn, có một anh lính vừa giải ngủ giã từ binh nghiệp, trên đường về quê đi ngang vùng nông thôn đó đói lạnh mệt và buồn ngủ, thì đói lạnh và buồn ngủ. Lính mà quý vị, tiền làm gì có ? cái gì cũng không, ở trong cái đãi của anh không có gì hết, chỉ có một hai món lặt vặt, thì ảnh mới gõ cửa một nhà dân xin ngủ nhờ. Một bà cụ ra mở cửa, mà xui cho ảnh là bà cụ này cực kỳ bủn xỉn, vắt chày ra nước, bả kẹo lắm, thì anh này gợi ý tới lui mấy lần vậy đó.
- Đói quá cụ ơi, tối nay gặp được cụ con mừng có chỗ ngủ, con mừng lắm, nhưng mà chắc cũng phải kiếm gì ... đói quá bụng sôi khó ngủ.
Thì bà nói :
- Ra ngoài lu múc miếng nước vô cái bụng nó đầy đầy là ngủ.
Mà ảnh cứ nằm ôm cái bụng lăn qua trở lại, sức lính, sức trai mà làm sao chịu nổi. Cuối cùng anh xách cái rìu, cái búa trong balo ra ngoài cái lu nước kỳ cọ rửa sạch thiệt là sạch, sạch lắm, sạch bóng.
Ảnh kỳ cọ cái rìu xong đem vô gặp bà cụ ảnh nói
- Trong thời gian con đi lính có một lần con làm ơn cho dân bản làng vùng cao, vùng sâu, người ta mới tạ ơn cho con một cái búa thần, có búa này thì chịu cực một chút thôi là có thể không có đói.
Thì bà lão mới nói : Búa là búa làm sao liên quan tới chuyện đói no ?
- Dạ có ... có liên quan, có.
Bây giờ cụ cho con mượn cái nồi, hồi chiều con tưởng nhà mình có cơm nguội sẵn, nếu nhà không có cơm nguội thì con thì con mới xài tới cái búa thần này, kẹt lắm mới xài chứ cái búa này xài hoài sẽ hết linh.
Anh mới mượn bà cụ cái nồi, bà thấy lạ lắm, bà nghĩ cho mượn cái nồi thì có mất gì đâu. Bà cụ đưa anh mượn cái nồi, anh để cái rìu xong anh nói : Chết cha quên rồi ! anh ra múc lưng lưng nửa nồi nước, nước ngoài lu rồi thả cái rìu vô.
Ảnh mới mượn bà cái muỗng, cái gì cũng phải mượn hết, bà này kẹo lắm, người bả kẹo lắm, ảnh mới bỏ rìu vô nấu, ảnh nấu nước một đỗi sôi tim, ảnh mới lấy cái muỗng múc nước ảnh nếm nếm ... rồi chắp chắp lưỡi ... gật gù ... được quá. Cái này mà được chừng nắm gạo nữa là tuyệt.
Thì bà cụ tới đây chịu hết nổi rồi.
Tò mò quá, hốt nắm gạo đưa ảnh, ảnh nói cái này sơn hào hải vị chứ không phải đồ trần gian.
Nhưng mà ăn gì thì phải ra cho đúng cái đó, ăn cái gì cũng phải có chút xíu gia vị. Bây giờ cụ cho con ít bột nêm nữa thôi, cái này mà thêm bột nêm hành lá nữa là tuyệt, bả chịu hết nổi bả mới thò tay lên bếp rút hủ bột nêm đưa cho ảnh, xong rồi bả nói hành lá, ngò rí, rau thơm cứ ra ngoài hè hái thôi chứ ở trong nhà không có sẵn, tôi là nhà quê mà. Thế là anh ra ngoài hè hái mớ hành lá, ngò rí, rồi tiện tay anh móc củ gừng lên gọt vỏ, xắt mỏng, xắt sợi, bỏ vô nồi. Lúc bấy giờ nắm gạo hồi nãy nó đã nhừ rồi, thì bột nêm, ra sau hè hái rau ảnh gặp có một quả trứng gà đẻ rớt lượm đập bỏ vô luôn.
Ảnh nói : Cụ ơi, đúng ra rìu với nước sôi là đủ rồi, nhưng mà tại vì cháu muốn mời cụ ăn phải có cái này cái kia cho nó lạ miệng, phải giống cái mà cụ thường ăn thì cụ mới ăn được, chứ lính lác của tụi cháo thì cái rìu này với nước sôi là đã đủ rồi.
Trứng gà, gừng, hành lá, ngò rí, bột nêm, xong xuôi hết anh rút rìu ra ảnh đem rửa, rửa thiệt là kỹ, rửa mà ảnh mân mê, ảnh nói cái này cháu giải ngũ rồi gia tài chỉ có cái này, bao nhiêu đây là về quê sống được rồi, cảm ơn cụ nhiều lắm.
Bà hỏi :
- Món này kêu là món gì ?
- Dạ, món cháo rìu.
Thì các vị biết, ảnh mới múc ra mời bà cụ một chén, còn phần còn lại là anh ăn hết, mà bà cụ anh ăn hết cái chén mà bà vô nằm cứ trăn trở hoài. Lạ . Sống tới tuổi này mà có bao giờ nghe nói tới cái món cháo rìu, mà thật ra có cái gì mà lạ vậy ta ? tại sao cái rìu mà nấu ăn được.
Thật ra đương nhiên chúng tôi kể tới đây chúng tôi cũng không biết làm sao, cái rìu đó đương nhiên mình phải tin cái rìu đó có phép màu rồi.
Mình làm sao mình tu mà mình có được cái rìu đó là quý vị khỏi có lo, về Kalama là mình không có lo gì hết. Nhưng mà đó là chuyện hơi tâm linh, bây giờ mình chỉ kể chuyện đơn giản thôi.

TU HỌC LÀ CÁI GÌ ?
Là mình tích cóp, mình thu gom từng thứ, từng thứ, thì cuối cùng nó ra món cháo rìu. Nó ra như vậy thôi.

TU HÀNH LÀ GÌ ?
Tu học là hành trình nấu cháo rìu chứ không có gì hết, thì mình thấy có mối quan hệ nào giữa cái rìu đó và tô cháo đó hay không ? thì thích quý vị nói có cũng được, không cũng được. Nhưng mà tôi chỉ nói nhỏ với quý vị một chuyện thôi. Không có cái rìu đó thì không có nồi cháo đó.
Các vị tự tư duy chỗ này nha. Thấy nó là cái rìu là cái búa đó, nhưng mà tôi chỉ gợi ý thôi, không có cái rìu đó thì không có nồi cháo đó.
Bởi tôi kêu cái rìu thần kỳ.
Rất là tâm linh, thần mà làm sao không tâm linh được.
Cho nên ở đây thật ra ba cái vụ Tâm Sở này nó là cái rìu chứ không có gì hết trơn, học giáo lý toàn là học cái rìu thôi. Tôi không có phủ nhận, phỉ báng giáo lý, nhưng mà tôi gợi ý một chuyện như thế này :
- Hôm nay mình học để lấy đó làm cái nền, rồi trong quá trình mình tư duy, thấm thía, tiêu hóa giáo lý thì cái mà các vị có được nó không giống như cái hôm nay quý vị nghe tôi nói. Rồi thêm một bước nữa, khi các vị thực tập hành trì và cuối cùng các vị thể nghiệm và chứng đắc, thì lúc bấy giờ nó càng khác nữa, cái gọi là Vũ trụ, cái gọi là Tâm sở, Sắc Pháp nó còn khác nữa. Nhưng mà nó phải là trên cái Nền.
Phải là trên cái Nền.

Ví dụ tôi nói không biết bao nhiêu lần, cái tấm bản đồ bằng giấy trong đó có những con đường, nó có những giếng nước, có những khu phố, thấy là thấy vậy thôi, chứ con đường trên đó nó đâu giống con đường ở ngoài.
Con đường có đất, có sỏi, có cỏ, có nhà cửa, con đường ở ngoài khác con đường bản đồ. Đã vậy tấm bản đồ nó bằng bàn tay mình thôi, làm sao bì được mấy trăm km2 nhưng mà cứ lấy bản đồ bằng tay này để tung hoành trên khu vực mấy trăm km2 đó, thì tôi hứa Ok. Đừng có chê thấy nó nhỏ xíu rồi bỏ, đừng có chê nó là cái rìu không mắc mớ gì nồi cháo rồi liệng.
Sai, sai .. sai.
Không có cái rìu đó đừng hòng có nồi cháo đó, lý do dĩ nhiên tôi đâu có hiểu cái rìu đó thần kỳ như thế nào tôi đâu biết được, nhưng mà tôi chỉ kể các vị nghe để các vị thấy là không có cái rìu thì không có nồi cháo kia.
Chỉ vậy thôi.

Thì sáng nay chúng ta học tiếp 7 cái Tâm Sở tiếp theo của cái nhóm gọi là 13 Tâm Sở Trung tính thành tố để làm nên cái nồi cháo rìu kia,
13 mình học 6 rồi.

XÚC là trạng thái giáp mặt, tương hội, kết nối, gặp gỡ, tao phùng giữa các thành tố tâm lý với nhau, thì bản thân sự giáp mặt, tao phùng, kết nối, gắn kết ấy nó được gọi là Tâm Sở Xúc. Nó phải có.
Tâm thức phải có sự kết nối.
THỌ là khía cạnh yếu tố cảm xúc, cảm giác, không thể nào có Tâm mà không có Thọ. Sai.
Cái thứ 3 này mới sâu nè, tôi sợ nói nhiều bà con bị rối rồi bị loạn, cái này tôi ước gì có dịp mình học lớp Intensive tôi nói cho đã cái này, chữ xúc mình nói lên cái bản chất. Đúng. Nó là như vậy đó, nó là sự giáp mặt, sự tao phùng, sự tượng hội, chỉ đơn giản có vậy thôi. Nhưng mà có một chuyện mà bà con bắt buộc phải biết đó là tại sao cũng hình hài đó, cũng thân phận đó, cũng bối cảnh môi trường không gian đó, mà tại sao Danh Sắc giống nhau, mà tại sao có kẻ sống thiện sống bất thiện, tại sao có kẻ lấy cái xúc của mình để làm chuyện này, mà tại sao có người lấy cái xúc của mình để làm chuyện khác.
Lớn chuyện lắm nha.

THỌ cũng vậy, tùy vào tiền nghiệp khuynh hướng tâm lý của mình, mà mỗi người có một đời sống cảm giác không giống nhau.
Đấy. Nhớ nha.
Cái này sâu lắm nha.

Thái tử Tất Đạt cũng có 13 Tâm Sở giống như mình vậy đó, cũng xúc, thọ, tưởng, tư, mạng quyền, tác ý, y như mình vậy đó, nhưng mà tại sao ? tại sao mà Thái tử Tất Đạt 29 tuổi ở một thời điểm gọi là ngon lành nhất của đời sống, bỗng nhiên Thái tử có những nhận thức lạ hơn mình rồi Ngài bỏ hết Ngài đi. Nhớ nha.

Cho nên cái Thọ ở đây mình chỉ học về, học mang tính công đức thì học Thọ là đời sống cảm giác thôi, chứ còn nếu mà học sâu mình sẽ thấy rằng tại sao có kẻ họ thích dùng xúc của họ để xúc này xúc kia không giống người kia.
THỌ cũng vậy, TƯỞNG cũng vậy, cái Tưởng của Ngài A Nan làm sao giống cái Tưởng của mình, mặc dù chỉ riêng Tưởng là trạng thái thì giống. nhưng mà mình nói rằng 100% đều giống thì không.
Khía cạnh nào là giống, khía cạnh nào là khác, tôi ví dụ con dao trong hai nhà bếp khác nhau hay giống nhau ?
Giống nhau chứ, con dao cùng một hiệu, cùng một kích thước, cùng một trọng lượng, cái gì cũng cùng, cùng, cùng, cùng.. cùng một nhãn hiệu luôn.
Nhưng mà vấn đề ở chỗ có điểm khác, có một con dao gọi là hung khí tang vật nhưng có con dao người ta chỉ gọi nó là đồ làm bếp.
Mà tại sao có trường hợp nó lại bị xem là tang vật ? Tại sao vậy ?
Cho nên là nhớ nha.
XÚC, THỌ, TƯỞNG, TƯ hôm qua tôi đã định nghĩa rồi tôi không nói nữa.
Tôi mệt lắm.
Thì đó là 6 thành tố bắt buộc phải có để làm nên cái gọi là khả năng nhận thức đối tượng.
Nhưng mà chưa, 6 cái còn 7 cái tiếp theo nữa, cái đầu tiên là gì ?
- TẦM, TỨ, THẮNG GIẢI, CẦN, HỶ, DỤC.
Tôi nhắc lại lần nữa, tôi nhắc lại ở đây lần nữa quý vị có thể thấy rất nhiều định nghĩa khác nhau về Tầm. Nha. Tôi không hề có ý mong đợi, trông chờ, hi vọng là bà con phải xem định nghĩa của tôi là tuyệt đối. Sai. Tôi không hề có ý đó. Tôi chỉ định nghĩa cho bà con có khái niệm thôi, và đương nhiên trong đây tôi biết mà, tôi biết trong đây có đệ tử học trò của các thầy giảng dạy trong đây. Như là vừa rồi tôi có ngẫu nhiên thôi, ngẫu nhiên thôi, tôi có một vài khoảng chừng năm ba phật tử lâu nay họ vẫn liên lạc với tôi để họ học cái này hỏi cái kia.
Có người ở Mỹ, có người ở Châu âu, Châu âu là Đức, có người ở Pháp, có người ở Việt Nam. Tôi đâu có biết đâu, tôi đâu có biết.
Đặc biệt là có mấy nhân vật ở Việt Nam, miền Bắc nữa, Quảng ninh rồi Hà nội, thì bữa tôi tình cờ cách đây mới mấy ngày thôi, nó mới lòi ra một chuyện, có nghĩa là những gì mà họ nghe tôi giảng, họ mới đem đối chiếu với Sư phụ của họ.
Như một cô ở Quảng Ninh, cuối cùng cổ gửi tôi cái hình, cổ liên lạc với tôi cổ cho tôi biết cổ nghe rất nhiều định nghĩa khác nhau về giáo lý đó, nhưng mà sau cùng thì cổ chốt lại là cổ vẫn chọn định nghĩa và cách nói, cách nhận thức của Sư phụ cổ hơn.
Mặc dù lâu nay cổ vẫn cho tôi một hiểu lầm là cổ học tôi. Nhưng mà không, chỉ là tham khảo thôi.
Tham khảo. Nhớ nha.
Cho nên ở đây cũng vậy, tôi chỉ làm viêc định nghĩa thôi. Định nghĩa cho bà con có khái niệm thôi. Còn chuyện mà bà con chốt lại bà con theo ai thì cái đó là chuyện ngoài tầm kiểm soát nha. Rồi.

TẦM ở đây là cái gì ?
Là trạng thái hướng tìm, lục lạo, lục lọi, hướng tìm lục lạo lục lọi đối tượng.
Tại vì mình không có sống lắng tâm, mình không Niệm, không Định, không Tuệ.
Không Niệm, không Định, không Tuệ.
Mình sống lăng xăng lít xít, cho nên mình không có bao giờ, chưa kể là không có kiến thức giáo lý, cho nên mình không có ngờ cái gọi là Biết, cái gọi là Thấy, cái gọi là nhận thức, nó phải cùng lúc được thiết lập trên một nền tảng.
Một là số ít.
Trên một nền tảng của rất nhiều cấu tố, thành tố, yếu tố, chi tiết và khía cạnh tâm lý nó làm nên cái Biết đó. Chứ không phải đơn giản đâu.

Ở đây bà con không tin phải không ? Giờ tôi chứng minh cho bà con tin, hai con mắt giống nhau y chang, hai con mắt đều tỏ hết, mình là một cặp mắt, mấy người kia chung quanh mình một trăm người ai cũng có một cặp mắt giống nhau hết đúng không ? Đấy.
Nhưng cái "nhưng" này mới quan trọng nè.
Thông qua thể trạng, não trạng, tâm trạng, ba cái trạng này.
Thể trạng, não trạng, tâm trạng, bối cảnh gia đình, trình độ giáo dục, kinh nghiệm từng trải, những trải nghiệm trong đời sống, bối cảnh gia đình giàu nghèo, trí thức hay bình dân, tất cả những cái đó nó mới cộng lại khiến cho chúng ta có một cái nhìn khác nhau về thể lý con mắt một trăm người đều nhìn cái bông giống nhau hết.
Để bông trước mặt nhìn đi.
Nhưng mà thông qua nền tảng tâm thức cá nhân, thì nhận thức của mỗi người, cảm giác mỗi người khi nhìn cái hoa đó nó khác nhau nhiều lắm quý vị. Như tôi nhìn cái bông chuyện đầu tiên là tôi nghĩ tới cái gì ?
Tôi nghĩ tới bàn Phật.
Tại vì tôi là thầy chùa. Đấy.
Và trong đám Tăng ni, Tăng ni mà đứng bên cạnh tôi họ nhìn cái hoa đó, tôi thì tôi nghĩ đến chánh điện, nhưng mà trong đó có một vị Sư đứng kế bên tôi lại nghĩ đến phòng Thiền tại vì phòng Thiền hay chưng hoa, rồi có một người họ nhìn đến hoa đó họ nghĩ đến phòng kiêng, VN kêu là phòng vong, có nhiều người họ vô chùa công việc thường nhật của họ là họ cứ loay hoay trong phòng vong, phòng ký linh họ nhìn hoa ấn tượng đầu tiên là nghĩ tới phòng vong, chết cha sáng nay chưa có dọn. Ây da, cuối tuần này gia đình họ lên họ cúng mà mình chưa có dọn, chiều nay xong buổi họp mặt này mình phải về mình dọn. Thí dụ như vậy.
Cho nên chỉ nhìn cái hoa thì giống nhau, nhưng mà đằng sau đó rất là nhiều thứ, nó làm nên cái khác biệt của chúng ta khi mà nhìn một cái hoa.

Ở đây cũng vậy
TẦM, TỨ, THẮNG GIẢI, CẦN, HỶ, DỤC mấy thành tố tâm lý này tại sao mình không thấy nó ? Tại vì mình cứ lo sống lăng xăng mình không có ngờ là ngay trong cái thấy của mình, như hồi nãy tôi nói thấy cái hoa mà nó có quá nhiều thành tố tâm lý, thì ở đây cũng vậy, những thành tố tâm lý ở đây gồm có Tầm, Tứ, Thắng giải, cái này mình nghĩ là không có nghĩ là nó có, nhưng mà có học giáo lý mới biết, không có đơn giản đâu. Không phải mình nói thấy có nghĩa là thấy giống nhau. No.
Nền tảng trong đó nó có rất là nhiều thứ, bằng chứng là khi mà con mắt mình nhìn mà đầu nghĩ qua chuyện khác là mình đã không thấy, con mắt mình nhìn rõ ràng nhìn mà không thấy,
To see chứ không có To look.
Nhớ cái đó.
Cho nên ở đây quan trọng nhất học để biết.
Ồ thì ra cái gọi là con người, con thú, phàm thánh, tiên nhân, buồn vui, thiện ác, mắt tai mũi lưỡi, mình kể từng thứ ra nhưng mà trong đó không có thứ nào mà là một, không có thứ nào là một thứ duy nhất mà nó đều là khối tổng hợp, trong niềm vui nỗi buồn hay trong thấy, trong nghe của mình nó có nhiều yếu tố tâm lý. Thì một trong nhiều yếu tố đó là gì ? Là Tầm.

TẦM trạng thái hướng tìm.
TỨ ở đây một định nghĩa gọn gàng nhất đó là quan sát.
Các Ngài cho ví dụ :
- Tầm giống như động thái bay tới từ xa của con ong.
- Tứ là động thái vờn quanh lượn lờ của con ong.
Thì cái vòng quanh lượn lờ đó là Tứ, còn động thái từ xa nhắm tới đó là Tầm.

THẮNG GIẢI là gì ?
Là sự xác định, xác định.
Tại sao không phải là a không phải là b mà lại là c. Thì trạng thái xác định đó được gọi là Thắng giải, dứt khoát. Chữ thắng giải dịch theo tàu, tại sao có thắng giải ? chuyện này trớt quớt hà, chuyện này tôi nói một tỷ lần rồi, cho nên tôi mệt tôi không thèm nói, là tại sao có những chữ dịch nghe rất là kỳ, tại vì trong chỗ dịch trường chỗ dịch Kinh, các vị thống nhất với nhau đở mất thời gian thì có những chữ như vậy có nhiều nghĩa họ lựa nghĩa mà phổ cập nhất, nổi bật nhất họ lấy cái nghĩa đó họ làm nghĩa chuẩn.
Cứ vậy dịch cho nó lẹ.

CẦN, HỶ, DỤC
Thì CẦN ở đây nếu mình dịch theo kiểu tự điển Cần là Siêng, cần mẫn, chuyên cần. Nhưng mà ở đây trạng thái ra sức, tôi thích chữ ra sức hơn, chứ còn kêu cần, siêng chỗ này có gì đâu mà siêng, khi mình nhìn cái gì đó phải có cái ra sức thì đó gọi là Cần.

HỶ là khía cạnh nó từ tiếng Pali gọi là Pīti, từ ngữ căn là Pī nghĩa là uống mà nó cũng có nghĩa là no.

XẢ là cảm giác hờ hững.
ƯU là cảm giác bất mãn, khao khát, muốn vượt thoát cái này mà nhắm tới cái khác đó là Ưu.
Nhưng mà riêng Hỷ là đủ rồi. Hỷ đây là một cảm giác no đủ, không muốn dừng lại ở đó hoài, bởi vì nó là no, nó là full.
Rồi. TẦM, TỨ, THẮNG GIẢI, CẦN, HỶ, DỤC.

DỤC ở đây là muốn, phải là muốn, muốn ở đây bản thân nó không phải là phiền não và tham ái, cái đó không phải muốn phải nha.
Dục ở đây, bây giờ các vị nghe tôi nói, mình thấy cái ly nó nằm không đúng chỗ, nó nằm meo quá, mình lấy tay mình dời nó vô trong một chút. Cái đó đâu có gì gọi là muốn, thích thú đam mê trong đó, nhưng mình thấy cái chuyện đó cần làm mình bèn làm, thì trong cái khoảnh khắc đó trạng thái tâm lý đó được gọi là dục, là muốn.

Như Đức Phật khi mà Ngài đi trên đường Ngài thấy một vũng nước Ngài cũng tránh, nhưng mà tránh bằng cách nào ? đang đi đường thẳng mà, thì Ngài phải có ý muốn, ý muốn dời bước chân qua trái hoặc là qua phải, mà tại sao không qua phải, tại sao không qua trái ? vì bên trái nó là gai góc hoặc là bên phải nó gai không, thì lúc bấy giờ để tránh vũng nước đó Ngài chọn nơi nào an toàn Ngài bước qua. Ngài đâu còn tham ái nữa. Cái muốn này chỉ là cái quyết định hành động, cái chọn lựa. Đúng.
Chọn lựa hành động.
Muốn đây chỉ là chọn lựa hành động, lúc này chuyện dời cái ly là chuyện cần thiết, dời cái chân mình sang một bên là chuyện cần thiết, thì chọn lựa hành động gọi là Dục.
Nó chỉ đơn giản là một chọn lựa hành động.

Thì như vậy mình ôn lại
TẦM, TỨ, THẮNG GIẢI, CẦN, HỶ, DỤC.
Đây là những khía cạnh tâm lý cần có để làm nên cái gọi là khả năng nhận thức, mà sở dĩ 7 cái này mà nó được gọi là biết Cảnh là vì sao ?
Là vì mình thấy lúc có lúc không, như Hỷ là lúc có lúc không, có những lúc tâm không có Hỷ thì bỏ nó ra. mấy tâm Thọ Xả thì bỏ nó ra.
Như vậy thì 13 Tâm Sở này mình cộng lại nó là 13 Tâm Sở Nền. Là sao ta ? có nghĩa là TÂM CHỈ LÀ CÁI BIẾT cộng với 13 Tâm Sở Nền mình gọi chung là 14 cho nó dễ, thì chính 14 cái này, 14 cái cấu tố, thành tố, yếu tố này nó làm nên khả năng nhận thức, tức là khi mình nhìn, mình thấy, mình nghe cái gì đó là phải nhờ tới mấy cái này, mà chưa kể thiện ác buồn vui của mình cũng cần tới Nền của 13 cái này. Bởi 13 cái này nó là khả năng nhận thức đối tượng, còn chuyện thiện ác buồn vui mình phải cộng thêm, cái này là cái Nền.
13 cái này là 13 cái Nền. Nha.
Bây giờ cái Nền là gì ?
Là đóng móng, làm cừ, đóng cừ, đổ móng, xong rồi. Nhưng mà bây giờ tới phần trên, phần trên mình cất nhà vuông hay nhà tròn ? Đấy. Vuông, tròn, chữ nhật hay lục giác. Đó là phần phía trên, nhưng mà cái nền bắt buộc phải giống nhau, đó là phải cừ móng cho ổn định cái đã, trên cái nền đó mình mới cất nhà sơn màu gì, nội thất bên trong trang trí ra làm sao, giá trị như thế nào, rẻ tiền hay đắt tiền, ba xu hay bạc tỷ ... thì cái đó là chuyện khác, nhưng mà trên căn bản cất nhà phải có cái móng, phải có cái nền trước, thì như vậy là mình vừa học xong mô hình cấu tạo, cấu trúc của một Tâm. Mà bắt đầu là cái BIẾT không phàm thánh, thiện ác, cái Biết là 1, chỉ là 1 thôi.
Tâm chỉ là 1 cộng với 13 Tâm Sở.
Rồi cái gì nữa ? vậy thôi, bữa nay mình học luôn bữa nay luôn cho rồi. Cộng với 13 cộng với 14 Tâm Sở tiêu cực, ai mở ra cho coi giùm 14 Tâm sở tiêu cực, 14 Tâm Sở đó mình thấy nó chia thành nhiều nhóm :
- Nhóm Si phần
- Tham phần
- Sân phần
- Hôn phần
- Hoài nghi
Nhớ nha. Mà tại sao có nhóm ? nhóm này là sao ? là bởi vì nếu mình không học gì hết thì mình chỉ biết phiền não là Tham Sân Si đã không ? rồi lâu lâu cứ nghe ba chớp ba nháng, nghe nói có Tà kiến, nghe nói có Ngã mạn, có Ganh tị vậy đó ... Lâu lâu có nghe một chút mà không biết nó nhét vô đâu, kẹt ở chỗ này nè Phiền não thì chỉ nghe nói có Tham Sân Si ... rồi sang trang qua trang khác. Rồi cứ đi lang thang, lang thang chùa miểu kinh sách nghe ba chớp ba nháng, lâu lâu nghe nói ganh tị, ganh ghét, tỵ hiềm cũng là Phiền não, rồi một hồi nghe ai đó nói hình như bủn xỉn keo kiệt hình như cũng có phiền não, rồi lâu lâu đi đâu nghe nói tà kiến cũng phiền não, mình nói ủa lạ vậy ta, chính mấy ông Thầy nói Phiền não nói gọn chỉ có Tham Sân Si. Sao bây giờ ở đâu nó lòi ra tùm lum, có cái gì ganh tị bủn xỉn, rồi còn có vụ sợ ma là sao ta ? Sợ ma nó thuộc về nhóm phiền não nào ? Tham Sân Si nó thuộc về cái nào ? Đấy.
Thế là để giải quyết cái vụ mà ngu ngu đó đó ... các Ngài mới mở ra cho mình một phương trời viễn mộng, các Ngài mới nói đây đây ... cái mà con gọi là Tham nó gồm có mấy cái này gộp chung gọi là Tham, cái mà con gọi là Sân nó gồm mấy cái này nè. Đó.

Bây giờ mình học về nhóm Si trước đi. Tại sao nhóm Si để ở đằng trước ? Bởi vì Si là gốc, Si là nền, Si là căn bản cho các Phiền não.
Nhớ nha.

Như vậy mình đang học 14 Tâm Sở Tiêu Cực, bà con viết ra dùm tôi đi, viết ra giùm tôi hai công thức tạo nên Tâm Pháp của chúng sinh.
CÔNG THỨC LÀM NÊN TÂM XẤU, TÂM ÁC, TÂM BẤT THIỆN, TÂM CHẲNG LÀNH.
Nó đặc biệt chỗ này, cái gọi là THỌ hay cảm giác của chúng sinh nằm ở hai chỗ THÂN và TÂM.
Hễ mình nói năng, hành động, tư duy mà bằng 14 tâm xấu này thì nó sẽ tạo ra cảm thọ khó chịu.
Ví dụ như là Ưu, Khổ.
Khi mình hành động bằng tâm lành, bằng 24 Tâm Sở tích cực thì mình sẽ được Hỷ, Lạc
- Hỷ tức là dễ chịu của tâm,
- Lạc là dễ chịu của thân.
trong trường hợp này thôi nha. Khi mình sống bằng 14 Tâm Sở này là 14 Tâm Sở bất thiện là mình sẽ tạo ra hai thứ cảm giác trong đời sống đó là Khổ và Ưu.
- Khổ là sự khó chịu của thân
- Ưu là sự khó chịu của tâm
Còn Xả tại sao không được nhắc tới ? là bởi vì Xả là cảm giác không Hỷ, không Ưu, không Khổ, không Lạc, khi nào cái Xả đó đi chung với Tâm bất thiện thì cho ra Quả bất thiện, mà khi đi nào cái hờ hững đó mà đi chung với Tâm thiện thì cho ra Quả thiện. Từ đó thiện có hai cảm giác đó là thiện Xả và thiện Hỷ chứ không có Ưu Khổ, không có nha.
Thiện Xả và Thiện Hỷ thôi.

Chắc chắn sẽ có một lúc chúng ta sẽ bàn sâu về chỗ này. Tại sao nó lại như vậy. Tại sao chỉ có Hỷ và Xả.
Tại sao Hỷ và Xả,
Đúng là thiện chỉ có Hỷ và Xả, bởi vì đơn giản thôi.
Bởi vì Khổ Ưu đó là khó chịu mà Quả của Tâm thiện thì làm gì có cái vụ cho Quả khó chịu được. Không có.

Ví dụ như mình thấy ông đó ổng giàu mà ổng cũng bị nhiều cái khổ quá, thì mình nghĩ đó giàu mà khổ, giàu con cái nó dành quyền thừa kế. No no. Cái chuyện mà ổng giàu đó là Quả lành, còn chuyện gia đạo của ổng bất ổn bất an thì đó là Quả xấu, hai cái khác nhau. Chứ mình hay nói bậy mình hay nói bậy, thôi tôi không ham giàu đâu giàu phiền lắm. Nói như vậy là nói tầm bậy. Cái chuyện mà giàu đó là Quả lành, còn cái chuyện mà bị phiền đó là Quả xấu.

Hoặc là bình thường mấy người mà xấu quắc họ hay tự an ủi, họ nói thôi tôi cứ sương sương như vậy là được rồi đẹp nhiều quá mệt lắm. Phải chọn lựa tới lui gian truân lắm, thôi cứ cỡ này được rồi có thằng nào tới thích rước về cái xong. Rồi. Còn cứ 12 bến nước, một hai bến là đủ mệt rồi, còn mấy đứa mà đẹp chừng nào bến nước nhiều chừng đó, thôi tôi không có ham.
Nói như vậy là nói dóc.
Cái chuyện mà anh đẹp đó là Quả lành, còn cái chuyện anh ghé tùm lum qua tám lần đò đó là cái chuyện Quả xấu, hai cái đó nó khác nhau. Nha nhớ.

Để cấu tạo nên thế giới gồm có hai phần đó là
PHẦN TÂM VÀ PHẦN VẬT.
Phần vật là sao ?
Bây giờ mình học phần Tâm trước, thì cái gọi là Tâm ở đây gồm có Tâm thiện và Tâm ác, hai Tâm này tạo nên thế giới. Là sao ta ?
- Chính cái Tâm lành nó mới tạo ra những khía cạnh như ý của đời sống, cảnh đẹp, tiếng hay, vị ngon, mùi thơm, các cảnh giới tái sanh như trời người.
- Còn Tâm bất thiện thì tạo ra mấy cái bất toại.
Chỉ vậy thôi.
Chỉ đơn giản như vậy thôi.
Mình nhìn thế giới này thiên hình vạn trạng nhưng chốt lại chỉ có hai thôi. Nha.
Nhắc lại nha, thế giới này mình thấy nó tùm lum, núi non, cây cỏ, mặt trăng, mặt trời, chim muôn, cầm thú, nam nữ, đực cái, trống mái, nước non, đất đá, cỏ rác, hoa lá ... tùm lum hết, nhưng mà chốt lại chỉ có hai thứ thôi. Đó là :
CÁI ĐẮNG VÀ CÁI NGỌT
Cái làm cho mình khổ và cái làm cho mình vui mình sướng.
Chỉ vậy thôi. Nhớ nha.

Nó rất là khoa học, ở đây quý vị có thể nói là tôi không có tin kiếp sau, tôi đâu có thèm, tôi đâu có màng cái đó, tôi không có tin nghiệp báo. Ok luôn, tôi đâu có thêm bàn cái đó. Mệt. Tôi chỉ nói nhỏ một chuyện thôi, là cái chuyện có kiếp trước kiếp sau tôi không thèm nói, cái chuyện luân hồi quả báo. Dẹp.
Tôi cũng không thèm nói.
Cái chuyện có thiên đường địa ngục tôi dẹp, tôi cũng không thèm nói.
Tôi đâu có đi nhồi sọ quý vị đâu.
Tôi chỉ nói một chuyện này thôi, tức là nếu mà có báo ứng, thì cái cảnh giới an lạc chỉ dành cho cái tên nào sống bằng tâm lành thôi.
Nó rất là khoa học.
Còn nếu mà có địa ngục, nếu mà có báo ứng, thì cái cảnh khổ nó đặc biệt chỉ dành cho cái tên sống bằng tâm xấu.
Cái chuyện đó rất là khoa học.
Thì ở đây các vị nào có chút kiến thức về vật lý, có chút kiến thức về sinh vật các vị thấy cái đó đúng. Tức là trên nền tảng nào thì nó dắt tới cái gì, cái lực tác động ra sao thì nó sẽ dẫn đến phản ứng ra sao. Tác động và phản ứng nó là cái lực rất là vật lý nó rất là khoa học và đương nhiên.
Cho nên ở đây tôi chẳng có màng cái chuyện các vị có tin Phật hay không ? Mặc xác. Các vị có tin thiên đường, địa ngục, kiếp trước, kiếp sau, luân hồi báo ứng.
Dẹp. Tôi không có màng.
Tôi chỉ nhắc một chuyện thôi, dầu Phật Pháp có được phân tích như thế nào, Phật Pháp chỉ nhắc cho mình có một chuyện thôi. Nếu giả định, nếu mà có kiếp trước kiếp sau, thì cái chỗ tốt trong cuộc đời này phải dành cho cái đứa mà nó sống thiện.
Chuyện đó rất là khoa học.
Đấy. Và hôm nay nếu mà mình nói chết rồi là hết, thì mình hãy tự hỏi lòng mình đi, tự hỏi lòng mình, tại sao mình nói chết rồi là hết ? Tại sao ? Thì thế nào trong lòng mình nó tự có câu trả lời.
Tại vì tôi không có tìm ra bằng chứng, không có thấy có tái sanh, cho nên tôi nghĩ chết rồi là hết.
Tại sao mình không tự hỏi thêm một câu nữa, mình chưa tìm ra được bằng chứng cho chuyện tái sinh, nhưng mình chưa tìm ra bằng chứng cho chuyện không có tái sanh. Nhớ nha.
Đặc biệt là các đồng chí tự cho mình là trí thức là khoa học, càng duy vật, càng thông tuệ, càng văn minh, càng minh triết, thì tôi xin nhắc bấy nhiêu đó thôi. Nha.
Có nghĩa là mình nói tôi không có tin địa ngục, thiên đường, tôi không có tin kiếp trước, kiếp sau, tôi không có tin luân hồi và quả báo gì hết. Thì tôi xin tuyệt đối tôn trọng nhận thức, quan điểm, lập trường, chủ trương, chính sách đó của các đồng chí. Tôi không có ý kiến. Nha. Mà tôi chỉ gợi ý thôi. Nếu bà con nói bà con không có tin, chỉ vì bằng con không tìm ra bằng chứng là nó có, thì bà con tôi xin bà con cung cấp cho tôi thêm bằng chứng nữa. Tức là bà con chứng minh nó không, phải chứng minh nó không mới xài được, chứ đằng này mình mới nói rằng tôi chưa tìm ra được bằng chứng khẳng định nó có, cho nên tôi không có tin là mình đi có nửa đường thôi. Mình phải chứng minh luôn cái thứ hai nữa, là mình chứng minh là nó không có.

Ở đây 14 TÂM SỞ BẤT THIỆN GỒM CÓ CÁC NHÓM : Nhóm đầu tiên là nhóm SI PHẦN.
- SI ở đây mình thấy chuyện đầu tiên ở đây là không nhận thức cái gì thiện, cái gì ác, cái gì nên, cái gì không nên, không thấy được đúng bản chất của sự vật.
Lẽ ra nó phải được thấy như vậy, nhưng mà mình không chịu thấy, thì đó gọi là Si.

Còn nếu nói cho rốt ráo Si có nghĩa là BẤT TRI TỨ ĐẾ.
- Không biết được mọi thứ là Khổ,
- Không biết được mình Thích cái gì cũng là thích trong Khổ.
- Muốn hết Khổ thì đừng Thích trong Khổ nữa.
Ba nhận thức này cộng lại là
CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ.
Cái đó nó quá chuyên nghiệp, cái đó dành cho hành giả, còn cái định nghĩa dành cho học giả, định nghĩa dành cho học viên, định nghĩa để cho chúng ta sớm có được khái niệm tổng quát về Phật Pháp thì mình cứ hiểu đơn giản
SI là cái mù mù, tâm không cho mình thấy ra sự thật.
Đó gọi là Si.
Chữ Moha đó là Si.
Từ căn Mo có nghĩa là sự nhầm lẫn, sự lẫn lộn, mà nó cũng có nghĩa là hôn mê. Đó là ngữ căn.
Khi mà nó ra danh từ hoàn chỉnh rồi, thì nó có nghĩa là ngu xuẩn, là dốt nát, là sự thiếu khả năng nhận thức mọi chuyện đúng như nó là.
Thì cái đó gọi là Si.

Tiếp theo VÔ TÀM, VÔ ÚY.
- VÔ TÀM là không biết thẹn trước cái bậy.
Thẹn ở đây có hai :
Thẹn ở đây cái gì xấu là không nên làm, gọi là thẹn là vì mình nghĩ thế nào người ta cũng cười mình, thì cái chuyện mình sợ người ta cười mình sẽ mất mặt, cái đó nó không có quý bằng cái thẹn là vì mình thấy đó là chuyện không tốt, người như mình tại sao mình đi làm chuyện đó, cái đó mới gọi là thẹn.
Cái đó mới là Tâm tàm.
Cái đó mới gọi là Tâm tốt. Còn Vô Tàm là không biết thẹn, Úy là không biết sợ. Như vậy là nhóm Si Phần nó gồm có : Si, Vô tàm, Vô úy.

- PHÓNG DẬT là tâm không có tập trung.
Trong Kinh chú giải ví dụ như hòn đá mình ném vô đống tro nó bung lên, thì cái trạng thái lăng xăng thiếu tập trung, trạng thái đó gọi là Phóng dật.
Si, Vô tàm, Vô úy, phóng dật.
Rồi, thì mấy ông này cộng lại gọi là Nhóm Si.

Còn Nhóm Tham là cái gì ?
Nhóm Tham gồm có ba.
Đó là Tham, đầu tiên là :
THAM, TÀ KIẾN, NGÃ MẠN.

- THAM ở đây nghĩa là Thích.
Thích thú, theo đuổi, vừa lòng với một cái gì đó mà bằng cái động lực tâm lý tiêu cực.
Có nghĩa là thích chiếm hữu, thích nắm giữ, thích kiếm tìm, thích hưởng thụ, nắm giữ, sở hữu, kiếm tìm, hưởng thụ, cái đó là nói rộng, nói hẹp Tham gồm có 3 :
- Dục ái, Sắc ái, Vô sắc ái.
thì nó cũng gom có ba, mà bây giờ người sơ cơ không biết gì hết mà nghe nói Dục ái, Sắc ái dễ nhảy lầu lắm. Cho nên tôi mới dịch lại, không phải dịch, mà tôi diễn dịch 3 Ái hình thành 3 trường hợp sau đây :
1/ Ái Tham :
- Chính là một trong ba trường hợp này, thích sở hữu, thích hiện hữu, thích hưởng thụ, thì không có Tham nào mà ngoài ba này.
- THÍCH SỞ HỮU là sao ? Thích nắm. Cái đó là của tôi. Thích tôi có được cái đó. Muốn tôi có được cái đó Và rất là thích, rất vui khi cái đó là của tôi.
Thì đó gọi là thích Sở hữu.
- THÍCH HIỆN HỮU là sao ? Tức là buồn vui, sướng khổ, không cần biết, cứ sợ phải biến mất khỏi cuộc đời này và bỏ lại mọi thứ. Đó gọi là thích hiện hữu. Khổ như điên, người ta sướng như tiên, người ta muốn sống hoài dễ hiểu rồi, mà đằng này khổ như điên, làm sáng ăn trưa, làm trưa ăn chiều, đầu tắt mặt tối, tần tảo nắng gió mưa sương, vậy đó chứ kêu chết là teo.
Thì cái đó gọi là thích hiện hữu. Sợ bị mất, sợ mình trở thành làn khói.
- Còn cái thứ ba là
THÍCH HƯỞNG THỤ
Hưởng thụ là thích mắt mình được nhìn cái như ý, lỗ tai mình được nghe cái như ý, lỗ mũi mình ngửi mùi như ý, lưỡi mình được nếm cái như ý, thân mình được sờ chạm vật như ý. Mà trong đầu mình nghĩ toàn là chuyện như ý, thì đó là hưởng thụ.
Ví dụ như mình mơ sáng sớm ngồi nhìn tuyết rơi bên cửa sổ, xa xa dưới đồi mấy đứa trẻ tung tăng ôm cặp chạy ra xe bus của trường.
Thích hưởng thụ.
Hoặc là đêm khuya mưa gió thích ngâm thơ hoặc là nghe ca hát gì đó, thì đó gọi là thích hưởng thụ.
Thích một chiều mưa biên giới, rồi trước bữa ăn tối gia đình ăn món này món kia, uống món này món nọ, đó gọi là thích hưởng thụ.
Thích chăn êm nệm ấm, quần là áo lụa, đó là thích hưởng thụ.
Cho nên Tham ở đây nó gồm có thích hưởng thụ, thích sở hữu, thích hiện hữu.

Nhóm Tham gồm có
THAM, TÀ KIẾN, NGÃ MẠN.
- Tà Kiến là hiểu sai.
- Si là không thấy, là đui.
- Còn Tà Kiến là thấy sai, là loạn thị, là viễn thị, là cận thị, là siêu thị, gọi là Tà kiến.
Nó thấy mà nó thấy sai, thấy tầm bậy, mà thấy tầm bậy đâu có xài được, thấy sợi dây mà thấy thành ra con rắn. Ví dụ như đó.
Tà Kiến.
- Hoặc là thân tâm này vốn dĩ vô thường mà nó lại trông đợi một cái gì đó trường cữu vĩnh hằng.
Đó là Tà Kiến.
- Hoặc là mọi thứ khi có Duyên nó xuất hiện, thì mình lại nghĩ chết rồi là hết, mình bất kể cái vấn đề Nhân Duyên.
Thì cái đó gọi Đoạn Kiến.

Nghĩa là mọi thứ :
1/ Một là tự nhiên mà có.
2/ Thứ hai mất rồi là hết sạch, không có để một cái kế thừa, một cái tiếp nối gì hết. Nhớ nha.
Thì đó gọi là Đoạn Kiến.
Thì tôi đã giảng ba trăm ngàn lần rồi.
Thường kiến có 3.
Đoạn Kiến có 3.
Thì tôi giảng hoài tôi mệt lắm, tôi mệt lắm.
Không biết giờ mấy giờ rồi.
Chết cha hết giờ rồi.
Không sao giảng bài chậm nhưng mà vẫn kỹ để cho bà con có cái Nền, rồi hẹn bà con thứ ba tuần sau học tiếp.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240118/GIÁO LÝ CĂN BẢN BUỔI 7& 8 (16, 18-1-2024).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản